Nghị luận về việc giữ gìn bản sắc văn hóa qua truyện ngắn Một người Hà Nội - Hay nhất
Đề bài: Nghị luận về việc giữ gìn bản sắc văn hoá qua truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải.
Bài văn tham khảo
Vốn là một người sinh ra ở Hà Nội, với tình yêu và sự nhạy cảm trong tâm hồn, nhà văn Nguyễn Khải đã thể hiện rất thành công vẻ đẹp của văn hóa Hà Nội trong các sáng tác của mình, mà không thể không nhắc tới tác phẩm“Một người Hà Nội”. Ngay từ nhan đề tác phẩm cũng đã toát lên những nét đẹp về hình ảnh văn hóa Hà Nội. Và khi đi sâu vào tác phẩm, qua việc khắc họa nhân vật cô Hiền – một con người mang cốt cách đặc trưng của văn hóa Hà Nội, chúng ta mới thực sự thấu hiểu và thấm thía. Người Hà Nội vẫn có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Câu ca dao ấy thực sự đã khái quát được nét đẹp thanh lịch của con người, của mảnh đất ngàn năm văn hiến, và không ai khác đó chính là nhân vật cô Hiền trong tác phẩm. Nhân vật cô Hiền được nhà văn Nguyễn Khải xây dựng trong mối quan hệ với sự biến đổi của thời cuộc. Nhưng ông khéo léo đưa vào đó những nét đẹp truyền thống, tinh túy của văn hóa Hà Nội vào đó. Cái mộc mạc, giản dị và vô cùng thanh cao của văn hóa Hà Nội được nhân vật cô Hiền thể hiện qua những điều hết sức nhỏ bé. Từ lời ăn, tiếng nói, cung cách sinh hoạt, suy nghĩ, lối sống, cả cách đối diện với nhứng mất mát, đau thương… đều được tái hiện đầy đủ một cách chân thực, nhẹ nhàng. Từ quan niệm lấy chồng, sinh con đến cách dạy con đi đứng, nói năng, cầm đũa, cầm bát… Từ cách ăn mặc, bài trí nhà cửa đén cách lau một món đồ tỉ mỉ… đều thể hiện những nét rất riêng, rất Hà Nội đầy sang trọng và quý phái. Trong đó hình ảnh cô Hiền dường như hội tụ những vẻ đẹp kiêu sa nhất của người con gái mảnh đất kinh kì, nhưng vẫn luôn đặt nặng vai trò vô cùng quan trọng của một người phụ nữ trong gia đình. Cô quan niệm “người đàn bà không là nội tướng thì cái gia đình ấy sẽ ra sao? ”. Và ngay cả niềm tin đầy mãnh liệt về sự trường tồn, vĩnh cửu của vẻ đẹp Hà Nội cũng được cô khẳng định: “Mỗi thế hệ đều có một thời vàng son của họ, Hà Nội thì không thế. Thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho mỗi lứa tuổi”. Nhà văn Nguyễn Khải đã thực sự đem đến một Hà Nội trong nhân vật này. Ở cô toát lên là một Hà Nội vừa hiện đại, trí tuệ, thức thời vừa cổ kính, kiêu sa, có chiều sâu văn hóa. Cô Hiền xứng danh “Một người Hà Nội” hay “hạt bụi vàng của Hà Nội”. Qua nhân vật cô Hiền, chúng ta có được nhận thức sâu sắc hơn về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Không cần phải đao to, búa lớn, hô hào, khẩu hiệu mà cách giữ gìn chỉ cần xuất phát từ những việc làm nhỏ bé, từ chính những sinh hoạt đời sống hằng ngày… Tất cả đều không khó. Tuy nhiên, Hà Nội hay bất kỳ vùng đất nào ở Việt Nam theo quỹ đạo của sự phát triển, đang càng ngày càng thay đổi khiến diện mạo văn hóa có phần khác đi. Nên cần lắm những kiểu người như cô Hiền trong tác phẩm của Nguyễn Khải để nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ, lưu truyền và trường tồn mãi mãi với thời gian.
Bài trước: Nghị luận: Văn chương giúp ta trải nghiệm cuộc sống ở những tầng mức - Hay nhất Bài tiếp: Nghị luận 200 chữ: Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động - Hay nhất