Bài 26: Học thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại - Sinh học 12
Phần 1: Câu hỏi thảo luận
Câu hỏi Sinh 12 Bài 26 trang 115: Giải thích vì sao CLTN làm thay đổi tần số alen của quần thể vi khuẩn nhanh hơn so với ở quần thể sinh vật nhân thực lưỡng bội.
Trả lời:CLTN làm thay đổi tần số alen của quần thể vi khuẩn nhanh hơn so với ở quần thể sinh vật nhân thực lưỡng bội bởi vì:
- Vi khuẩn có vật chất di truyền chỉ là 1 phân tử ADN dạng vòng, mạch kép nên tính trạng do gen quy định được biểu hiện ngay ra kiểu hình. Còn ở sinh vật nhân thực, nếu là gen lặn thì kiểu gen phải ở trạng thái đồng hợp mới được biểu hiện thành kiểu hình.
- Vi khuẩn có cấu tạo đơn bào, kích thước rất nhỏ nên chúng sinh sản rất nhanh. Do đó gen quy định tính trạng thích nghi được nhân nhanh trong quần thể.
Câu hỏi Sinh 12 Bài 26 trang 116: Vì sao những loài sinh vật bị con người săn bắn hoặc khai thác quá mức làm giảm mạnh về số lượng cá thể lại rất dễ bị tuyệt chủng?
Trả lời:Những loài sinh vật bị con người săn bắn hoặc khai thác quá mức làm giảm mạnh về số lượng cá thể lại rất dễ bị tuyệt chủng bởi vì: Sự biến đổi một cách ngẫu nhiên về tần số alen và thành phần kiểu gen hay xảy ra đối với những quần thể có kích thước nhỏ. Với quần thể có kích thước càng nhỏ thì các yếu tố ngẫu nhiên càng dễ làm thay đổi tần số alen của quần thể và ngược lại. Đặc biệt khi số lượng cá thể giảm xuống mức thấp, sự hỗ trợ giữa các cá thể sẽ kém, dễ bị kẻ thù tấn công, tăng xác suất giao phối gần làm các gen lặn có điều kiện biểu hiện ra kiểu hình, đời con có sức sống kém dễ dẫn tới tuyệt chủng.
Phần 2: Câu hỏi và bài tập
Bài 1 (trang 117 SGK Sinh học 12): Vì sao đột biến gen thường có hại cho cơ thể sinh vật nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hoá?
I. Tần số đột biến gen trong tự nhiên là không đáng kể nên tần số alen đột biến có hại là rất thấp.
II. Gen đột biến có thể có hại trong môi trường này nhưng lại có thể vô hại hoặc có lợi trong môi trường khác.
III. Gen đột biến có thể có hại trong tổ hợp gen này nhưng lại có thể trở nên vô hại hoặc có lợi trong tổ hợp gen khác.
IV. Đột biến gen thường có hại nhưng nó thường tồn tại ở trạng thái dị hợp tử nên không gây hại.
Câu trả lời đúng nhất là:
A. I và II; B. I và III; C. III và IV; D. II và III;
Trả lời:Đáp án đúng là: D. II và III
Giải thích: Đột biến gen thường có hại cho cơ thể sinh vật nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hoá vì: Gen đột biến có thể có hại trong môi trường này nhưng lại có thể vô hại hoặc có lợi trong môi trường khác. Và gen đột biến có thể có hại trong tổ hợp gen này nhưng lại có thể trở nên vô hại hoặc có lợi trong tổ hợp gen khác.
Bài 2 (trang 117 SGK Sinh học 12): Vì sao phần lớn đột biến gen đều có hại cho cơ thể sinh vật nhưng đột biến gen vẫn được coi là nguồn phát sinh các biến dị di truyền cho CLTN?
Trả lời:Phần lớn đột biến gen đều có hại cho cơ thể sinh vật nhưng đột biến gen vẫn được coi là nguồn phát sinh các biến dị di truyền cho CLTN là vì: Phần lớn các đột biến gen tồn tại ở trạng thái dị hợp tử mà đa phần là đột biến gen lặn. Vì vậy, nếu gen đột biến lặn không biểu hiện ra ngay kiểu hình. Qua sinh sản, sẽ tạo ra nhiều biến dị tổ hợp và gen có hại lại có thể nằm trong tổ hợp gen mới nên không gây hại hoặc trong môi trường mới gen đột biến lại không có hại.
Bài 3 (trang 117 SGK Sinh học 12): Hiện tượng di - nhập gen ảnh hưởng như thế nào đến vốn gen và tần số alen của quần thể?
Trả lời:Hiện tượng di - nhập gen có thể mang đến những alen mới hoàn toàn hay các alen đã có sẵn làm phong phú vốn gen của quần thể hoặc ngược lại cá thể di cư ra khỏi quần thể. Do đó, thành phần kiểu gen và tần số alen của quần thể sẽ bị thay đổi.
Bài 4 (trang 117 SGK Sinh học 12): Vì sao khi kích thước quần thể bị giảm mạnh thì tần số alen lại thay đổi nhanh chóng?
Trả lời:Khi kích thước quần thể bị giảm mạnh tức là số lượng cá thể của quần thể là rất ít thì các yếu tố ngẫu nhiên có thể làm thay đổi tần số alen và tần số kiểu gen một cách nhanh chóng và không theo một chiều hướng nhất định. Một alen nào đó dù có lợi có thể nhanh chóng bị loại bỏ khỏi quần thể. Ngược lại, gen có hại có thể trở nên phổ biến trong quần thể.
Bài 5 (trang 117 SGK Sinh học 12): Giao phối không ngẫu nhiên làm thay đổi thành phần kiểu gen của quần thể như thế nào?
Trả lời:Giao phối không ngẫu nhiên không làm thay đổi tần số alen nhưng lại làm thay đổi tần số kiểu gen của quần thể theo hướng làm tăng tần số kiểu gen đồng hợp giảm dần tần số kiểu gen dị hợp. Chính vì thể, giao phối không ngẫu nhiên là 1 nhân tố tiến hóa, chúng làm nghèo vốn gen của quần thể, làm giảm dần sự đa dạng di truyền.
Bài trước: Bài 25: Học thuyết Lamac và học thuyết Đacuyn - Sinh học 12 Bài tiếp: Bài 27: Quá trình hình thành quần thể thích nghi - Sinh học 12