Trang chủ > Lớp 12 > Giải BT Sinh học 12 > Bài 47: Ôn tập phần tiến hóa và sinh thái học - Sinh học 12

Bài 47: Ôn tập phần tiến hóa và sinh thái học - Sinh học 12

A. Tiến hóa

B. Sinh thái học

Bài 1 (trang 212 SGK Sinh học 12): Tiến hoá nhỏ là gì?

Trả lời:

Tiến hoá nhỏ là quá trình làm biến đổi cấu trúc di truyền của quần thể (biến đổi về tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể). Quá trình tiến hoá nhỏ diễn ra trên quy mô của một quần thể và diễn biến không ngừng dưới tác động của các nhân tố tiến hoá.

Sự biến đổi về tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể đến một lúc nào xuất hiện sự cách li sinh sản của quần thể đó với quần thể gốc thì loài mới xuất hiện. Như vậy, quần thể là đơn vị nhỏ nhất có thể tiến hoá và quá trình tiến hoá nhỏ kết thúc khi loài mới xuất hiện.

Bài 2 (trang 212): Giải thích sơ đồ (hình 47.1) bằng cách điền các từ thích hợp vào bên cạnh các mũi tên.

Hình 47.1

Trả lời:

1. Biến dị sơ cấp

2. Biến dị tổ hợp (biến dị thứ cấp)

3. Sống sót được

4. Không sống sót (Khả năng sinh sản kém)

5. Tác động lên kiểu gen biểu hiện ra các kiểu hình khác nhau

6. Tác động lên kiểu hình

Bài 3 (trang 212): Những nhân tố tiến hoá nào làm thay đổi tần số alen của quần thể?

Nhân tố tiến hoá nào làm thay đổi tần số alen nhanh nhất và chậm nhất?

Nhân tố tiến hoá nào quy định chiều hướng tiến hoá?

Trả lời:

- Các nhân tố tiến hoá làm thay đổi tần số alen của quần thể là: đột biến, chọn lọc tự nhiên, di nhập gen, các yếu tố ngẫu nhiên.

- Nhân tố tiến hoá làm thay đổi tần số alen nhanh nhất còn tuỳ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau.

Ví dụ: Nếu quần thể có kích thước nhỏ thì các yếu tố ngẫu nhiên lại đóng vai trò chính trong việc làm thay đổi nhanh chóng tần số alen của quần thể. Thậm chí một gen có lợi cũng có thể nhanh chóng biến mất hoàn toàn khỏi quần thể. CLTN cũng là nhân tố làm thay đổi tần số alen của quần thể một cách nhanh chóng nếu áp lực CLTN chống lại các alen trội, …

Trong các nhân tố tiến hoá thì đột biến là nhân tố làm thay đổi tần số alen của quần thể một cách chậm nhất. Bởi, tần số đột biến nhìn chung trong tự nhiên chỉ vào khoảng từ 10-6 đến 10-4.

- Chọn lọc tự nhiên là nhân tố quy định chiều hướng tiến hoá và là nhân tố trực tiếp góp phần hình thành nên các quần thể sinh vật có các đặc điểm thích nghi.

Bài 4 (trang 213 SGK Sinh học 12): Giải thích sơ đồ (hình 47.2).

Hình 47.2

Trả lời:

- Từ một quần thể ban đầu do có cơ chế cách li nào đó tách thành hai quần thể A và B. Ban đầu hai quần thể còn có thể trao đổi vốn gen cho nhau (sự cách li chưa hoàn toàn) thì vẫn chỉ là hai quần thể của một loài.

- Lâu dần sự trao đổi vốn gen giữa hai quần thể giảm dần (sự cách li giữa hai quần thể ngày một được tăng cường) thì các quần thể cách li tích luỹ những khác biệt về tần số alen và thành phần kiểu gen dẫn đến hình thành nên các chủng địa lí.

- Nếu sự trao đổi vốn gen giữa các chủng ngày một giảm dần thì sự khác biệt giữa các chủng có thể càng lớn và hai quần thể ban đầu có thể trở thành hai loài phụ (các cá thể vẫn có thể giao phối được với nhau và sinh ra đời con hữu thụ nhưng sự giao phối giữa các loài phụ như vậy rất ít khi xảy ra).

