Trang chủ > Lớp 5 > Soạn Tiếng Việt lớp 5 > Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia (trang 157 sgk Tiếng Việt 5)

Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia (trang 157 sgk Tiếng Việt 5)

Câu 1 (trang 157): Em hãy kể chuyện về một buổi sum họp đầm ấm trong gia đình.

Giải đáp:

Gợi ý

1. Đó là buổi sum họp gia đình của ai (gia đình em hay gia đình bạn em, gia đình họ hàng, hàng xóm, …)?

2. Buổi sum họp đó diễn ra vào thời gian nào (sáng, tối, …) và vào dịp nào (bữa cơm thường ngày, dịp lễ tết, sinh nhật, mừng thọ, ngày giỗ, …)?

3. Trong buổi sum họp gia đình có những ai? Mọi người trò chuyện, thể hiện tình cảm thương yêu, quan tâm đến nhau ra sao?

4. Không khí đầm ấm của buổi sum họp gia đình đó gợi cho em suy nghĩ gì?

Bài mẫu:

Kể lại bữa cơm sum họp đầm ấm của gia đình vào chiều 30 Tết

Thời gian trôi qua nhanh quá! Thấm thoát mà đã một năm. Mới ngày nào em được bố mẹ cho về quê nội ăn Tết cùng ông bà và họ hàng, thế mà hôm nay đã là ngày cuối cùng của năm Bính Tuất.

Năm nay, bố mẹ em chuẩn bị đầy đủ mọi thứ từ khá sớm vì năm nay là lần đầu tiên ông bà nội ra Thủ đô đón Tết cùng gia đình em. Không khí Tết tràn ngập trong căn nhà nhỏ. Phòng khách được trang hoàng đẹp đẽ. Trên bàn thờ bày bộ lư đồng sáng choang. Mùi nhang trầm thơm ngát. Đèn, nến, rượu, trà, bánh chưng, mứt và cả mâm ngũ quả... được ông nội sắp xếp thật trang trọng. Bố em cũng mua thêm cả chậu hoa đào to để ở giữa phòng khách. Những bông hoa đang nở rộ chào đón xuân về.

Bữa cơm tất niên chiều ba mươi Tết là một bữa cơm đặc biệt. Từ sáng sớm, bà và mẹ đã đi chợ Đồng Xuân mua sắm những thứ cần thiết để nấu cỗ. Mẹ em là “bếp trưởng” phụ trách những món chính. Còn bà nội và chị Hà cùng với em làm “phụ bếp”. Mọi người vừa làm vừa trò chuyện vui vẻ. Em cũng học được cách tỉa rau củ thành những bông hoa xinh xắn, đẹp mắt.

Khi thức ăn đã nấu xong, bà nội tự tay sắp mâm cỗ cúng. Bố em có nhiệm vụ bưng mâm cỗ lên đặt trước bàn thờ để ông nội thắp nhang khấn mời tổ tiên về sum họp cùng với con cháu trong dịp Tết.

Sau ba tuần nhang, mâm cỗ được bưng xuống để con cháu hưởng lộc của tổ tiên. Một mâm đầy đồ ăn nào bánh chưng xanh, xôi gấc đỏ, thịt gà luộc vàng ươm, bát canh măng khô hầm chân giò đặt bên cạnh đĩa thịt bò xào rau củ. Rồi giò lụa, nem rán... món nào nhìn cũng vô cùng ngon mắt và hấp dẫn.

Bố em rót rượu kính mời ông bà. Mọi người nâng cốc chúc mừng tất niên, ba thế hệ gia đình quây quần bên mâm cơm ngày Tết. Trong bữa ăn, ông bà kể chuyện về chuyện ở quê cho bố mẹ và chúng em cùng nghe. Rồi ông quay sang em, ông bảo:

- Cháu à! Tuy cháu sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng cháu phải luôn luôn nhớ rằng quê hương cháu ở Nam Định, ở đó có mồ mả tổ tiên, có ngôi nhà của ông bà, nơi bố cháu đã sinh ra vả lớn lên. Sau này trưởng thành, dù đi đâu về đâu cũng đừng quên quê hương, cháu nhé!

Rồi ông còn kể nhiều chuyện hay và ý nghĩa về cội nguồn khiến cả gia đình em ai cũng xúc động.

Ông nội với gương mặt hiền từ và chòm râu bạc như tiên ông trong cổ tích đã để lại trong em một ấn tượng thật sâu đậm.

Bữa cơm đại gia đình em diễn ra rất đầm ấm, thân thương. Chắc chắn em sẽ nhớ mãi bữa cơm sum họp này.