Tập đọc: Cao Bằng (trang 42 sgk Tiếng Việt 5 tập 2)
Nội dung chính của bài: Bài thơ nói về cảnh sắc và con người Cao Bằng. Phải vượt nhiều đèo cao mới tới được Cao Bằng, nơi đây rất cao và xa. Con người nơi đây hiền lành và thân thiện. Cao Bằng là vùng biên cương của đất nước, nên trách nhiệm của con người nơi đây càng quan trọng hơn.
Câu 1 (trang 42 sgk Tiếng Việt 5): Những từ ngữ và chi tiết nào ở khổ thơ 1 nói lên địa thế đặc biệt của Cao Bằng?
Giải đáp:
Những từ ngữ và chi tiết ở khổ thơ 1 nói lên địa thế đặc biệt của Cao Bằng đó là: Đi lên được đến Cao Bằng phải leo qua đèo Gió, đèo Giàng, đèo Cao Bắc… những từ "sau khi… lại vượt… lại vượt…" nói lên địa thế hiểm trở, đồi núi trập trùng và xa xôi của Cao Bằng.
Câu 2 (trang 42): Tác giả đã sử dụng những từ ngữ và hình ảnh nào để nói lên lòng mến khách, sự đôn hậu của người Cao Bằng?
Giải đáp:
Tác giả đã sử dụng những từ ngữ và hình ảnh sau đây để nói lên lòng mến khách, sự đôn hậu của người Cao Bằng:
- Đến Cao Bằng ta sẽ được tiếp đãi ngay món mận – một thứ hoa quả đặc trưng của Cao Bằng, người dân thì rất thương, rất thảo, lành như hạt gạo, hiền như suối trong.
Câu 3 (trang 42): Em hãy tìm những hình ảnh thiên nhiên được so sánh với lòng yêu nước của người dân Cao Bằng.
Giải đáp:
Những hình ảnh thiên nhiên được so sánh với lòng yêu nước của người dân Cao Bằng đó là:
"Còn núi non Cao Bằng
Đo làm sao cho hết
Như lòng yêu đất nước
Sâu sắc người Cao Bằng
Đã dâng đến tận cùng
Hết tầm cao Tổ quốc
Lại lặng thầm trong suốt
Như suối khuất rì rào"
- Tình yêu đất nước của người Cao Bằng cao như núi, không đo đếm hết được. Tình yêu nước đó còn trong trẻo và sâu sắc như suối sâu.
Câu 4 (trang 42): Theo em khổ thơ cuối của bài tác giả muốn nhắn nhủ điều gì?
Giải đáp:
Qua khổ thơ cuối của bài tác giả muốn nhắn nhủ: Cao Bằng trấn giữ một địa thế quan trọng đối với nước ta. Người Cao Bằng vì ta mà giữ lấy biên cương.
Bài trước: Kể chuyện: Ông Nguyễn Khoa Đăng (trang 40 sgk Tiếng Việt 5 tập hai) Bài tiếp: Tập làm văn: Ôn tập văn kể chuyện (trang 42 sgk Tiếng Việt 5)