Bài 29 : Quá trình hình thành loài - Sinh học 12
Phần 1: Câu hỏi thảo luận
Trả lời câu hỏi Sinh 12 Bài 29 trang 126: Giải thích quá trình hình thành loài trên hình 29 và cho biết vì sao trên các đảo đại dương lại hay tồn tại các loài đặc hữu (loài chỉ có ở một nơi nào đó mà không có ở nơi nào khác trên Trái Đất).
Trả lời:* Quá trình hình thành loài trên hình 29 như sau:
Một nhóm cá thể của quần thể A di cư từ đất liền ra một hòn đảo (1) tương đối cách biệt tạo nên quần thể mới. Trong điều kiện sinh thái mới, chọn lọc tự nhiên tích lũy các đột biến và biến dị tổ hợp theo hướng mới. Do cách li địa lí mà quần thể đã biến đổi không giao phối với loài A làm cho sự sai khác giữa chúng ngày càng sâu sắc và khi đạt đến mức cách li sinh sản thì hình thành nên loài B.
Tiếp theo, một nhóm cá thể của quần thể B di cư từ đảo (1) ra hòn đảo (2) và (3) tương đối cách biệt tạo nên quần thể mới ở đảo (2) và (3). Trong điều kiện sinh thái mới, chọn lọc tự nhiên tích lũy các đột biến và biến dị tổ hợp theo hướng mới. Do cách li địa lí mà quần thể đã biến đổi không giao phối với loài B làm cho sự sai khác giữa chúng ngày càng sâu sắc và khi đạt đến mức cách li sinh sản thì hình thành nên loài C ở đảo (2) và loài D ở đảo (3)
* Giải thích:
Trên các đảo đại dương lại hay tồn tại các loài đặc hữu (loài chỉ có ở một nơi nào đó mà không có ở nơi nào khác trên Trái Đất) vì: Các đảo này được cách li địa lý với đất liền và các vùng khác; các đảo này có điều kiện môi trường đặc trưng mà không nơi nào có được.
Phần 2: Câu hỏi và bài tập
Bài 1 (trang 128 SGK Sinh học 12): Giải thích vai trò của cách li địa lí trong quá trình hình thành loài mới.
Trả lời:Vai trò của cách li địa lí trong quá trình hình thành loài mới như sau:
- Cách li địa lí là những trở ngại về mặt địa lí như sông, núi, biển, … ngăn cản các cá thể của các quần thể cùng loài gặp gỡ và giao phối với nhau.
- Sự cách li địa lí góp phần sự duy trì khác biệt về tần số alen và thành phần kiểu gen giữa quần thể được tạo ra bởi các nhân tố tiến hoá.
- Do sự cách li địa lí nên các cá thể của các quần thể cách li ít có cơ hội giao phối với nhau. Những quần thể nhỏ sống tách biệt trong các điều kiện môi trường khác nhau dần dần được chọn lọc tự nhiên và các nhân tố tiến hoá khác làm cho sự khác biệt về vốn gen của quần thể. Sự khác biệt đó được tích luỹ dần và đến một lúc nào đó có thể xuất hiện các trở ngại dẫn đến cách li sinh sản thì loài mới được hình thành.
Bài 2 (trang 128): Vì sao quần đảo lại được xem là phòng thí nghiệm nghiên cứu quá trình hình thành loài mới?
Trả lời:Quần đảo được xem là nơi lí tưởng cho quá trình hình thành loài mới vì:
- Giữa các đảo có sự cách li địa lí tương đối, khiến cho sinh vật giữa các đảo ít khi trao đổi vốn gen cho nhau, duy trì sự khác biệt vốn gen giữa các quần thể.
- Tuy nhiên, khoảng cách giữa các đảo lại không quá lớn để các cá thể không thể di cư tới. Một nhóm sinh vật tiên phong di cư tới đảo mới thì điều kiện sống mới và sự cách li tương đối về mặt địa lí dễ dàng biến quần thể nhập cư thành một loài mới.
Bài 3 (trang 128): Vì sao cách li địa lí lại là cơ chế chủ yếu dẫn đến hình thành loài mới ở động vật?
Trả lời:Cách li địa lí là cơ chế chủ yếu dẫn đến hình thành loài mới ở động vật vì:
- Chúng có khả năng di chuyển. Chính khả năng này đã tạo điều kiện cho chúng dễ hình thành nên các quần thể cách li nhau về mặt địa lí dẫn đến cách li sinh sản và hình thành loài mới.
- Tuy nhiên, nhiều loài thực vật cũng có nhiều khả năng phát tán tới các địa lí khác nhau.
Bài 4 (trang 128 SGK Sinh học 12): Câu nào dưới đây nói về vai trò của sự cách li địa lí trong quá trình hình thành loài là đúng nhất?
A. Không có sự cách li địa lí thì không thể hình thành loài mới.
B. Cách li địa lí có thể dẫn đến hình thành loài mới qua nhiều giai đoạn trung gian chuyển tiếp.
C. Cách li địa lí luôn luôn dẫn dến cách li sinh sản.
D. Môi trường địa lí khác nhau là nguyên nhân chính dẫn đến phân hoá thành phần kiểu gen của các quần thể cách li.
Trả lời:Đáp án đúng là: B. Cách li địa lí có thể dẫn đến hình thành loài mới qua nhiều giai đoạn trung gian chuyển tiếp.
Bài trước: Bài 28: Loài - Sinh học 12 Bài tiếp: Bài 30: Quá trình hình thành loài (tiếp theo) - Sinh học 12