Trang chủ > Lớp 12 > Giải BT Sinh học 12 > Bài 41: Diễn thế sinh thái - Sinh học 12

Bài 41: Diễn thế sinh thái - Sinh học 12

Phần 1: Câu hỏi thảo luận

Câu hỏi Sinh 12 Bài 41 trang 182: Trong ví dụ 2, song song với quá trình biến đổi của quần xã, các điều kiện tự nhiên của môi trường đã thay đổi như thế nào?

Trả lời:

Song song với quá trình biến đổi của quần xã, các điều kiện tự nhiên của môi trường cũng thay đổi tuần tự, như sau:

Từ một đầm nước mới xây dựng biến đổi thành đầm nước có nhiều sinh vật sinh sống → Các vùng đất quanh đầm bị xói mòn. Theo thời gian, các chất lắng đọng tích tụ ngày một nhiều xuống đáy đầm, làm cho đáy đầm bị nông dần → Đầm nước nông bị biến đổi thành vùng đất trũng → Vùng đất bằng phẳng, không còn nước.

Câu hỏi Sinh 12 Bài 41 trang 184: Hãy điền các giai đoạn của 2 kiểu diễn thế sinh thái, nguyên nhân gây ra diễn thế vào bảng sau:

Trả lời:

Bảng 41. Các giai đoạn của diễn thế sinh thái và nguyên nhân của diễn thế

Kiểu diễn thế Các giai đoạn của diễn thế Nguyên nhân của diễn thế
Giai đoạn khởi đầu (Giai đoạn tiên phong) Giai đoạn giữa Giai đoạn cuối (Giai đoạn đỉnh cực)
Diễn thế nguyên sinh Khởi đầu từ môi trường chưa có sinh vật. Các sinh vật đầu tiên phát tán tới hình thành nên quần xã tiên phong. Quần xã sinh vật biến đổi tuần tự, thay thế lẫn nhau. Hình thành quần xã ổn định tương đối

- Tác động mạnh mẽ của ngoại cảnh lên quần xã.

- Cạnh tranh gay gắt giữa các loài trong quần xã.

Diễn thế thứ sinh Khởi đầu ở một môi trường đã có một quần xã sinh vật sinh sống nhưng đã bị hủy diệt do khai thác quá mức hoặc do những thay đổi của tự nhiên. Một quần xã mới phục hồi từ quần xã hủy diệt. Các quần xã biến đổi tuần tự, thay thế lẫn nhau. Hình thành quần xã tương đối ổn định. Tuy nhiên trong thực tế thường gặp nhiều quần xã có khả năng phục hồi rất thấp và hình thành quần xã bị suy thoái.

- Tác động mạnh mẽ của ngoại cảnh lên quần xã.

- Hoạt động khai thác tài nguyên của con người.

- Cạnh tranh gay gắt giữa các loài trong quần xã.

Câu hỏi Sinh 12 Bài 41 trang 184: Để khắc phục những biến đổi bất lợi của môi trường, người ta thường sử dụng các biện pháp cải tạo đất, tăng cường chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh, làm thủy lợi để điều tiết lượng nước, …Em hãy nêu 2 ví dụ về việc thực hiện các biện pháp trên.

Trả lời:

Ví dụ 1: Để tránh việc xây dựng đầm nước nuôi cá lâu ngày sẽ bị xói mòn trở thành vùng đất trũng…. người ta thường xuyên đào vét đầm nước đó.

Ví dụ 2: Sau mỗi vụ thu hoạch nông sản cần bón phân hợp lí, cày xới, khử chua đồng ruộng, … để cải tạo đất sau mỗi vụ.

Phần 2: Câu hỏi và bài tập

Bài 1 (trang 185 SGK Sinh học 12): Thế nào là diễn thế sinh thái?

Trả lời:

Diễn thế sinh thái là quá trình biến đổi tuần tự của quần xã qua các giai đoạn tương ứng với sự biến đổi của môi trường.

