Tập đọc: Tiếng rao đêm (trang 31 sgk Tiếng Việt 5)
Nội dung chính: Bài đọc nói về sự dũng cảm của một người thương binh. Anh đã hi sinh cho đất nước, mất một chân phải dùng chân giả, cuộc sống khó khăn, nhưng sẵn sàng cứu người khỏi đám cháy, không quản nguy hiểm tới tính mạng.
Câu 1 (trang 31 sgk Tiếng Việt 5): Đám cháy xảy ra vào lúc nào?
Giải đáp:
Đám cháy xảy ra vào "một đêm", khi mọi người sắp đi vào giấc ngủ sau một ngày lao động.
Câu 2 (trang 31): Người đã dũng cảm cứu em bé là ai? Con người và hành động của anh có gì đặc biệt?
Giải đáp:
- Người dũng cảm cứu em bé là một người đi bán bánh giò hàng đêm.
- Con người và hành động của anh rất đặc biệt: "Một bóng người cao gầy, khập khiễng chạy tới ngôi nhà cháy, xô cánh cửa đổ rầm". Đó là hành động khẩn trương cứu người trong cơn hoạn nạn, bất chấp hiểm nguy, không màng tới bước chạy của anh bị "khập khiễng". Rồi từ ngôi nhà "khói bụi mịt mù", anh phóng thẳng ra ngoài, trong tay ôm khư khư cái bọc chăn, trong đó là một đứa bé mặt mày đen nhẻm, thất thần, "khóc không thành tiếng " vừa lúc "một cây rầm sập xuống". Cả người anh ngã quỵ xuống, người mềm nhũn. Khi cấp cứu, người ta thảng thốt phát hiện một chân của anh là "một cái chân gỗ". Anh là một thương binh, đêm đêm đạp xe đi bán bánh giò để kiếm sống. Anh là người phát hiện ra đám cháy, báo động cho mọi người và cứu một gia đình qua cơn hoạn nạn.
Câu 3 (trang 31): Chi tiết nào trong câu chuyện gây bất ngờ cho người đọc?
Giải đáp:
Tác giả có cách dẫn dắt trực tiếp và ngắn gọn nên câu chuyện đã làm nổi bật hình ảnh nhân vật anh thương binh cứu người từ đám cháy. Người đọc ấn tượng sâu sắc nhân vật ấy, qua chi tiết:
- Trong một đêm đi bán bánh giò, anh thương binh phát hiện ra đám cháy. Không ngần ngại anh lao vào chỗ có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của anh, anh cứu được một em bé đang thất thần, không khóc được nữa.
- Anh ngã quỵ vì mất sức. Người đến cấp cứu cho anh lại phát hiện điều bất ngờ: Anh là một thương binh và tài sản của anh là "chiếc xe đạp nằm lăn lóc ở góc tường và những chiếc bánh giò tung tóe…". Anh xứng đáng là một chiến sĩ quân đội luôn sẵn sàng hi sinh cho nhân dân của mình. Anh tuy "tàn mà không phế".
Câu 4 (trang 31): Câu chuyện trên gợi cho em suy nghĩ gì về trách nhiệm công dân của mỗi người trong cuộc sống?
Giải đáp:
Câu chuyện trên gợi cho em suy nghĩ về trách nhiệm công dân của mỗi người trong cuộc sống đó là:
- Bằng khả năng của mình hãy luôn giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn. Luôn chia sẻ, gánh vác khó khăn trong cuộc sống với tất cả mọi người, với đồng bào ruột thịt của mình.
- Không so đo tính toán thiệt hơn quyền lợi với người mình vừa giúp đỡ. Sống hòa thuận, đoàn kết như anh em một nhà với mọi người xung quanh.
Bài trước: Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia (trang 29 sgk Tiếng Việt 5) Bài tiếp: Tập làm văn: Lập chương trình hoạt động (trang 32 sgk Tiếng Việt 5 tập 2)