Tập đọc: Thái sư Trần Thủ Độ (trang 16 sgk Tiếng Việt 5)
Nội dung chính của bài: Bài đọc nói về đức hạnh và tấm lòng của Thái sư Trần Thủ Độ đối với vua Trần và đất nước. Ông luôn là người phân biệt công tư rõ ràng, không chuyên quyền. Ông răn đe kẻ dưới, thưởng phạt công minh, luôn lo lắng cho đất nước.
Câu 1 (trang 16 sgk Tiếng Việt 5): Khi có người muốn xin chức câu đương, Trần Thủ Độ đã làm gì?
Giải đáp:
Khi có người muốn xin chức câu đương, Trần Thủ Độ đã đồng ý nhưng yêu cầu chặt một ngón chân người đó để phân biệt với các câu đương khác.
Cụ thể: Người muốn được làm câu đương vốn là "người nhà" của Linh Từ Quốc Mẫu. Anh ta chắc mẩm trong bụng thế nào mọi việc cũng sẽ xong xuôi tốt đẹp. Nào ngờ khi nghe Trần Thủ Độ nói "phải chặt một ngón chân" để phân biệt với những câu đương khác, thì anh ta "kêu van mãi" mới được Thái sư tha cho! Có lẽ vì vậy mà trong dân gian mới có lời vè châm biếm:
Câu đương ăn nhặn gì đâu,
Ngón chân bị chặt thì đau vô cùng!
Qua việc làm đó, ta thấy Trần Thủ Độ là vị quan to đầu triều mà rất chí công và cương trực. Có lẽ ông là người đầu tiên ở nước ta kiên quyết chống lại chuyện chạy chức chạy quyền của bọn hám danh trục lợi trong xã hội!
Câu 2 (trang 16): Trước việc làm của người quân hiệu, Trần Thủ Độ xử lí như thế nào?
Giải đáp:
Người quân hiệu đã vì phép nước mà dám ngăn lại không cho kiệu của Linh Từ Quốc Mẫu – vợ quan Thái sư "đi qua chỗ thềm cấm". Khi bị bắt, anh ta nghĩ chắc bản thân sẽ "phải chết". Sau khi nghe người quân hiệu "kể rõ ngọn ngành", Trần Thủ Độ không những không bắt tội mà còn lấy vàng lụa thưởng cho anh ta. Câu nói: "Ngươi ở chức thấp mà biết giữ phép nước như thế, ta còn trách gì nữa! " đã cho thấy vị Thái sư Trần Thủ Độ là một người rất chí công, coi trọng phép nước và luôn đặt phép nước lên trên tình riêng.
Câu 3 (trang 16): Khi biết có viên quan tâu với vua rằng mình chuyên quyền, Trần Thủ Độ nói thế nào?
Giải đáp:
Khi biết có viên quan tâu với vua rằng mình chuyên quyền, Trần Thủ Độ đã tâu với vua: "Quả có chuyện như vậy. Xin bệ hạ quở trách thần và ban thưởng cho người nói thật". Cách ứng xử ấy của vị Thái sư rất đường hoàng và trung thực.
Câu 4 (trang 16): Những lời nói và việc làm của Trần Thủ Độ cho thấy ông là người như thế nào?
Giải đáp:
Đọc bài văn, ta thấy lời nói và việc làm của Thái sư Trần Thủ Độ thể hiện một nhân cách đẹp: trung thực, cương trực và chí công vô tư. Vì vậy mà các vua nhà Trần đã cung kính tôn vinh ông là Thượng phụ.
Bài trước: Tập làm văn: Luyện tập tả người (Dựng đoạn kết bài) (trang 14 sgk Tiếng Việt 5) Bài tiếp: Chính tả: Nghe - viết Cánh cam lạc mẹ (trang 17 sgk Tiếng Việt 5)