Phân tích nhân vật Đẩu trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa - Hay nhất
Đề bài: Nguyễn Minh Châu viết về nhân vật chánh án Đẩu trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa: “Một cái gì vừa mới vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển, lúc này trông Đẩu rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ”. Câu văn này gợi cho em những suy nghĩ gì về tình huống nhận thức trong tác phẩm.
Bài văn tham khảo
Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Nhắc tới Nguyễn Minh Châu là nhắc tới thể loại truyện ngắn, nhắc tới những vấn đề thế sự đời sống thời hậu chiến. Cũng với những đề tài này, ma fnhà văn đã nhào nặn và tạo nên những “đứa con tinh thần” mang trong mình những bài học và thông điệp đầy ý nghĩa. “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những truyện ngắn mang đậm tính tự sự - triết lý của Nguyễn Minh Châu. Với ngôn từ dung dị đời thường, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã xây dựng thành công tình huống truyện độc đáo – một tình huống truyện mang ý nghĩa khám phá, phát hiện đời sống thông qua chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh và những chiêm nghiệm sâu sắc của anh ta về nghệ thuật và cuộc đời.
Đối với truyện ngắn thì việc xây dựng một tình huống truyện độc đáo và hấp dẫn giữ một vai trò vô cùng quan trọng, tình huống truyện là hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt, tại tình huống đó cuộc sống, nhân vật được hiện hình đặc sắc nhất và ý đồ của tác giả cũng được bộc lộ rõ nét nhất. Tình huống truyện được chia thành nhiều loại, trong đó Chiếc thuyền ngoài xa được xếp vào kiểu tình huống truyện nhận thức.
Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” xoay quanh chuyến đi thực tế của nhân vật Phùng tới vùng biển miền Trung, trong chuyến đi ấy nhân vật đã được tác giả đặt vào tình huống với những phát hiện, nhận thức mới mẻ.
Ở phát hiện thứ nhất, chính là vẻ đẹp được coi như tuyệt bích của thiên nhiên vùng biển vào buổi sáng, một vẻ đẹp được cho là “Một cảnh đắt trời cho” Dường như tất cả khung cảnh ấy khiến cho người nghệ sĩ bàng hoàng, chìm đắm ngất ngây, tất cả như phối hợp với nhau tạo nên một sự hoàn hảo chưa từng thấy trong đời cầm máy của anh. “Trước mắt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào” Phải chăng kia không còn là thế giới trần ai mà chính là thế giới của tiên cảnh, vẻ đẹp của tiên cảnh? Sự vật và màu sắc đều vô cùng hài hòa với nhau, cộng hưởng và ánh lên vẻ đẹp rạng ngời đầy huyền ảo và bí ẩn, mơ hồ. Vẻ đẹp ấy khiến người nghệ sĩ phải thốt lên “đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì co thắt vào” vẻ đẹp như tác động tới sâu thẳm bên trong tâm hồn của con người, khiến họ tưởng rằng mình vừa tìm thấy một cái gì đó của sự toàn thiện và toàn mỹ. Và đối với một người nghệ sĩ như Phùng, đứng trước cảnh đẹp đó, Phùng cảm thấy xúc động và vô cùng hạnh phúc. Anh đã liên tục bấm máy ghi lại khoảnh khắc đắt giá mà chắc chắn anh khó có thể bắt gặp lại lần thứ hai.
