Phân tích tình huống truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa - Hay nhất
Đề bài: Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu, tác giả đã xây dựng được tình huống truyện mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống. Em hãy làm rõ điều đó.
Bài văn tham khảo
Được đánh giá là một trong những “người mở đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc) của văn học Việt Nam thời kì đổi mới, Nguyễn Minh Châu luôn luôn khát khao khám phá những khía cạnh phức tạp và bí ẩn của đời sống con người. Sau năm 1975, những sáng tác của Nguyễn Minh Châu thể hiện những trăn trở khôn nguôi của chính tác giả trước những mảng tối hiện thực của cuộc sống thời kì hậu chiến. Và tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những tác phẩm như thế. Trong truyện ngắn nhà văn có viết “Một cái gì đó vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển, lúc này trông Đẩu rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ” Câu văn đã tô đậm ý nghĩa của tình huống truyện nhận thức được nhà văn xây dựng trong truyện ngắn này.
Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được Nguyễn Minh Châu viết vào năm 1983 đã thể hiện được những khám phá quan trọng của tác giả về cuộc sống và nghệ thuật ở thời kì mới. Thành công nổi bật về nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm này có thể kể tới việc xây dựng tình huống truyện vô cùng độc đáo.
Tình huống truyện là một sự kiện đặc biệt của đời sống được tác giả mô tả trong tác phẩm của mình, tại sự kiện đó tác giả đã làm sống dậy một tình thế bất thường có tính chất éo le gây bất ngờ trong mối quan hệ của các nhân vật, cũng qua sự kiện đó tính cách nhân vật được bộc lộ sắc nét, ý tưởng của nhà văn cũng được hiện hình khá trọn vẹn.
Tình huống truyện được chia ra làm nhiều loại, trong đó Chiếc thuyền ngoài xa là tình huống truyện nhận thức của tác giả về cuộc đời và nghệ thuật qua sự thể hiện nhận thức của nhân vật trong tác phẩm về vấn đề này.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, Phùng đã phát hiện ra một cảnh đẹp tuyệt vời để nhận ra bản thân cái đẹp cũng chính là một giá trị đạo đức và để thấy được những giây phút trong ngần của tâm hồn “Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn” và Phùng đã bấm máy liên tục để thu hết vẻ đẹp tuyệt đỉnh của cảnh vật vào trong ống kính của mình.
Thế nhưng, Phùng đã phát hiện ra một sự việc vô cùng tàn nhẫn trong đời sống hiện thực – đó là sự việc người đàn ông làng chài đánh đập, chửi rủa vợ mình một cách tàn nhẫn ngay trên bãi cát – nơi Phùng đang say sưa với cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Sự việc này khiến Phùng vô cùng kinh ngạc và đau đớn. Từ đó anh nhận ra những điều phi lí, những sự thật trần trụi vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống bề bộn xung quanh mình. Phùng đã từng trải qua chiến tranh, đã từng cầm súng bảo vệ hòa bình và hạnh phúc cho con người nên anh không thể chấp nhận nổi cách ứng xử tàn nhẫn và độc ác của lão đàn ông kia. Đó chính là lí do khiến anh không chỉ kinh ngạc phẫn nộ mà còn có những hành động bột phát: Anh quăng chiếc máy ảnh xuống đất, xông vào ngăn cản hành động vũ phu của người đàn ông để bênh vực người đàn bà yếu đuối, bất hạnh. Phản ứng trong tình cảm và hành động của Phùng khi đó đã cho thấy anh không chỉ là một người nghệ sĩ có niềm say mê với cái đẹp mà anh còn là một người có tấm lòng nhân hậu và ý thức trách nhiệm. Cũng chính tấm lòng và trách nhiệm ấy đã khiến cho Phùng dù hoàn thành nhiệm vụ của một phóng viên nhưng vẫn quyết định ở lại vùng biển thêm mấy ngày để cùng Đẩu giải quyết việc.