- Khi sự trao đổi vốn gen giữa các loài phụ hoàn toàn không xảy ra, điều này có nghĩa là giữa chúng đã có sự cách li sinh sản hoàn toàn thì hai loài phụ sẽ trở thành hai loài khác nhau.

Bài 5 (trang 213 SGK Sinh học 12): Nêu các điểm khác biệt giữa quá trình hình thành loài bằng con đường cách li địa lí với quá trình hình thành loài bằng con đường lai xa và đa bội hoá.

Trả lời:

Sự khác biệt giữa quá trình hình thành loài bằng con đường địa lí với quá trình hình thành loài bằng con đường lai xa đa bội hoá như sau:

* Qúa trình hình thành loài bằng con đường địa lí:

- Cách li địa lí là những trở ngại địa lí làm cho các cá thể của các quần thể bị cách li và không thể giao phối với nhau. Cách li địa lí có vai trò duy trì sự khác biệt về vốn gen giữa các quần thể do các nhân tố tiến hoá tạo ra.

- Các quần thể sống cách biệt trong những khu vực địa lí khác nhau nên chọn lọc tự nhiên và các nhân tố tiến hoá khác có thể tạo nên sự khác biệt về vốn gen giữa các quần thể. Khi sự khác biệt về di truyền giữa các quần thể được tích tụ dẫn đến xuất hiện sự cách li sinh sản thì loài mới được hình thành.

* Qúa trình hình thành loài bằng lai xa và đa bội hoá:

- Lai xa và đa bội hoá là con đường hình thành loài thường gặp ở thực vật và trong cùng một khu vực địa lí.

- Sự đa bội hoá có thể diễn ra ở quá trình phân bào, lúc các NST phân li. Cá thể đa bội được cách li di truyền với các cá thể khác và sau một số ít thế hệ đã phát triển thành một nhóm có tính chất một loài mới. Nếu dạng mới này thích nghi với ngoại cảnh có sẽ tồn tại như một mắt xích trong hệ sinh thái.

Bài 6 (trang 213 SGK Sinh học 12): Tiến hoá văn hoá là gì? Loài người ngày nay còn chịu sự tác động của các nhân tố tiến hoá sinh học hay không? Giải thích vì sao?

Trả lời:

* Tiến hoá văn hoá là khả năng thích nghi của con người có được là do học tập truyền từ người này qua người khác qua tiếng nói và chữ viết.

* Loài người ngày nay vẫn còn chịu sự tác động của tiến hoá sinh học.

Bởi vì: Trong điều kiện không có nhiều thay đổi thì tiến hoá nhỏ vẫn xảy ra đối với mọi sinh vật.

Bài 1 (trang 214 SGK Sinh học 12): Hãy giải thích các khái niệm đưa ra trong các ô của hình 47.3, giải thích sơ đồ theo chiều mũi tên.

Hình 47.3. Sơ đồ quan hệ giữa các cấp tổ chức sống với các nhân tố sinh thái của môi trường

Trả lời:

* Các khái niệm:

- Môi trường sống bao gồm tất cả các nhân tố xung quanh sinh vật, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới sinh vật, làm ảnh hưởng đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển và những hoạt động khác của sinh vật.

- Nhân tố sinh thái là tất cả các nhân tố môi trường có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới đời sống sinh vật.

- Nhân tố vô sinh là tất cả các nhân tố vật lí và hóa học của môi trường xung quanh sinh vật.

- Nhân tố hữu sinh: là thế giới hữu cơ của môi trường và là những mối quan hệ giữa một sinh vật (hoặc nhóm sinh vật) này với một sinh vật (hoặc nhóm sinh vật) khác sống xung quanh, trong đó nhân tố con người có ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh vật.

- Các cấp tổ chức sống cơ bản là tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã và hệ sinh thái.

- Loài là một hoặc một nhóm quần thể gồm các cá thể có khả năng giao phối với nhau trong tự nhiên sinh ra đời con có sức sống và có khả năng sinh sản với các nhóm quần thể khác.