Tưởng rằng bức tranh kia là tất cả những gì mà cuộc sống chúng ta thấy được! Nhưng, không! Cuộc sống hình như còn có rất nhiều những màu sắc và mức độ khác, nó đa dạng và phức tạp hơn nhiều cái vẻ đẹp toàn bích kia. Với phát hiện thứ hai này, người đọc sẽ đi sâu và khám phá đầy đủ hơn những góc khuất và ngõ tối của cuộc sống. Khi con thuyền từ từ tiến vào bờ, cũng chính là lúc Phùng phát hiện ra một nghịch cảnh đầy đau đớn và xót xa. Nó trái ngược hoàn toàn với phát hiện thứ nhất của anh. Bước xuống từ con thuyền kia là hình ảnh những con người xấu xí và thô kệch. Từ ngoại hình cho đến tính cách đều toát lên vẻ nghèo khổ, lam lũ. Một người đàn bà “trạc ngoài bốn mươi, thân hình to lớn và thô kệch” đúng như vẻ ngoài của những người đàn bà miền biển, mặt mụ rỗ và khuôn mặt thì đầy mệt mỏi. Đi sau bà ấy là một người đàn ông, người đàn ông đi chân chữ bát, tấm lưng cong như lưng của chiếc thuyền. Và không lâu sau, một sự việc xảy ra khiến nhân vật “tôi” há hốc mồm trong một lúc lâu mà không kịp hiểu là chuyện gì. Người đàn ông rút ra chiếc thắt lưng của lính ngụy quật tới tấp vào lưng của người đàn bà, người đàn bà thì chẳng hề kêu van, chẳng khóc và cũng chẳng tìm cách chạy trốn. Người đàn ông vừa đánh vừa chửi rủa “mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết hết đi cho ông nhờ”, hình như bao nhiêu tức tối, bao nhiêu bực dọc đều được người đàn ông cất giữ vào trong tiếng gằn, chửi kia, biết bao những cái mà ông ta phải chịu đựng thì giờ đây ông dồn nén mà phát ra thành tiếng chửi đau đớn ấy. Đáng ngạc nhiên hơn là hình ảnh trẻ thơ, thằng Phác đứa con của cặp vợ chồng hàng chài cũng lao vào đánh bố để bảo vệ mẹ. Những cảnh này xưa nay vốn trái lại với luân thường đạo lý. Nhưng hôm nay đây, Phùng được chứng kiến tận mắt những hình ảnh chân thực nhất. Sau những phát hiện đầy bất ngờ như vậy, dường như trong nhận thức của nhân vật Phùng đã có sự thay đổi. Sự đối lập giữa phát hiện thứ nhất và thứ hai này đã tạo ra những thay đổi ban đầu đối với nhân vật, tuy vẫn còn những bất ngờ chưa thể hiểu được, nhưng dường như người nghệ sĩ đã bắt đầu đã mở ra nhiều hơn là một cách tiếp cận với cuộc sống.
Và cuối cùng, phát hiện được quan trọng nhất tạo ra sự thay đổi nhận thức của người nghệ sĩ chính là cuộc đối thoại của Phùng và Đẩu với người đàn bà hàng chài tại tòa án huyện. Tại đây, Phùng tiếp tục thay đổi những nhận thức của bản thân mình và Đẩu cũng rút ra được nhưng bài học quý báu. Ban đầu, Phùng và Đẩu nhất quyết khuyên người đàn bà bỏ chồng “Chị không sống nổi với lão đàn ông vũ phu ấy đâu”. Thế nhưng, có phải cứ bỏ chồng là được? Chứng kiến sự thay đổi trong hành động và ngôn ngữ của người đàn bà hàng chài chúng ta mới thấu hiểu được nhiều nhẽ. Đầu tiên, người ta thấy một người đàn bà sợ sệt, khúm núm, đến tòa án bà ta chỉ dám ngồi ở mép ghế, lúc nào cũng khép nép, thu mình lại trên chiếc ghế. Mỗi câu nói ra là một câu van xin, nài nỉ, lạy lục, …. Tất cả những cử chỉ ấy khiến cho người đọc lầm tưởng rằng, người đàn bà ấy đúng là một người ít học, hiểu biết nông cạn và cũng chính từ sự thiếu