Trang chủ > Lớp 5 > Soạn Tiếng Việt lớp 5 > Tập đọc: Những cánh buồm (trang 141 sgk Tiếng Việt 5)

Tập đọc: Những cánh buồm (trang 141 sgk Tiếng Việt 5)

Nội dung chính của bài: Bài thơ nói về ước mơ của cha và con. Đứng trước biển thấy những cánh buồm kiêu hãnh ngoài biển khơi, người con muốn có một cánh buồm trắng, sẽ đi thật xa để khám phá. Đó cũng là mơ ước thuở nhỏ của cha.

Câu 1 (trang 141 sgk Tiếng Việt 5): Dựa vào những hình ảnh đã được gợi ra trong bài thơ, em hãy tưởng tượng và miêu tả cảnh hai cha con dạo chơi trên bãi biển.

Giải đáp:

Sau trận mưa đêm rả rích, bầu trời và bãi biển trong xanh, sạch bóng. Có hai cha con đang đi dạo dưới ánh mặt trời hồng rực rỡ ban mai. Bóng họ trải dài trên bờ cát. Người cha cao gầy bóng lênh khênh, còn người con trai bụ bẫm, lon xon bước bên cha làm nên một cái bóng tròn chắc nịch.

Câu 2 (trang 141): Em hãy kể lại cuộc trò chuyện giữa hai cha con.

Giải đáp:

Đang dạo chơi, bỗng cậu bé lắc tay cha khẽ hỏi nhỏ: "Ba ơi, sao ở xa kia chỉ thấy nước, thấy trời, không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người? ". Người cha mỉm cười bảo: "Cứ theo cánh buồm kia, đi mãi ta sẽ thấy cây, thấy nhà, thấy người. Nhưng nơi đó cha cũng chưa hề đi đến". Người cha bất chợt trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời. Cậu bé lại chỉ cánh buồm bảo: "Cha hãy mượn cho con những cánh buồm trắng kia nhé, để con đi... ". Lời chân thành của đứa con làm người cha bồi hồi xúc động - đó là lời của người cha, là mơ ước của ông thời ông còn là một cậu bé bằng tuổi con ông bây giờ, lần đầu được đứng trước biển khơi vô tận. Người cha đã bắt gặp lại mình trong ước mơ của con.

Câu 3 (trang 141): Những câu hỏi ngây thơ của người con cho thấy con có mơ ước gì?

Giải đáp:

Những câu hỏi ngâv thơ của con cho thấy người con khao khát hiểu biết mọi thứ trên đời.

Câu 4 (trang 141): Mơ ước của con gợi cho cha nhớ đến điều gì?

Giải đáp:

Qua niềm mơ ước của người con đã gợi cho người cha nhớ đến ước mơ từ thuở nhỏ của mình.

Câu 5 (trang 141): Học thuộc lòng bài thơ.

Giải đáp:

Các em đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ và học thuộc.