Ca dao, dân ca - Những câu hát về tình cảm gia đình
II. Ca dao, dân ca và cách phân biệt
- Ca dao, dân ca là những khái niệm tương đương, chỉ các thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời và nhạc, dùng để diễn tả đời sống nội tâm của con người.
- Để phân biệt dân ca và ca dao hiện nay, người ta đưa ra hai khái niệm như sau:
+ Dân ca là những sáng tác kết hợp lời và nhạc, tức là những câu hát dân gian trong diễn xướng.
+ Ca dao là lời thơ của dân ca. Ca dao còn bao gồm cả những bài thơ dân gian mang phong cách nghệ thuật chung với lời thơ của dân ca. Khái niệm ca dao còn được dùng để chỉ một thể thơ dân gian – thể ca dao.
II. Đôi nét về tác phẩm Những câu hát về tình cảm gia đình
1. Giá trị nội dung
- Tình cảm gia đình là một trong những chủ đề tiêu biểu của ca dao, dân ca. Những câu hát thuộc chủ đề này thường là lời ru của mẹ, lời dạy dỗ của cha, ông bà nói với con cháu, lời của con cháu nói về cha mẹ, ông bà. Những câu hát này thường dùng để bày tỏ tình cảm, nhắc nhở con cháu về công ơn sinh thành, dưỡng dục, về tình mẫu tử, tình cảm anh em ruột thịt.
- Giáo dục con người về lòng biết ơn và tình cảm yêu thương các thế hệ trong gia đình.
2. Giá trị nghệ thuật
- Sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát
- Sử dụng biện pháp ẩn dụ, so sánh, nghệ thuật đối, …
- Giọng điệu ngọt ngào, thủ thỉ, tâm tình, ….
III. Dàn ý phân tích tác phẩm Những câu hát về tình cảm gia đình
I. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về thể loại ca dao, dân ca (khái niệm, đặc điểm nội dung và nghệ thuật, …)
- Giới thiệu về chùm ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình (khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật, …)
II. Thân bài
1. Bài 1: Lời mẹ hát ru con
"Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi! "
- Nghệ thuật so sánh: Công cha – núi ngất trời, Nghĩa mẹ - nước ở ngoài biển Đông
⇒ Dùng cái rộng lớn, mênh mông của thiên nhiên để nói đến công lao to lớn, không gì sánh bằng của cha mẹ
- “Cù lao chín chữ”: hình ảnh ẩn dụ quen thuộc, nói lên lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ, đồng thời làm tăng thêm âm điệu tôn kính, tâm tình, nhắn nhủ của câu hát.
⇒ Với việc sử dụng nghệ thuật so sánh, hình ảnh ẩn dụ trong bài ca dao đã ngợi ca công lao to lớn của cha mẹ. Đồng thời, qua đó, răn dạy con cháu phải luôn ghi nhớ và báo đáp công ơn to lớn ấy.
2. Bài 2: Lời người con gái lấy chồng xa quê với mẹ
"Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều"
- Thời gian: "Chiều" là khoảng thời gian buổi chiều thười gợi cảm giác buồn, nhớ nhung da diết. Cộng với cách sử dụng từ láy “chiều chiều” càng gợi cảm giác lặp đi lặp lại, ngày này qua ngày khác.
- Không gian: "ngõ sau" – gợi sự vắng lặng, không gian rộng lớn, mênh mông, gợi sự cô đơn và buồn tẻ.
- Nỗi niềm của người con gái:
+ Trông về quê mẹ: một cái nhìn đăm đăm, đầy nhớ thương.
+ Ruột đau chín chiều: nỗi cô đơn làm dâu xứ lạ, nhớ thương cha mẹ, buồn đau khi ở xa không giúp đỡ được cha mẹ lúc tuổi già.
⇒ Không gian và thời gian gợi nên nỗi buồn, cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi của cô gái lấy chồng xa, đây cũng chính là số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ.
3. Bài 3: Lời của con cháu với ông bà
"Ngó lên nuộc lạt mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu"
- Hành động "Ngó lên": hành động gợi sự tôn kính, trân trọng.
- Hình ảnh “nuộc lạt mái nhà”: nhiều, gợi sự kết nối bền chặt, không tách rời của sự vật cũng như tình cảm huyết thống và công lao to lớn của ông bà trong việc xây dựng gia đình
- So sánh theo mức độ tăng tiến: "bao nhiêu... bấy nhiêu" gợi lên nỗi nhớ trùng điệp, vô tận, không bao giờ nguôi, không bao giờ dứt.
⇒ Câu ca dao nói lên một tình cảm cao đẹp, đáng trân trọng của con người Việt Nam: luôn hiếu thảo, biết ơn đối với đấng sinh thành.
4. Bài 4: Tiếng hát về tình cảm anh em ruột thịt
"Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hòa thuận hai thân vui vầy. "
- Sử dụng cặp từ “cùng chung”- “cùng thân”: khẳng định mối quan hệ ruột thịt, sự gắn bó thân thiết, tình cảm anh em gắn bó, thân thương.
- Nghệ thuật so sánh “anh em” – “chân tay”: cách ví von giàu hình tượng gợi sự liên tưởng về mối quan hệ gần gũi, mật thiết, luôn nương tựa lẫn nhau trong cuộc sống.
⇒ Bài ca dao nhắc nhở anh em trong cùng gia đình phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, nương tựa và cùng hỗ trợ lẫn nhau. Điều đó sẽ luôn khiến cha mẹ vui lòng.
III. Kết bài
- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật
+ Nội dung: ca ngợi tình cảm gia đình, răn dạy mỗi người phải luôn ghi nhớ và báo đáp công ơn của cha mẹ, đùm bọc, yêu thương anh chị em của mình.
+ Nghệ thuật: thể thơ lục bát, lối nói ví von, biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, giọng điệu tâm tình, thủ thỉ,...
- Cảm nhận của bản thân: tình cảm gia đình, anh em ruột thịt luôn là tình cảm thiêng liên và quý giá nhất. Mỗi người chúng ta phải luôn ghi nhớ và giữ gìn tình cảm ấy.
Bài trước: Cuộc chia tay của những con búp bê - Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và dàn ý Bài tiếp: Phân tích: Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người