hiểu biết ấy mà người đàn bà đang phải chịu biết bao những cực khổ từ cuộc sống của mình. Tuy nhiên, ngay sau đó người đàn bà đã thay đổi hoàn toàn thái độ và cách xưng hô của mình với hai vị quan tòa, những người được coi là cầm cân nảy mực, là cán cân công lí đem lại sự công bằng, niềm vui và hạnh phúc cho mọi người. Từ một người không hiểu biết, người đàn bà đã có những lời tâm sự thể hiện sự sâu sắc, từng trải. Từ cách xưng hô “con- quý tòa” chuyển thành “chị - các chú” thứ bậc dường như đảo lộn hoàn toàn, không còn sự sợ sệt van xin mà đó là một sự ngang hàng, bình đẳng. Người đàn bà như nhìn thấu hết tất cả cuộc đời mình, bà ta kể ra những lí do mà bà không thể bỏ người chồng vũ phu kia được. Bởi rằng, trên thuyền của một người miền biển cần có một người đàn ông để chèo chống lúc phong ba bão táp, lúc biển động. Người đàn ông để cùng với người đàn bà làm lụng nuôi “đặng một sắp con” chứ có ít ỏi gì đâu. Người đàn bà ấy cũng tự nhận lỗi về phía mình, nhận thấy việc sinh con nhiều đã khiến cho cuộc sống của hai vợ chồng khổ sở và luôn có những trận cãi vã, đánh đập. Bên cạnh đó bà hiểu cho chồng rằng, cũng chính vì cái đói nghèo, khổ cực mà người đàn ông hiền lành ngày nào đã trở thành một người đàn ông vũ phu, đánh đập vợ con như hiện tại. Và rồi, người phụ nữ ấy kể với hai vị quan tòa những khoảnh khắc hạnh phúc của mình, niềm vui của người đàn bà thô kệch ấy chính là khi được nhìn đàn con bà ăn no, nhìn chúng nằm trên thuyền no bụng, cũng chính khi bà kể về kỉ niệm ấy, trên miệng người đàn bà đã nở một nụ cười. Có phải không khi người ta cho rằng niềm hạnh phúc của người đàn bà thật giản dị? Cả Phùng và Đẩu khi nghe được câu chuyện của người đàn bà hàng chài thì đều “vỡ” ra một cái gì đó trong đầu óc của mình.
Thông qua những phát hiện ấy, người nghệ sĩ đã thấu hiểu được nhiều điều, trong đó có bài học về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, nghệ thuật không phải là những gì đẹp đẽ mà xa xôi, nghệ thuật phải đi sâu vào cuộc sống phản ánh cuộc sống và vì cuộc sống của con người. Mỗi chúng ta cần nhìn cuộc sống đa diện đa chiều, chứ đừng nhìn một cách đơn giản xuôi chiều, có được cách nhìn ấy mới làm cho người ta hiểu và thấu cảm nhiều lẽ sống và hoàn cảnh sống trong cuộc đời. Chính nhờ những phát hiện ấy mà sau này, cứ mỗi lần nhìn vào bức ảnh treo trên tấm lịch nghệ sĩ Phùng của chúng ta không chỉ nhìn thấy những làn sương sớm hồng lòe nhòe mà còn thấy cả bóng dáng thô kệch của người đàn bà từ đó bước ra.
Thông qua tình huống truyện nhận thức, Nguyễn Minh Châu đã giúp chúng ta nhận ra nhiều bài học thông điệp có ý nghĩa sâu sắc. Không thể đơn giản, khi nhìn nhận về một vấn đề, đánh giá một hiện tượng. Người nghệ sĩ không thể đứng từ xa nhìn ngắm cuộc đời mà cần có những khám phá đi sâu, kéo sát nghệ thuật gần với cuộc sống. Tình huống truyện đã góp phần tô đậm giá trị của tác phẩm.
Bài trước: Phân tích nhân vật Trương Ba trong đoạn trích Hồn Trương Da, da hàng thịt - Hay nhất Bài tiếp: Phân tích tình huống truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa - Hay nhất