Chứng minh nhân dân Việt Nam luôn sống theo đạo lý: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây"
Đề bài: Em hãy viết một đoạn văn nghị luận 200 chữ chứng minh rằng nhân dân Việt Nam từ xưa đến nay luôn sống theo đạo lý: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Bài văn mẫu
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là truyền thống đạo lý tốt đẹp của ông cha ta từ ngàn đời đã dạy. Đạo lý này muốn nói về lòng biết ơn, sự kính trọng của chúng ta đối với những người đã có ơn giúp đỡ, cưu mang, cống hiến, … Đạo lý này đã được răn dạy, giáo dục trong xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các hành động cụ thể. Đó là lòng biết ơn, sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã nuôi dưỡng, dạy bảo ta nên người. Đó còn là lòng biết ơn, muôn đời tưởng nhớ đối với thế hệ cha anh đã có công dựng xây và bảo vệ đất nước, cho chúng ta có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hòa bình như ngày hôm nay. Điều này được thể hiện không chỉ qua những hành động nhỏ của các cá nhân, tập thể, mà còn được thể hiện ở việc Đảng, Nhà nước, nhân dân chủ trương xác lập những ngày lễ, ngày hội để bày tỏ lòng tri ân, biết ơn, và nhắc nhở chúng ta nhớ về những mốc lịch sử vàng son của dân tộc. Ví dụ như: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, ngày Quốc khánh 2/9, ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3, … Có thể khẳng định rằng đạo lý: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là truyền thống tốt đẹp về lòng biết ơn của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Vì thế, mỗi chúng ta cần có trách nhiệm giữ gìn và phát huy tích cực truyền thống ấy để xây dựng một xã hội ngày càng văn minh và giàu đẹp.
Bài trước: Nghị luận 200 chữ Chứng minh rằng bảo vệ môi trường thiên nhiên là bảo vệ cuộc sống của chúng ta - Hay nhất Bài tiếp: Nghị luận 200 chữ Chứng minh cần phải chọn sách mà đọc - Hay nhất