Trang chủ > Lớp 7 > Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 7 > Phân tích tác phẩm: Cảnh khuya của Hồ Chí Minh

Phân tích tác phẩm: Cảnh khuya của Hồ Chí Minh

I. Giới thiệu đôi nét về tác giả Hồ Chí Minh

- Hồ Chí Minh sinh năm 1890 mất năm 1969, quê tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

- Người là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và cách mạng Việt Nam, người đã lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh và giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dụng chủ nghĩa xã hội Độc lập - Tự do.

- Hồ Chí Minh là một nhà thơ lớn của dân tộc và là Danh nhân văn hóa thế giới.

- Sự nghiệp sáng tác của Người: Hồ Chí minh sáng tác nhiều thể loại, để lại một khối lượng tác phẩm rất lớn. Cụ thể:

+ Văn chính luận: Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến…

+ Truyện, kí: Vi hành, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu

+ Thơ: Nhật kí trong tù, Thơ Hồ Chí Minh…

II. Đôi nét về tác phẩm Cảnh khuya

1. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ:

Bài thơ được Bác viết vào năm 1947 – là những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tại chiến khu Việt Bắc.

2. Bố cục của bài gồm 2 phần:

- Phần 1 (hai câu thơ đầu): Cảnh trăng sáng trên núi rừng Việt Bắc.

- Phần 2 (hai câu còn lại): Cái tình say đắm của Bác trước vẻ đẹp của thiên nhiên.

3. Giá trị nội dung

- Bài thơ miêu tả cảnh trăng sáng ở chiến khu Việt Bắc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, lòng yêu nước sâu nặng và phong thái ung dung, lạc quan của Bác Hồ về cuộc kháng chiến nhất định sẽ thành công.

4. Giá trị nghệ thuật

- Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt

- Hình ảnh thiên nhiên đẹp, bình dị và gần gũi với con người.

- Ngôn từ giản dị, trong sáng

- Sử dụng các biện pháp tu từ: so sánh, điệp ngữ…

III. Dàn ý phân tích tác phẩm Cảnh khuya

I. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Hồ Chí Minh (những nét chính về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác…)

- Giới thiệu về bài thơ “Cảnh khuya” (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật…)

II. Thân bài

1. Cảnh trăng sáng trên núi rừng Việt Bắc.

* Câu 1 "Tiếng suối trong như tiếng hát xa"

Tả tiếng suối chảy trong đêm khuya, tiếng suối rì rầm nghe rất "trong", rất êm đềm.

- Biện pháp nghệ thuật so sánh "Tiếng suối" với "tiếng hát xa"- tác giả đã làm cho cảnh khuya không hoang vắng mà mang một sức sống ấm áp của con người.

- Nghệ thuật lấy động để tả tĩnh, lấy tiếng suối chảy để làm nổi bật cảnh khuya thanh vắng. Đó là thủ pháp nghệ thuật của Đường thi.

* Ở câu thơ thứ 2 "Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa"

Tả trăng, cổ thụ và hoa. Cảnh khuya núi rừng Việt Bắc đẹp thơ mộng, hữu tình.

- Biện pháp điệp từ ‘lồng’ được sử dụng hai lần gợi lên sự giao hòa, quấn quýt giữa cảnh vật, thiên nhiên.

- Thiên nhiên tạo vật được nhân hóa mang tình người. Cách tả, cách nhìn của tác giả đối với thiên nhiên tạo vật rất ấm áp, âu yếm yêu thương. Câu thơ trăng tràn ngập ánh sáng. Nghệ thuật lấy tối (bóng cổ thụ) để tả sáng (trăng, hoa) cũng là bút pháp Đường thi rất điêu luyện, tinh tế.

Qua hai câu thơ đầu ta thấy một tâm hồn thanh cao, một phong thái ung dung tự do tự tại, một tình yêu thiên nhiên chan hòa, dào dạt của Bác trong kháng chiến gian khổ.

2. Cái tình say đắm của Bác trước vẻ đẹp của thiên nhiên.

"Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà"

- Từ "chưa ngủ" được lặp lại 2 lần. Chưa ngủ là tâm trạng, nỗi thao thức, trằn trọc.

+ "Chưa ngủ" ở đây vì "cảnh khuya như vẽ" đã dẫn hồn thi nhân vào cõi mộng say trăng, say thiên nhiên.

+ "Chưa ngủ" còn vì một nỗi sâu xa hơn đó là "lo nỗi nước nhà". Hai câu cuối bài "Cảnh khuya" đã diễn tả một cách bình dị mà thấm thía tình yêu thiên nhiên thiết tha, tình yêu nước sâu nặng của Bác Hồ. Ở đây tâm hồn thi sĩ đã chan hòa với lí tưởng chiến sĩ như Bác đã nói: "Một ngày mà Tổ quốc chưa được thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên"

– Hai chữ "chưa ngủ" cuối câu 3 được điệp lại ở đầu câu 4, trong thi pháp cổ gọi là biện pháp liên hoàn, có tác dụng làm cho thơ liền mạch, giàu nhạc điệu, đồng thời diễn tả âm điệu "chưa ngủ" triền miên, nhịp nhàng như dòng chảy của cảm xúc, của tâm tĩnh giữa cảnh khuya suối rừng.

– Tâm trạng "lo nỗi nước nhà" là tình cảm "ưu ái" của Hồ Chủ tịch, rất sâu sắc mãnh liệt, được nói đến nhiều trong thơ văn của Người thời kháng chiến.

III. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ

+ Nội dung: vẻ đẹp đêm trăng rằm tháng giêng ở Tây Bắc và tình yêu thiên nhiên, lòng yêu nước và phong thái ung dung, lạc quan của Bác

+ Nghệ thuật: thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, hình ảnh thơ mang màu sắc cổ điển mà bình dị, gần gũi…