- Quần thể là tập hợp các cá thể trong cùng 1 loài, cùng sinh sống trong 1 khoảng không gian xác định, vào một thời gian nhất định, giao phối tự do với nhau tạo ra thế hệ mới.

- Quần xã là một tập hợp các quần thể thuộc nhiều loài khác nhau, cùng sống trong một không gian nhất định.

* Giải thích sơ đồ:

- Sự tác động qua lại giữa môi trường và các cấp độ tổ chức sống được thể hiện qua sự tương tác giữa các nhân tố sinh thái với từng cấp độ tổ chức sống.

- Tập hợp các cá thể cùng loài tạo nên các đặc trưng của quần thể: mật độ, tỉ lệ giới tính, thành phần tuổi, … và chúng quan hệ với nhau đặc biệt về mặt sinh sản.

- Tập hợp các quần thể thuộc các loài khác nhau tại một không gian xác định tạo nên quần xã, chúng có nhiều mối quan hệ, trong đó đặc biệt là mối quan hệ dinh dưỡng thông qua chuỗi và lưới thức ăn trong hệ sinh thái.

Bài 2 (trang 214 SGK Sinh học 12): Trả lời các câu hỏi theo gợi ý trong bảng 47

Bảng 47. Những nội dung cơ bản về quần thể, quần xã và hệ sinh thái

Quần thể Quần xã Hệ sinh thái
Khái niệmThế nào là một quần thể sinh vật?Thế nào là một quần xã sinh vật?Hệ sinh thái là gì?
Đặc điểm

- Quần thể đạt được mức độ cân bằng về số lượng cá thể khi các yếu tố sức sinh sản, mức độ tử vong, phát tán có quan hệ với nhau như thế nào?

- Vì sao quần thể không tăng trưởng theo đường cong lý thuyết?

Hãy nêu các đặc trưng cơ bản của quần xã và các mối quan hệ giữa các loài trong quần xã.

- Hệ sinh thái bao gồm các thành phần cấu trúc nào?

- Trên Trái Đất có các kiểu hệ sinh thái nào là chủ yếu?

- Em hiểu như thế nào là sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên?


Trả lời:
Quần thể Quần xã Hệ sinh thái
Khái niệm Bao gồm những cá thể cùng loài, cùng sống trong một khu vực nhất định, ở một thời điểm nhất định, giao phối tự do với nhau tạo ra thế hệ mới. Bao gồm những quần thể thuộc các loài khác nhau, cùng sống một không gian xác định, có mối quan hệ sinh thái mật thiết với nhau. Bao gồm quần xã và khu vực sống (sinh cảnh) của nó, trong đó các sinh vật luôn có sự tương tác lẫn nhau và với các nhân tố không sống tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh và tương đối ổn định.
Đặc điểm

- Các cá thể có mối quan hệ sinh thái hỗ trợ hoặc cạnh tranh. Số lượng cá thể được điều chỉnh ở mức cân bằng phù hợp với điều kiện môi trường sống khi mức sinh sản bằng mức tử vong cộng với phát tán.

- Quần thể không tăng trưởng theo tiềm năng lí thuyết do: Sức sinh sản thường không phải lúc nào cũng lớn và điều kiện ngoại cảnh thường không phải lúc nào cũng thuận lợi cho quần thể (thức ăn, nơi ở. dịch bệnh,... ).

- Gồm các đặc trưng về phân loại loài và phân bố cá thể trong không gian.

- Các mỗi quan hệ hỗ trợ (cộng sinh, hợp tác, hội sinh) và các mỗi quan hệ đối kháng (cạnh tranh, kí sinh…)

- Có 2 thành phần cấu trúc: thành phần vô sinh và thành phần hữu sinh.

- Các kiểu hệ sinh thái: Hệ sinh thái tự nhiên (trên cạn và dưới nước) và hệ sinh thái nhân tạo.

- Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên là sử dụng vừa phải, không khai thác quá mức đồng thời cải tạo tài nguyên thiên nhiên và tìm thay thế các nguồn tài nguyên khác.