Trang chủ > Lớp 9 > Đề kiểm tra Ngữ Văn 9 (có đáp án) > Đề kiểm tra tập làm văn số 5 lớp 9 Học kì 2 (có đáp án - Đề 1) - Ngữ Văn Lớp 9

Đề kiểm tra tập làm văn số 5 lớp 9 Học kì 2 (có đáp án - Đề 1) - Ngữ Văn Lớp 9

Đề kiểm tra tập làm văn số 5 Học kì 2
Môn: Ngữ Văn lớp 9
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề 1)
Đề bài: Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về câu nói của tổng thống Mĩ A. Lin – côn viết gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi”
Đáp án và thang điểm
Học sinh viết được một bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội. Yêu cầu: biết dùng từ, đặt câu, viết văn lưu loát. Về cơ bản, cần phải nêu được những nội dung sau:
a. Mở bài (0.5đ)
- Giới thiệu về vấn đề nghị luận, trích dẫn câu nói của tổng thống Mĩ A. Lin – côn viết gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi”.
- Câu nói bàn về vấn đề đức tính trung thực trong thi cử nói riêng và trong cuộc sống của mỗi người nói chung.
b. Thân bài (9đ)
- Giải thích nội dung câu nói (2đ):
+ Tổng thống A. Lin – côn nhắn nhủ: “biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi” tức muốn đề cao sự cần thiết và vai trò của tính chân thực trong thi cử. Chấp nhận thi rớt, làm bài trung thực trong lúc thi cử còn vinh dự hơn sự gian lận mà đạt được kết quả cao.
+ Câu nói không chỉ để bàn về tính trung thực trong thi cử mà còn khẳng định tầm quan trong của đức tính trung thực với mỗi con người.
- Phân tích – chứng minh (5đ):
+ Lời nhắn nhủ của vị tổng thống với giáo viên để thầy dạy bảo con mình đồng thời cũng là lời nhắn gửi tới mọi người. Phải trung thực: dù trong thi cử hay ngoài cuộc sống.
+ Trung thực tức là: ngay thẳng, thật thà, tôn trọng và sống đúng với sự thật, biết nhận lỗi sai khi mắc khuyết điểm. Người sống trung thực luôn tuân theo các chuẩn mực đạo đức mà xã hội đề ra.
+ Biểu hiện của tính trung thực: dám thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm của bản thân, sống đúng với lẽ phải, không tìm cách bao che cho những hành động sai trái, đi ngược với truyền thống đạo lí của dân tộc. Người trung thực sẽ luôn được mọi người yêu mến, tin tưởng.
+ Trong thi cử: trung thực là làm bài bằng tất cả khả năng của mình, không dựa dẫm vào ai hay bất cứ điều gì khác hỗ trợ ngoài năng lực của bản thân.
Ngược lại với trung thực là gian lận trong thi thi cử. gian lận là: quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi, nhờ người thi hộ... Dù thi có đạt kết quả cao nhưng không phải bằng năng lực của bản thân.
→ Chấp nhận việc thi rớt là biểu hiện của người có đức tính trung thực. Việc thi rớt nhưng trung thực với kết quả, khả năng của chính mình còn vinh dự hơn đi đậu bằng sự gian lận, dối trá.
+ Trong cuộc sống: Những người trung thực luôn thành thật với bản thân và với mọi người. Đây là một trong những phẩm chất làm nền tảng để hình thành nên nhân cách con người, là cơ sở giúp con người đặt niềm tin vào nhau để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp. trung thực đem lại cho con người sự thoải mái, tránh những âu lo.
Ngược lại với trung thực là gian dối. Người sống gian dối, thiếu trung thực hay làm viêc mờ ám, luôn sống dè chừng, nghi kị, suy tính, sợ bị phát hiện.
+ Nêu ví dụ về tính trung thực trong đời sống và thi cử để thấy được ích lợi của nó.
- Bàn luận (2đ):
+ Câu nói trên là hoàn toàn đúng đắn, khẳng định được tầm quan trọng của tính trung thực trong cuộc sống mỗi con người.
+ Với tư cách là một phẩm chất đạo đức, người sống trung thực là người có đạo đức và ngược lại. Xã hội sẽ ra sao nếu mỗi con người đều sống mưu toan, vi kỉ, không tin tưởng mà nghi ngờ lẫn nhau?
+ Liên hệ với bản thân và rút bài học nhận thức: phải sống ngay thẳng, trung thực, để không thẹn với lòng mình; tu dưỡng, rèn luyện đức tính trung thực, đấu tranh để chống lại những biểu hiện gian lận tiêu cực trong thi cử cũng như cuôc sống...
c. Kết bài (0.5đ)
Khẳng định lại ý nghĩa câu nói.