Trang chủ
> Lớp 9
> Đề kiểm tra Ngữ Văn 9 (có đáp án)
> Đề kiểm tra tập làm văn số 6 lớp 9 Học kì 2 (có đáp án - Đề 2) - Ngữ Văn Lớp 9
Đề kiểm tra tập làm văn số 6 lớp 9 Học kì 2 (có đáp án - Đề 2) - Ngữ Văn Lớp 9
Đề kiểm tra tập làm văn số 6 Học kì 2
Môn: Ngữ Văn lớp 9
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề 2)
Đề bài: Cảm nhận của em về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.
Đáp án và thang điểm
Học sinh viết bài văn nghị luận văn học. Yêu cầu: biết cách dùng từ, đặt câu, viết văn lưu loát. Bài văn có bố cục đầy đủ 3 phần, hành văn lưu loát, sinh động. Về cơ bản, cần phải nêu được những nội dung sau:
a. Mở bài (0.5đ)
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và nhân vật.
- Tác phẩm là câu chuyện cuốn hút người đọc bởi tình cảm cha con đầy thấm thía và cảm động.
b. Thân bài (9đ)
- Hoàn cảnh (1đ): Ông Sáu thời trẻ tham gia kháng chiến chống Pháp, để lại vợ và con nhỏ khi ấy mới một tuổi là bé Thu. Tám năm sau, trong một lần làm công tác bí mật, tổ chức sắp xếp cho ông được về thăm con. Trước đó, hai cha con ông chỉ được nhìn thấy nhau thông qua những bức ảnh.
- Tâm trạng của bé Thu khi lần đầu được nhìn thấy ba (2đ):
+ Thấy người tự nhận là ba mình không giống với người ở trong bức ảnh.
→ Kinh ngạc, sợ hãi, nghi hoặc, không tin, lảng tránh, dửng dưng, không chấp nhận được sự thật.
+ Hành động: hoảng hốt, mặt tái đi, chạy vụt vào trong nhà gọi má.
→ Bé Thu là một cô bé thơ ngây, hồn nhiên, chân thật.
- Tâm trạng và cảm xúc của bé Thu trong những ngày ông Sáu ở nhà (3đ):
+ Nói chuyện trống không.
+ Nhất định không chịu mở lời nhờ ông chắt nồi nước cơm đang sôi.
+ Hất cái trứng cá mà ông gắp cho.
+ Khi bị ông Sáu tức giận đánh cho một cái thì bỏ về nhà bà ngoại, khi xuống xuồng còn cố ý khua dây cột xuồng thật to.
→ Thể hiện tính cách ngang ngạnh, ương bướng.
→ Là một nét tâm lí hoàn toàn dễ hiểu, tự nhiên (bé Thu chỉ được nhìn thấy ba trong bức ảnh, trong bức ảnh đó ông Sáu không có vết sẹo trên mặt như bây giờ). Em còn quá nhỏ để có thể hiểu hết được sự tàn khốc của chiến tranh. Em cũng chưa có sự chuẩn bị tâm lí sẵn sàng để đón nhận.
→ Thể hiện cá tính mạnh mẽ, quyết đoán đầy kiêu hãnh của trẻ thơ. Tình cảm sâu sắc, chỉ yêu ba khi biết chắc chắn đó là ba mình.
- Tâm trạng của bé Thu khi nhận ra ba (2đ):
+ Trong buổi sáng trước khi ông Sáu phải lên đường, tâm trạng và thái độ của em thay đổi hoàn toàn.
+ Lần đầu tiên em cất lên tiếng gọi ba – tiếng kêu thất thanh nghe xé lòng. Khi bỏ về nhà ngoại, em được nghe bà ngoại kể về lí do tại sao ba em lại có vết sẹo đó, tâm trạng em đầy ân hận (nằm im nghe bà kể…)
→ Vào thời khắc chia tay, bao nhiêu tình cảm mong nhớ dồn nén bấy lâu về ba bùng lên mạnh mẽ. em hối hả, cuống quýt và cả ân hận vì lâu nay không nhận ra ba. Giây phút chia tay hiện lên thật cảm động.
- Cảm nhận chung về nhân vật (1đ):Bé Thu là một cô bé có tính cách hồn nhiên, thơ ngây, rạch ròi về tình cảm, cứng cỏi đến mức ương ngạnh, có tình yêu tha thiết dành cho ba.
→ Tác giả là người am tường tâm lí trẻ em và miêu tả một cách chân thực, sinh động.
c. Kết bài (0.5đ)
- Khẳng định sự thành công của tác giả trong việc xây dựng nhân vật và tình cảm của em với nhân vật đó.