Đến với câu chuyện ở tòa án huyện: Cả Phùng và Đẩu đã phải đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về người đàn bà – nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình kia. Mang tâm lí của một người tự coi mình là ân nhân, xuất hiện để giúp đỡ, che chở bênh vực cho người đàn bà bất hạnh với mong muốn sẽ giúp chị ta thoát khỏi những bi kịch trong cuộc sống của mình, Phùng và Đẩu đã vô cùng bất ngờ khi người đàn bà ấy không nghe theo lời khuyên, từ chối sự giúp đỡ và còn một mực van xin để không phải bỏ chồng. Sự việc này bất ngờ đến mức Phùng vừa kinh ngạc, vừa khó hiểu, vừa bị sốc tới mức căn phòng đang lộng gió biển mà anh có cảm giác như bị rút hết không khí để trở nên ngột ngạt. Những cảm giác sâu sắc nhất, mãnh liệt nhất mà Phùng cảm nhận được từ câu chuyện này lại có được chính từ phát hiện mới của anh về con người của người phụ nữ ấy – đó là những phẩm chất đích thực ẩn giấu sau bề ngoài nhẫn nhục, cam chịu và có phần u mê đó lại là một người phụ nữ hội tụ đầy đủ phẩm chất của sự hiểu biết, lòng vị tha, tình yêu thương sâu sắc – những phẩm chất chỉ có được ở một người có nhiều trải nghiệm cuộc đời và hiểu được ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Chị nhẫn nhục là vì thương con, chị cam chịu vì lòng độ lượng, vị tha, vì thấu hiểu nguyên cớ dẫn đến những hành động độc ác, vũ phu của người chồng và trên hết vì chị có một đức hi sinh vô bờ bến. Tất cả những điều này khiến cả Phùng và Đẩu không thể tiếp tục nhìn chị ta bằng cái nhìn thương hại.
Và rồi “Một cái gì đó vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển, lúc này trông Đẩu rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ”. Khát vọng, nhu cầu của con người và thực tế cuộc sống mà con người phải đối mặt: Người đàn bà trong câu chuyện chỉ mong có một cuộc sống bình yên, ấm êm, mong thấy những đứa trẻ được ăn no, muốn thấy cảnh vợ chồng quây quần bên nhau để có những phút giây vui vẻ.
Chính những điều bất ngờ và đầy nghịch lí mà Phùng chứng kiến đã khiến anh không thể tiếp tục nhìn cuộc sống bằng một cái nhìn giản đơn. Nó buộc anh phải suy nghĩ để nhận thức lại tất cả. Cuộc sống chứa đầy những phức tạp, bất ngờ con người ta muốn hiểu được thì cần đi sâu và nhìn nhận mọi thứ đa diện đa chiều hơn.
Qua tình huống truyện nhà văn Nguyễn Minh Châu đã giúp ta nhận ra sự phức tạp ở đời sống con người với những hiện tượng không dễ để đánh giá, những mối quan hệ không dễ để cắt nghĩa, lí giải. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Minh Châu đã lựa chọn người kể chuyện trong truyện ngắn này là một người nghệ sĩ bởi chính sự mẫn cảm cái nhìn sâu sắc mang tính phát hiện và ý thức trách nhiệm với cuộc đời của nghệ sĩ Phùng đã giúp Nguyễn Minh Châu gửi gắm một quan niệm, một yêu cầu với nghệ thuật: Nghệ thuật cần hướng tới cái đẹp song nghệ thuật không thể chỉ là chiếc thuyền ngoài xa. Nghệ thuật chỉ có ý nghĩa khi bắt nguồn từ cuộc sống, là tiếng nói của đời sống trở thành một phần của cuộc sống này.
Bài trước: Phân tích nhân vật Đẩu trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa - Hay nhất Bài tiếp: Phân tích nhân vật bà Hiền trong tác phẩm Một người Hà Nội - Hay nhất