Bài 24: Các bằng chứng tiến hóa - Sinh học 12
Phần 1: Câu hỏi thảo luận
Câu hỏi Sinh 12 Bài 24 trang 104: Quan sát hình 24.1 và cho biết xương chi của các loài động vật trong hình tương đồng với nhau như thế nào? Những biến đổi ở xương bản tay giúp mỗi loài thích nghi như thế nào?
Trả lời:- Xương chi của các loài động vật trong hình giống nhau về thành phần cấu trúc (đều gồm các xương: xươn cánh, xương trụ, xương quay, xương cổ tay, xương bàn và xương ngón), khác nhau về cấu tạo từng thành phần: chi tiết các xương biến đổi, hình dạng khác nhau để thích nghi chức năng khác nhau.
+ Ở mèo: chi trước để di chuyển, bắt mồi nên có móng vuốt, xương bàn phát triển.
+ Ở cá voi: chi trước dùng để bơi, xương ngón dài, nhiều đốt.
+ Ở dơi: chi trước để bay, xương nhỏ, dài, kẽ ngón có màng da.
+ Ở người: chi trước để cầm nắm, ngón tay phát triển, các xương cổ tay linh hoạt, …
Câu hỏi Sinh 12 Bài 24 trang 106: Hãy đưa ra các bằng chứng chứng minh ti thể và lục lạp được tiến hóa từ vi khuẩn.
Trả lời:Các bằng chứng chứng minh ti thể và lục lạp được tiến hóa từ vi khuẩn:
- Kích thước của ti thể và lục lạp tương tự kích thước của vi khuẩn.
- Hình thái của ti thể và lục lạp thường là hình trứng, hạt,.. gần giống với hình dạng của trực khuẩn, cầu khuẩn.
- Ti thể và lục lạp có cấu tạo màng kép, nên người ta cho rằng lớp màng ngoài là của tế bào nhân thực, còn màng bên trong là của vi khuẩn cộng sinh.
- Ti thể và lục lạp có hệ gen riêng là phân tử ADN vòng, kép, trần giống ADN của vi khuẩn.
- Ti thể và lục lạp có khả năng tự nhân đôi độc lập không phụ thuộc sự phân chia của tế bào.
- Ti thể là sự cộng sinh của tế bào nhân thực với một vi khuẩn hiếu khí, lục lạp là sự cộng sinh của tế bào nhân thực với vi khuẩn lam.
Phần 2: Câu hỏi và bài tập
Bài 1 (trang 107 SGK Sinh học 12): Vì sao để xác định mối quan hệ họ hàng giữa các loài về các đặc điểm hình thái thì người ta lại hay sử dụng các cơ quan thoái hoá?
Trả lời:Sở dĩ cơ quan thoái hoá hay được sử dụng như bằng chứng nói lên mối quan hệ họ hàng giữa các loài vì cơ quan thoái hoá không có chức năng hoặc chức năng bị tiêu giảm nên không được CLTN giữ lại. Chúng được giữ lại ở các loài (như dấu vết hay các cơ quan không có chức năng), đơn giản là được thừa hưởng các gen từ loài tổ tiên.
Bài 2 (trang 107 SGK Sinh học 12): Hãy tìm một số bằng chứng Sinh học phân tử để chứng minh mọi sinh vật trên Trái Đất đều có chung một nguồn gốc.
Trả lời:Có rất nhiều bằng chứng sinh học phân tử chứng minh mọi sinh vật trên Trái Đất đều có chung tổ tiên. Ví dụ, mọi loài sinh vật đều có vật chất di truyền là ADN, đều có chung mã di truyền, có chung cơ chế phiên mã và dịch mã, có chung các giai đoạn của quá trình chuyển hoá vật chất như đường phân, …
Bài 3 (trang 107 SGK Sinh học 12): Hai loài sinh vật sống ở các khu vực địa lí khác xa nhau (2 châu lục khác nhau) có nhiều đặc điểm giống nhau. Cách giải thích nào dưới đây về sự giống nhau giữa hai loài là hợp lí hơn cả?
A. Hai châu lục này trong quá khứ đã có lúc gắn liền với nhau.
B. Điều kiện môi trường ở hai khu vực giống nhau nên phát sinh đột biến giống nhau.
C. Điều kiện môi trường ở hai khu vực giống nhau nên CLTN chọn lọc các đặc điểm thích nghi giống nhau.
D. Cả b và c.
Trả lời:Đáp án đúng là: C. Điều kiện môi trường ở hai khu vực giống nhau nên CLTN chọn lọc các đặc điểm thích nghi giống nhau.
Bài 4 (trang 107 SGK Sinh học 12): Vì sao những cơ quan thoái hoá không còn giữ chức năng gì lại vẫn được di truyền từ đời này sang đời khác mà không bị CLTN loại bỏ?
Trả lời:Các gen quy định cơ quan thoái hoá không bị CLTN đào thải vì những cơ quan này thường không gây hại tới cơ thể sinh vật. Những gen này chỉ có thể bị loại khỏi quần thể bởi các yếu tố ngẫu nhiên, có thể là vì thời gian tiến hoá còn chưa đủ dài để các yếu tố ngẫu nhiên loại bỏ các gen này.
Bài trước: Bài 23: Ôn tập phần di truyền học - Sinh học 12 Bài tiếp: Bài 25: Học thuyết Lamac và học thuyết Đacuyn - Sinh học 12