Trang chủ > Lớp 9 > Đề kiểm tra Ngữ Văn 9 (có đáp án) > Đề thi Ngữ văn lớp 9 Học kì 1 (có đáp án - Đề 3) - Ngữ Văn Lớp 9

Đề thi Ngữ văn lớp 9 Học kì 1 (có đáp án - Đề 3) - Ngữ Văn Lớp 9

Đề thi Học kì 1

Môn: Ngữ Văn lớp 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề 3)

Phần I. (7 điểm)

Trong một đoạn trích Sách giáo khoa Ngữ Văn 9 (Tập 1) có viết:

“ Làn thu thủy nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh ”

Câu 1: Chép lại chính xác tám câu thơ tiếp theo để hoàn chỉnh đoạn thơ?

Câu 2: Cho biết đoạn thơ em vừa chép được trích trong văn bản nào? Thuộc tác phẩm nào? Của ai? Vị trí của văn bản đó trong tác phẩm?

Câu 3: Theo em, có thể dùng từ “buồn” thay thế cho từ ''hờn" trong câu thơ thứ hai được không? Tại sao?

Câu 4: Viết một đoạn văn ngắn khoảng 12-15 câu theo phương pháp tổng phân hợp để làm nổi bật vẻ đẹp sắc sảo mặn mà của nhân vật được miêu tả trong đoạn thơ trên (trong đó có sử dụng một câu ghép, phép thế và gạch chân).

Phần II. (1,5 điểm)

“ Hoàng Lê nhất thống chí ” là một tác phẩm văn xuôi chữ Hán có quy mô lớn nhất và đạt những thành công xuất sắc về nghệ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực tiểu thuyết của văn học Việt Nam thời trung đại. ”

Câu 1: Hãy giải thích nhan đề của tác phẩm.

Câu 2: Theo em, nguồn cảm hứng nào đã chi phối ngòi bút của tác giả khi xây dựng hình tượng nhân vật chính Quang Trung - Nguyễn Huệ?

Phần III. (1,5 điểm)

Bác Hồ không chỉ là một con người vĩ đại trong cuộc sống mà còn là một hình tượng tuyệt đẹp trong tác phẩm văn học. Trong chương trình Ngữ Văn 9 có một văn bản nhật dụng viết rất hay về vẻ đẹp phong cách của người.

Câu 1: Hãy cho biết đó là văn bản nào? Do ai viết?

Câu 2: Viết một đoạn văn khoảng nửa trang giấy thi để trình bày những bài học về phong cách tư tưởng đạo đức mà em học được từ Người thông qua tác phẩm đó.

Đáp án và Thang điểm

Phần I. (7 điểm)

Câu 1: Chép thuộc thơ (1 điểm)

“ Làn thu thủy nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đỏi một tài đành họa hai

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương.

Khúc nhà tay lựa nên chương

Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân. "

Câu 2: Đoạn thơ vừa chép nằm trong văn bản Chị em Thúy Kiều, thuộc tác phẩm Đoạn trường tân thanh của tác giả Nguyễn Du

Vị trí đoạn trích: Đoạn trích nằm ở phần mở đầu của tác phẩm, giới thiệu gia cảnh của Thúy Kiều. Tác giả tập trung miêu tả tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều. (0,5 điểm)

Câu 3: Không thể thay thế từ “hờn” bằng từ “buồn” bởi cặp từ ghen - hờn đi liền với nhau.

Từ “buồn” dùng để chỉ sự âu sầu, không vui

Từ “hờn” diễn tả thái độ ganh ghét, đố kị

Ở đây, tác giả muốn nói vẻ đẹp của Kiều khiến cho tạo hóa, tự nhiên phải ganh ghét, đô kị, cũng là dự báo trước cuộc đời sóng gió (0,5 điểm)

Câu 4: Phân tích vẻ đẹp của Kiều (5 điểm)

- Mở đoạn: Giới thiệu về nhân vật Thúy Kiều, được tác giả xây dựng bằng bút pháp ước lệ tượng trưng với vẻ đẹp có một không hai (1 điểm)

- Vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều được miêu tả một cách khái quát. Tác giả miêu tả vẻ đẹp của Vân để làm đòn bẩy khéo léo miêu tả vẻ đẹp của Kiều nổi bật hơn cả (0,5 điểm)

- Đặc tả đôi mắt của Kiều, toát lên khí chất, nét đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”. Tài năng của Thúy Kiều được miêu tả lên tới cực điểm của sự sắc sảo, tài năng (tài đàn hát, cầm kì thi họa…) (0,5 điểm)

- Vẻ đẹp của Kiều khiến cho tạo hóa phải ganh tị, hờn dỗi điều này như dự báo trước cuộc đời sóng gió của Kiều (0,5 điểm)

- Tác giả sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng, làm nổi bật vẻ đẹp của Thúy Kiều (0,5 điểm)

→ Vẻ đẹp của Kiều được lý tưởng hóa “mười phân vẹn mười” xưa nay hiếm gặp, điều đó khẳng định được tài năng của Nguyễn Du khi xây dựng nhân vật (1 điểm)

- Đoạn văn sử dụng câu ghép, phép thế (1 điểm)

Phần II. (1,5 điểm)

Câu 1: Nhan đề Hoàng Lê nhất thống chí (0,5 điểm)

- Chí là thể loại văn học ghi chép lại sự vật, sự việc

- Nhan đề được viết bằng chữ Hán ghi chép về quá trình thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê. Tác phẩm cũng tái hiện lại giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam vào 30 năm cuối thế kỉ XVIII, mấy năm đầu thế kỉ XIX. Tiểu thuyết gồm 17 hồi.

Câu 2: Nguồn cảm hứng nào đã chi phối ngòi bút của tác giả khi xây dựng hình tượng nhân vật chính Nguyễn Huệ (1 điểm)

Các tác giả Ngô gia văn phái vốn là người trung thành với nhà Lê nhưng vẫn viết về vua Quang Trung với đầy tinh thần ca ngợi, tác giả đứng trên tinh thần dân tộc phản ánh. Nhờ điều đó giúp tạo ra sức thuyết phục cho tác phẩm, tính trung thực, chứng tỏ tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử

Đây là đặc điểmtiêu biểu của thể loại truyền thuyết lịch sử.

Phần III. (1,5 điểm)

Câu 1: Văn bản được nhắc đến là Phong cách Hồ Chí Minh của nhà báo Lê Anh Trà (0,5 điểm)

Câu 2: Những bài học từ phong cách đạo đức của Hồ Chí Minh:

- Nói được Hồ Chí Minh: tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nhân loại và nét đẹp trong lối sống giản dị, thanh cao của Người

- Học hỏi được sự giản dị trong: lối sinh hoạt (ăn, ở, mặc…), tác phong làm việc

- Sự thanh cao trong nhân cách: không ngừng học tập, nuôi dưỡng tâm hồn

- Người có đức tính khiêm tốn, chân thành, cởi mở… Bác hi sinh bản thân, quên mình lo cho dân cho nước

→ Bày tỏ lòng yêu mến, biết ơn Bác Hồ, phấn đấu rèn luyện theo tấm gương của Bác