Trang chủ > Lớp 12 > Giải BT Địa Lí 12 > Bài 7: Đất nước nhiều đồi núi (tiếp theo) - Giải bài tập Địa lí 12

Bài 7: Đất nước nhiều đồi núi (tiếp theo) - Giải bài tập Địa lí 12

Câu hỏi trang 33 sách giáo khoa Địa lí 12

Nhận xét về địa hình của hai đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.

Trả lời:

- Vùng đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ):

Là vùng đồng bằng châu thổ, được bồi đắp phù sa hằng năm của hệ thống sông Mê Công.

Diện tích khoảng 40 nghìn km2, địa hình thấp và bằng phẳng. Bề mặt đồng bằng có mạng lưới sông ngòi kênh rạch chằng chịt nên mùa lũ nước ngập sâu, còn về mùa cạn nước triều lấn mạnh, gây hiện tượng nhiễm mặn, nhiễm phèn.

Gần 2/3 diện tích đồng bằng là đất mặn, đất phèn.

- Vùng đồng bằng sông Hồng:

Là vùng đồng bằng châu thổ, được bồi đắp phù sa từ hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, với diện tích khoảng 15 nghìn km2, địa hình cao ở rìa phía tây, tây bắc, thấp dần ra biển và bề mặt bị chia cắt thành nhiều ô nỏ.

Do có hệ thống đê ven sông ngăn lũ nên vùng trong đê không được bồi phù sa hàng năm, tạo thành các bậc ruộng cao bạc màu, các ô trũng ngập nước; vùng ngoài đê thường xuyên được bồi phù sa hàng năm.

Quan sát hình 6, hãy nhận xét về đặc điểm địa hình đồng bằng ven biển miền Trung.

Trả lời:

Đặc điểm địa hình đồng bằng ven biển miền Trung:

- Phần lớn địa hình hẹp về chiều ngang và bị chia cắt thành nhiều đồng bằng nhỏ.

- Đất ở khu vực này thường nghèo nhiều cát và ít phù sa sông.

- Ở nhiều đồng bằng thường có sự phân chia làm 3 dải:

+ Giáp biển là cồn cát, đầm phá;

+ Giữa là vùng thấp trũng,

+ Trong cùng đã được bồi tụ thành đồng bằng.

Câu hỏi trang 34 sách giáo khoa Địa Lí 12

Hãy trình bày các thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên của khu vực đồi núi

Trả lời:

- Có nguồn tài nguyên khoáng sản: khu vực đồi núi là nơi tập trung nhiều loại tài nguyên khoáng sản như vàng, đồng, chì, crôm, đá vôi, than đá, … Đó là nguyên liệu, nhiên liệu để phát triển các ngành công nghiệp.

- Có nguồn tài nguyên rừng và đất trồng: tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành lâm – nông nghiệp nhiệt đới. Có nguồn tài nguyên rừng đa dạng, phong phú về các loài động thực vật, trong đó có nhiều loại thuộc vào nhóm quý hiếm, tiêu biểu cho nền sinh vật nhiệt đới.

- Có Nguồn thủy năng dồi dào với đặc điểm địa hình và các con sông có tiềm năng lớn để phát triển thủy điện.

- Có tiềm năng lớn để phát triền du lịch: có điều kiện phát triển các loại hình tham quan, du lịch, các khu nghĩ dưỡng sinh thái.

Câu hỏi trang 35 sách giáo khoa Địa Lí 12

Việc khai thác, sử dụng đất và rừng không hợp lí ở miền đồi núi đã gây nên những hậu quả gì cho môi trường sinh thái nước ta?

Trả lời:

- Hiện tượng rửa trôi, xói mòn đất ở vùng đồi núi do đã mất đi hệ sinh thái bề mặt, làm cho đất đá dễ bị rửa trôi;

- Các trận lũ quét, lũ lụt, lũ bùn, lũ ống ở miền núi, ở vùng đồng bằng. ;

- Làm thu hẹp đi môi trường sống của các loài động vật;

- Là nguyên nhân gây mất cân bằng sinh thái của môi trường sống.

Hai đồng bằng lớn ở nước ta có những điểm gì giống và khác nhau về điều kiện hình thành, đặc điểm địa hình và đất?
Trả lời:

- Điểm giống nhau:

+ Hai đồng bằng đều là đồng bằng châu thổ do phù sa sông ngòi bồi tụ dần trên một vịnh biển nông và rộng tạo thành.