Bài 2 (trang 185): Hãy mô tả quá trình diễn thế của một quần xã sinh vật nào đó xảy ra ở địa phương của em, hoặc ở địa phương khác mà em biết.

Trả lời:

Ví dụ: Diễn thế sinh thái của một khu rừng.

Một khu rừng đang xanh tốt bình thường, bị nhóm người du canh, du cư đến tàn phá làm nương rẫy. Một thời gian sau, đất hết màu mỡ, trồng cây không năng suất, họ bỏ đi, để lại khu đất hoang. Sau đó, cỏ mọc dần và hình thành những trảng cỏ, tiếp là sự hình thành những cây bụi và những cây gỗ nhỏ.

Sau một thời gian khá dài, rừng được hồi phục lại xuất hiện những cây gỗ lớn và nhiều tầng cây

Bài 3 (trang 185): Trong một khu rừng nhiệt đới có các cây gỗ lớn, cây gỗ nhỏ mọc gần nhau. Vào một ngày có gió lớn, một cây to bị đổ ở giữa rừng tạo nên một khoảng trống lớn. Em hãy dự đoán quá trình diễn thế xảy ra trong khoảng trống đó.

Trả lời:

Diễn thế xảy ra trong khoảng trống đó có thể như sau:

* Giai đoạn tiên phong: Các cây cỏ ưa sáng tới sống trong khoảng trống.

* Giai đoạn tiếp theo:

- Cây bụi nhỏ ưa sáng tới sống cùng cây cỏ.

- Cây gỗ nhỏ ưa sáng tới sống cùng cây bụi, các cây cỏ chịu bóng và ưa bóng dần dần vào sống dưới bóng cây gỗ nhỏ và cây bụi.

- Cây cỏ và cây bụi ưa sáng dần dần bị chết do thiếu ánh sáng, thay thế chúng là các cây bụi và cây cỏ ưa bóng.

- Cây gỗ ưa sáng cạnh tranh ánh sáng mạnh mẽ với các cây khác và dần dần thắng thế chiếm phần lớn khoảng trống.

* Giai đoạn cuối: Nhiều tầng cây lấp kín khoảng trống, gồm có tầng cây thân gỗ lớn ưa sáng phía trên cùng, cây gỗ nhỏ và cây bụi chịu bóng ở lưng chừng, các cây bụi nhỏ và cỏ ưa bóng ở phía dưới.

Bài 4 (trang 185): Hoạt động khai thác tài nguyên không hợp lí của con người có thể coi là hoạt động "tự đào huyệt chôn mình" của diễn thế sinh thái được không? Giải thích vì sao?

Trả lời:

Hoạt động khai thác tài nguyên không hợp lí của con người có thể coi là hành động "tự đào huyệt chôn mình" của diễn thế sinh thái. Bởi với những hành động đó gây ra một loạt các hậu quả:

- Làm biến đổi và dẫn tới mất môi trường sống của nhiều loài sinh vật và giảm đa dạng sinh học.

- Thảm thực vật bị mất dần sẽ dần tới xói mòn đất, biến đổi khí hậu, … và là nguyên nhân của nhiều thiên tai như: hạn hạn, lụt lội, xói mòn đất, đất nhiễm mặn, …

- Môi trường mất cân bằng sinh thái, kém ổn định dễ gây ra nhiều bệnh tật cho người và sinh vật, …

Những hậu quả trên sẽ làm cho cuộc sống của con người bị ảnh hưởng nặng nề, không ổn định.

Tuy nhiên, con người khác với sinh vật khác là có thể điều chỉnh các hành động của mình để khai thác tài nguyên một cách hợp lí, bảo vệ môi trường của con người và các sinh vật khác trên Trái Đất. Con người với khả năng phát triển của khoa học kỹ thuật đang ngày càng cải tạo tự nhiên làm cho quần xã sinh vật phong phú hơn. Vì vậy, chúng ta tin tưởng rằng hoạt động khai thác tài nguyên của con người sẽ dần dần hợp lí và môi trường sống trên Trái Đất sẽ được bảo vệ.