Trang chủ > Lớp 12 > Giải BT Sinh học 12 > Bài 38: Các đặc trưng cơ bản của quần thể sinh vật (tiếp theo) - Sinh học 12

Bài 38: Các đặc trưng cơ bản của quần thể sinh vật (tiếp theo) - Sinh học 12

Phần 1: Câu hỏi thảo luận

Trả lời câu hỏi Sinh 12 Bài 38 trang 168: Hãy nêu nguyên nhân tại sao số lượng cá thể của quần thể sinh vật luôn thay đổi và nhiều quần thể sinh vật không tăng trưởng theo tiềm năng sinh học.

Trả lời:

Về phương diện lí thuyết, nếu nguồn sống của môi trường rất dồi dào và hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu của các cá thể, không gian cư trú của quần thể không bị giới hạn, mọi điều kiện ngoại cảnh và khả năng sinh học của các cá thể đều thuận lợi cho sự sinh sản của quần thể thì quần thể tăng trưởng theo tiềm năng sinh học (đường cong tăng trưởng có hình chữ J).

Trong thực tế, tăng trưởng của quần thể thường bị giới hạn bởi nhiều nguyên nhân như: điều kiện sống không hoàn toàn thuận lợi, hạn chế về khả năng sinh sản của loài, sự biến động số lượng cá thể do xuất cư theo mùa, …

Trả lời câu hỏi Sinh 12 Bài 38 trang 169: Quan sát hình 38.4 và trả lời các câu hỏi sau:

- Dân số thế giới đã tăng trưởng với tốc độ như thế nào? Tăng mạnh vào thời gian nào?

- Nhờ những thành tựu nào mà con người đã đạt được mức độ tăng trưởng đó?

Trả lời:

- Dân số thế giới tăng liên tục trong suốt quá trình phát triển lịch sử. Tăng mạnh nhất vào thời hiện đại.

- Trong 200 năm qua, dân số thế giới đạt mức tăng trưởng cao nhờ vào những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng cuộc sống con người ngày càng được cải thiện, mức độ tử vong giảm và tuổi thọ ngày càng được nâng cao.

Phần 2: Câu hỏi và bài tập

Bài 1 (trang 170 SGK Sinh học 12): Hãy giải thích các khái niệm sau: mức độ sinh sản, mức độ tử vong, mức độ xuất cư, mức độ nhập cư.

Trả lời:

- Mức độ sinh sản là số lượng cá thể của quần thể được sinh ra trong một đơn vị thời gian.

- Mức độ tử vong là số lượng cá thể của quần thể bị chết trong một khoảng thời gian.

- Xuất cư là hiện tượng một số cá thể rời bỏ quần thể của mình chuyển sang sống ở quần thể bên cạnh hoặc di chuyển đến nơi ở mới.

- Nhập cư là hiện tượng một số cá thể nằm ngoài quần thể chuyển tới sống trong quần thể.

Bài 2 (trang 170): Một quần thể có kích thước ổn định thì 4 nhân tố: mức độ sinh sản, mức độ tử vong, mức độ xuất cư và mức độ nhập cư có quan hệ với nhau như thế nào?

Trả lời:

- Một quần thể có kích thước ổn định thì 4 yếu tố mức độ sinh sản (b), mức độ tử vong (d), xuất cư (e) và nhập cư (i) quan hệ với nhau như sau:

Số cá thể mới sinh ra cộng với số cá thể nhập cư bằng với số cá thể tử vong cộng số cá thể xuất cư, (b + i = d + e).

Bài 3 (trang 170): Tăng trưởng theo tiềm năng sinh học của quần thể khác với tăng trưởng thực tế như thế nào?

Trả lời:

Tăng trưởng theo tiềm năng sinh học của quần thể khác với tăng trưởng thực tế:

* Tăng trưởng quần thể theo tiềm năng sinh học (đường cong tăng trưởng có hình chữ J): Khi điều kiện môi trường không giới hạn (nguồn sống của môi trường dồi dào, không gian cư trú không giới hạn và sức sinh sản của các cá thể là rất lớn) thì quần thể tăng trưởng theo tiềm năng sinh học.

Đường cong biểu thị tăng trưởng của quần thể: luôn luôn tăng.

* Tăng trưởng thực tế (đường cong tăng trưởng hình chữ S): Khi điều kiện môi trường bị giới hạn (điều kiện sống không thuận lợi, hạn chế khả năng sinh sản, biến động số lượng…) thì quần thể tăng trưởng thực tế.

Đường cong biểu thị tăng trưởng của quần thể: thoạt đầu tăng nhanh dần, sau đó tốc độ tăng trưởng của quần thể giảm đi, đường cong chuyển sang ngang.

Bài 4 (trang 170): Mức độ sinh sản, mức độ tử vong, mức độ xuất cư và nhập cư của quần thể người có ảnh hưởng như thế nào tới tăng dân số? Lấy ví dụ của Việt Nam để minh hoạ.

Trả lời:

* Các nhân tố ảnh hưởng tới tăng dân số:

- Mức độ sinh sản: Sinh sản quá cao là nguyên nhân đưa tới tăng trưởng dân số nhanh chóng của mỗi quốc gia. Để phát triển dân số bền vững, cần có các biện pháp nhằm hạ mức độ sinh.

- Mức độ tử vong: Mức độ tử vong là một yếu tố có tác động tới tỉ lệ tăng dân số. Nếu mức độ tử vong thấp và sinh sản quá cao thì dân số sẽ có nguy cơ tăng lên nhanh chóng. Do đó, để ổn định dân số, bên cạnh nâng cao tuổi thọ của người dân càng cần thực hiện biện pháp giảm mức độ sinh.

- Xuất cư và nhập cư: Xuất cư và nhập cư thiếu kiểm soát sẽ ảnh hưởng rất lớn tới phát triển dân số của một vùng, của một quốc gia có thể tăng hoặc giảm quá mức. Vì vậy, cần phân bố dân cư hợp lí đảm bảo sự cân bằng giữa thành thị, nông thôn, đồng bằng, miền núi và giữa các vùng kinh tế.

* Ví dụ:

Dân số ở Việt Nam tăng khá nhanh, chỉ trong vòng 57 năm dân số nước ta đã tăng 18 triệu (năm 1945) lên tới 82 triệu (năm 2004), tức tăng gấp 4,5 lần.

Bài 5 (trang 170): Hậu quả của tăng dân số quá nhanh là gì? Chúng ta cần làm gì để khắc phục hậu quả đó?

Trả lời:

* Dân số tăng quá nhanh sẽ dẫn tới hậu quả:

Tăng dân số quá nhanh và phân bố dân cư không hợp lí là nguyên nhân chủ yếu làm cho chất lượng môi trường giảm sút (ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí…), từ đó ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của mỗi con người (thiếu nơi ở, dịch vụ y tế, giáo dục còn thiếu cơ sở vật chất, …).

* Để khắc phục hậu quả tăng dân số quá nhanh chúng ta cần:

- Thực hiện tuyên truyền, chính xác xã hội, kế hoạch hoá gia.

- Điều chỉnh cơ cấu dân số.

- Thực hiện phân bố dân cư hợp lí giữa các khu vực, vùng địa lí kinh tế và các đơn vị hành chính.

- Thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số như tăng cường chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, nâng cao trình độ giáo dục và phát triển trí tuệ…