Trang chủ > Lớp 9 > Đề kiểm tra Ngữ Văn 9 (có đáp án) > Đề kiểm tra 1 tiết Thơ lớp 9 Học kì 2 (có đáp án - Đề 4) - Ngữ Văn lớp 9

Đề kiểm tra 1 tiết Thơ lớp 9 Học kì 2 (có đáp án - Đề 4) - Ngữ Văn lớp 9

Đề kiểm tra 1 tiết văn Học kì 2
Môn: Ngữ Văn lớp 9
Thời gian làm bài: 45 phút
(Đề 4)
I. Trắc nghiệm (3 điểm)
1. Đâu không phải là những hình ảnh, hiện tượng của đất trời khi chuyển mình sang thu trong cảm nhận của nhà thơ Hữu Thỉnh?
a. Hương ổi phả vào trong gió se
b. Lá vàng rơi
c. Dòng sông bắt đầu vội vã
d. Đám mây hạ - thu
2. Ý nghĩa của nhan đề bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là:
a. Biểu trưng cho những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất của cuộc đời mỗi con người
b. Sự thống nhất giữa cái riêng với cái chung, giữa cái tôi cá nhân với cái ta cộng đồng
c. Nguyện ước làm một mùa xuân để cống hiến những gì tươi đẹp nhất cho cuộc đời, cho đất nước một cách khiêm nhường và lặng lẽ.
d. Cả a, b, c
3. Bài thơ Con cò được rút ra từ tập thơ nào của nhà thơ Chế Lan Viên?
a. Ánh sáng và phù sa (1960)
b. Hoa ngày thường – chim báo bão (1967)
c. Hái theo mùa (1977)
d. Hoa trên đá (1984)
4. Nội dung chính của bài thơ Mây và sóng là gì?
a. Ngợi ca tình cảm của đứa con dành cho mẹ
b. Ngợi ca công lao của người mẹ đối với con
c. Ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên
d. Ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt
5. Câu nào dưới đây nêu đầy đủ tên các bài thơ có nội dung đề cập đến tình cảm của cha mẹ dành cho con cái?
a. Con cò, Nói với con, Mây và sóng
b. Sang thu, con cò
c. Nói với con, Viếng lăng Bác
d. Mùa xuân nho nhỏ, Con cò, Nói với con
6. Câu thơ: “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu” đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?
a. Ẩn dụ b. So sánh c. Nhân hóa d. Hoán dụ
II. Tự luận (7 điểm)
1. Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể,
Cò sẽ tìm con,
Cò mãi yêu con.
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con. (4đ)
2. Chép lại chính xác khổ thơ cuối trong bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh và nêu cảm nhận của em về đoạn thơ đó. (3đ)
Đáp án và thang điểm
I. Phần trắc nghiệm
123456
bdbdac
II. Phần tự luận
1.
Học sinh viết được một đoạn văn nêu cảm nhận của bản thân về đoạn thơ trên, về cơ bản cần phải nêu được các ý sau:
- Đoạn thơ là sự cảm nhận sâu sắc của thi sĩ về tình mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng, ngợi ca tình mẹ, lòng mẹ thương con. (1đ)
- Hình ảnh người mẹ được nhà thơ hình tượng hóa trong hình ảnh con cò thân thuộc trong ca dao để nói lên sự gắn bó máu thịt, sự quan tâm dìu dắt suốt cuộc đời của người mẹ dành cho con cái, dù cho ở bất cứ nơi đâu hay trong bất cứ cảnh ngộ nào. (2đ)
- Hình tượng nghệ thuật độc đáo, lời thơ mang âm hưởng của lời ru ngọt ngào, triết lí sâu xa. (1đ)
2.
Chép lại chính xác khổ thơ cuối bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi. (1đ)
Học sinh nêu cảm nhận về đoạn thơ đó, về cơ bản phải nêu được những nội dung sau:
- Vẻ đẹp của thời khắc giao mùa, của tâm hồn con người giao cảm với thiên nhiên và mang đầy dự cảm, thể hiện sự chiêm nghiệm và suy tư của thi sĩ. (0.5đ)
- Những tia nắng hạ vẫn còn, những cơn mưa ào ạt đã vơi dần đi. Nắng – mưa là hai hình ảnh tương phản chuyển giao của đất trời trước thời điểm giao mùa. (0.5đ)
- Hai dòng thơ cuối vừa mang nét nghĩa tả thực nhưng cũng vừa là hình ảnh ẩn dụ:
+ Ý nghĩa tả thực: sấm thường gắn với cơn mưa mùa hạ cũng đã bớt dần đi. (1đ)
+ Ý nghĩa ẩn dụ: Sấm - đại diện cho những gì bất thường dữ dội trong cuộc sống, hàng cây đứng tuổi - con người từng trải. Trước những bão tố cuộc đời con người từng trải sẽ bình thản hơn, trưởng thành hơn, điềm đạm và chín chắn hơn. (1đ)