Trang chủ > Lớp 5 > Soạn Tiếng Việt lớp 5 > Tập đọc: Trí dũng song toàn (trang 26 sgk Tiếng Việt 5)

Tập đọc: Trí dũng song toàn (trang 26 sgk Tiếng Việt 5)

Nội dung chính của bài: Bài đọc nói về Thám hoa Giang Văn Minh, ông là sứ thần nước Việt thời nhà Lê xưa. Ông đã dùng tài trí và sự dũng cảm của mình để đối đáp vua Minh. Tuy bị ám hại nhưng Giang Văn Minh luôn được lưu danh sử sách vì trí tuệ và lòng dũng cảm, sự tự tôn dân tộc.

Câu 1 (trang 26 sgk Tiếng Việt 5): Sứ thần Giang Văn Minh làm cách nào để vua nhà Minh bãi bỏ lễ "góp giỗ Liễu Thăng"?

Giải đáp:

Khi được vua Lê Thần Tông cử đi sứ Trung Quốc, vua nhà Minh để sứ thần Giang Văn Minh chờ lâu và không chịu tiếp kiến thì Giang Văn Minh đã "vừa khóc lóc rất thảm thiết". Vua Minh buộc phải tiếp kiến ông và hỏi han "cho ra lẽ". Nhân dịp đó, sứ thần đã cho vua Minh biết rằng việc góp giỗ Liễu Thăng mới chính là "thật không phải lẽ" vì "tướng Liễu Thăng đã tử trận mấy trăm năm". Sứ thần nước ta đã khéo léo làm phép tính đơn giản để so sánh là "ngày giỗ cụ tổ năm đời" của mình lại "không có mặt thần ở nhà để cúng giỗ", thì vua Minh khăng khăng phán rằng "không ai phải giỗ người đã chết từ năm đời". Từ đó, biệc bãi bỏ lệ "góp giỗ Liễu Thăng " là điều đương nhiên.

Câu 2 (trang 26): Em hãy nhắc lại nội dung cuộc đối đáp giữa Thám hoa Giang Văn Minh với đại thần nhà Minh.

Giải đáp:

- Đại thần nhà Minh ra vế đối: "Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc", để nhắc chuyện Mã Viện dẹp cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng.

- Sứ thần Giang Văn Minh cứng cỏi đối lại ngay:

"Bạch Đằng thuở trước máu còn loang", nhằm lấy việc quân đội ba triều đại Nam Hán, Tống và Nguyên đều thảm bại trên sông Bạch Đằng để đối lại vế đối ngạo mạn nêu trên của đại thần nhà Minh.

Câu 3 (trang 26): Tại sao vua nhà Minh sai người ám hại ông Giang Văn Minh?

Giải đáp:

Vua nhà Minh sai người ám hại ông Giang Văn Minh bởi vì Thám hoa Giang Văn Minh thật sự là người Việt Nam tài giỏi, mưu trí và dũng cảm. Ông đã làm cho vua Minh phải bãi bỏ lệnh "góp giỗ Liễu Thăng", lại còn hiên ngang đối lại đại thần nhà Minh vốn rất ngạo mạn, tưởng là có thể đè bẹp ý chí ngoan cường của một sứ thần nước Nam. Quá xấu hổ và ghen ghét, nên vua nhà Minh đã sai người ám hại ông Giang Văn Minh.

Câu 4 (trang 26): Tại sao có thể nói ông Giang Văn Minh là người trí dũng song toàn?

Giải đáp:

Có thể nói ông Giang Văn Minh là người trí dũng song toàn bởi vì ông Giang Văn Minh (1573 – 1638), một đại thần nhà Lê đã chỉ bằng mưu trí thông minh mà buộc vua Minh phải bỏ thói hống hách của nước lớn để "hạ chỉ mời ông đến hỏi cho ra lẽ". Rồi cũng vua Minh mắc mưu của sứ thần triều Lê mà ra tuyên bố rằng: "Từ nay trở đi, nước ngươi không phải giỗ Liễu Thăng nữa". Để từ đó, nước ta mới thoát khỏi nạn mỗi năm cống nạp một lượng vàng để đền mạng Liễu Thăng (một tướng nhà Minh, năm 1427 bị nghĩa quân Lam Sơn phục kích giết chết ở ải Chi Lăng, nay thuộc tỉnh Lạng Sơn, phía Bắc nước ta).

Ông Giang Văn Minh khi yết kiến vua Minh và đối diện với đại thần của phong kiến Trung Quốc, ông đã tỏ ra cứng cỏi, đối đáp bạo dạn, đầy tự tin bằng cả khí phách anh dũng, bằng sự hiểu biết sâu sắc, lòng tự hào về lịch sử chống ngoại xâm quật cường của Tổ quốc Việt Nam. Chỉ bằng một vế đối ngắn gọn và súc tích, ông Giang Văn Minh đã đập lại thái độ ngạo mạn của nhà Minh để nhắc lại ba lần thảm bại của cả ba triều đại phong kiến phương Bắc trên sống Bạch Đằng của nước Việt anh hùng. Ông đã "xứng đáng là anh hùng thiên cổ". Một con người vừa mưu trí, vừa dũng cảm như ông thì dù có chết đi rồi cũng vẫn như còn sống mãi.