+ Địa hình của hai đồng bằng đều thấp và tương đối bằng phẳng.

+ Diện tích rộng, là hai đồng bằng lớn nhất cả nước

- Điểm khác nhau.

+ Về diện tích: Đồng bằng sông Cửu Long rộng hơn ĐBSCL: 40 nghìn km2; ĐBSH: 15 nghìn km2

+ Đặc điểm về địa hình:

• Đồng bằng sông Hồng có hệ thống đê chia cắt ra thành nhiều ô. Vùng trong đê không được bồi đắp phù sa hàng năm nên tạo thành các bậc ruộng cao bạc màu và ô trũng ngập nước; vùng ngoài đê thì thường xuyên được bồi đắp phù sa.

• Đồng bằng sông Cửu Long, trên bề mặt không có đê, nhưng có mạng lưới kênh rạch chằng chịt nên mùa lũ nước ngập sâu ở vùng trũng Đồng Tháp Mười, còn về mùa cạn, nước triều lấn mạnh làm gần 2/3 diện tích đồng bằng bị nhiễm mặn, nhiễm phèn.

Trình bày đặc điểm của dải đồng bằng ven biển miền Trung

+ Có tổng diện tích 15 nghìn km2, phần nhiều hẹp ngang và bị chia cắt thành nhiều đồng bằng nhỏ, chỉ có một số đồng bằng được mở rộng ở các cửa sông lớn: đồng bằng Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Phú Yên

Ở nhiều đồng bằng thường có sự phân chia làm 3 dải:

Giáp biển là cồn cát, đầm phá;

Ở giữa là vùng thấp trũng,

Trong cùng đã được bồi tụ thành đồng bằng.

+ Trong sự hình thành đồng bằng, biển đóng vai trò chủ đạo. Đất có đặc tính nghèo, ít phù sa.

Nêu những thuận lợi, khó khăn của thiên nhiên khu vực đồi núi và khu vực đồng bằng đối với phát triển kinh tế - xã hội
Trả lời:

a) Ở khu vực đồng bằng

- Những thuận lợi:

+ Địa hình cũng như tài nguyên đất cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp nhiệt đới, đa dạng hoá các loại nông sản đặc biệt là lúa nước;

+ Cung cấp các nguồn tài nguên thiên nhiên khác như khoáng sản, thuỷ sản và lâm sản;

+ Địa hình là điều kiện thuận lợi để tập trung các thành phố lớn, khu công nghiệp, trung tâm thương mại.

- Khó khăn: thường xuyên chịu các trận thiên tai như bão, lụt, hạn hán,...

b) Khu vực đồi núi

- Các thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên

+ Tài nguyên khoáng sản: các mỏ khoáng sản lớn và tập trung nhiều ở vùng đồi núi là nguồn nguyên nhiên liệu cho nhiều ngành công nghiệp.

+ Tài nguyên rừng và đất trồng: tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nền nông, lâm nghiệp nhiệt đới, đa dạng hoá cây trồng.

  • Tài nguyên rừng giàu có về thành phần loài động vật thực vật trong đó có nhiều oài quý hiếm;
  • Các bề mặt cao nguyên và các thung lũng tạo thuận lợi cho việc hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi đại gia súc và trồng cây lương thực;
  • Địa hình bán bình nguyên và đồi trung du thuận lợi để trồng các cây ăn quả, cây công nghiệp, và hoa màu.

+ Nguồn thuỷ năng dồi dào: các sông miền núi có tiềm năng thuỷ điện rất lớn.

+ Tiềm năng du lịch: miền núi có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch: tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái,...

- Khó khăn:

+ Địa hình đồi núi bị chia cắt mạnh, nhiều sông suối, hẻm vực, sườn dốc gây trở ngại cho giao thông, cho việc khai thác tài nguyên và giao lưu kinh tế giữa các vùng trong khu vực và các vùng lân cận.

+ Do lượng mưa lớn, độ dốc lớn, miền núi còn là nơi xảy ra nhiều thiên tai lũ quét, lũ nguồn, xói mòn, trượt lở đất,...

+ Tại các đứt gãy sâu của địa hình có nguy cơ phát sinh động đất.

+ Vùng núi đá vôi thiếu đất trồng trọt và khan hiếm nước tưới tiêu

+ Trên các vùng núi cao, địa hình hiểm trở, cuộc sống của người dân miền núi còn gặp nhiều khó khăn.

+ Gây cản trở rất lớn đến việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.