Suy nghĩ về lòng nhân ái qua câu chuyện Người ăn xin - Hay nhất
Đề bài: Viết bài văn nêu suy nghĩ về lòng nhân ái được thể hiện qua câu chuyện sau:
"NGƯỜI ĂN XIN Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, môi tái nhợt, áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi. Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không cả khăn tay, không có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông: - Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả! Ông nhìn tôi chăm chăm, đôi môi nở nụ cười: - Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi. Khi ấy, tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông. (Theo Tuốc-ghê-nhép)"Bài văn tham khảo
Câu chuyện Người ăn xin của tác giả Tuốc-ghê-nhép gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm về lòng nhân ái. Ai cũng có lúc sa cơ, lỡ vận, gặp muôn vàn khó khăn, khổ cực. Thứ duy nhất ao ước lúc này chỉ là sự cảm thông, sẻ chia và giúp đỡ từ người khác. Nhưng có nhiều người nghĩ rằng lòng tốt phải đi liền với hành động, phải cho người khác được cái gì cầm được, ăn được thì mới là cho. Qua câu chuyện trên gợi cho chúng ta hiểu thêm về một khía cạnh khác của lòng nhân ái. Nhân ái xuất phát ngay từ sự cảm thông và thấu hiểu. Nhân vật "tôi" trong câu chuyện chẳng có thứ gì cho người ăn xin, nhưng ông lão vẫn cảm động, vẫn cho rằng mình đã nhận được rồi. Điều đó xuất phát từ hành động của "tôi" đã lục tung cả túi quần, túi áo, cố tìm thứ gì đó để giúp đỡ. Cảm động trước cách cố gắng để cho, sự chân thành thực sự và muốn cho của "tôi", dù không tìm thấy một thứ gì cả. Rồi cách cảm ơn và bài học rút ra ấy đã giúp chúng ta nhận thấy rằng, nhân ái thực sự là biết cảm thông, dù không có gì nhưng vẫn tìm cách giúp đỡ người khác. Trong cuộc sống thực tế hiện nay của chúng ta cũng vậy thôi. Nếu bạn chẳng thể mang đến cho người khác về vật chất, thì chỉ cần là một ánh mắt, một nụ cười, một cái ôm, một vòng tay, một trái tim ấm áp cũng đã làm người nhận thật cảm kích và họ cảm thấy đã nhận được vô vàn sự giúp đỡ. Chính tình yêu thương, sự sẻ chia, cảm thông đã làm cho mọi người hiểu nhau hơn. Và người nhận cũng tìm thấy trong tình người lúc khó khăn, không phải là được cho cái gì mà cách được cho như thế nào. Lòng tốt không phải là sự ban phát, bố thí mà nó được tạo nên bằng sự chân thành, giản dị của sự đồng cảm, yêu thương. Chính vì thế, chúng ta những người trẻ, khi cuộc sống mới thực sự bắt đầu, khó khăn sẽ là điều không tránh khỏi nhưng hãy trân trọng những người bên cạnh ta, an ủi, động viên ta. Biết đón nhận những điều đó chúng ta sẽ có thêm động lực để sống có ý nghĩa và vươn lên thật thành công.
Bài trước: Nghị luận về câu nói: Cái gì cũng nhàm chán cả trừ học hỏi - Hay nhất Bài tiếp: Bài văn suy nghĩ của em về văn hóa cảm ơn - Hay nhất