Tập đọc: Phong cảnh đền Hùng (trang 69 sgk Tiếng Việt 5)
Nội dung chính của bài: Bài đọc miêu tả phong cảnh đền Hùng, nằm bên núi Thượng. Nơi đây vừa có phong cảnh núi non hùng vĩ, vừa là nơi lưu giữ những câu chuyện cổ về cha ông ta thời xưa.
Câu 1 (trang 69 sgk Tiếng Việt 5): Em hãy kể những điều em biết về các vua Hùng.
Giải đáp:
Theo truyền thuyết xa xưa kể lại rằng, Hùng Vương là con trưởng của vua Lạc Long Quân và Âu Cơ. Hùng Vương thừa kế ngai vàng và được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu (Huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ ngày nay), đặt tên nước là Văn Lang. Triều đình có tướng văn, tướng võ. Con trai của vua gọi là Lang, con gái của vua gọi là Mị Nương. Khi cha chết thì ngôi vua truyền cho con trai trưởng, mười mấy đời nối ngôi đều lấy hiệu là Hùng Vương.
Câu 2 (trang 69): Tìm những từ ngữ miêu tả cảnh đẹp của thiên nhiên nơi đền Hùng.
Giải đáp:
Những từ ngữ miêu tả cảnh đẹp của thiên nhiên nơi đền Hùng đó là:
- Trước đền, khóm hải đường đâm bông rực rỡ.
- Những cánh bướm nhiều màu sắc bay dập dờn như đang múa quạt xòe hoa.
- Bên trái là đỉnh Ba Vì vòi vọi.
- Dãy Tam Đảo như bức tường xanh sừng sững.
- Phía xa xa là núi Sóc Sơn…
- Những cánh hoa dại, những gốc thông già… che mát và tỏa hương thơm…
Câu 3 (trang 69): Bài văn đã gợi cho em nhớ đến một số truyền thuyết về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Em hãy kể tên các truyền thuyết đó.
Giải đáp:
Bài văn đã gợi cho em nhớ đến một số truyền thuyết về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các truyền thuyết mà em biết đó là:
+ Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh (Đỉnh Ba Vì vòi vọi, nơi Mị Nương Ngọc Hoa – con gái Hùng Vương thứ 18 – theo Sơn Tinh về trấn giữ núi cao)
+ Truyền thuyết Thánh Gióng (Núi Sóc Sơn, nơi in dấu chân ngựa sắt Phù Đổng, đánh thắng giặc Ân xâm lược)
+ Truyền thuyết An Dương Vương (Cột đá cao năm gang, rộng khoảng ba tấc. Cột đá đó An Dương Vương dựng và thề với các Vua Hùng giữ vững giang sơn)
Câu 4 (trang 69): Em hiểu câu ca dao dưới đây như thế nào?
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba. "
Giải đáp:
- Theo em, câu ca dao trên nói đến một tập tục tốt đẹp của dân tộc ta: Ngày 10 tháng 3 (âm lịch) hàng năm là ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước. Và ngày trẩy hội đền Hùng cũng trở thành ngày hội chung đông vui của cả nước. Từ đó, câu ca dao còn nhắc mọi người hãy nhớ tổ tiên, nguồn cội của mình, biết ơn người dựng nước.
- Cùng mang ý nghĩa đó, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhắn nhủ đồng bào nhớ:
"Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu nằm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ. "
Bài trước: Tập làm văn: Ôn tập về tả đồ vật (trang 66 sgk Tiếng Việt 5) Bài tiếp: Chính tả (Nghe - viết): Ai là thủy tổ loài người? (trang 70 sgk Tiếng Việt 5)