Trang chủ > Lớp 8 > Lý thuyết, Bài tập Tiếng Việt - Tập làm văn 8 > Tìm hiểu các yếu tố tự sự và miêu tả trong văn nghị luận (Bài tập Tiếng Việt - Tập làm văn 8)

Tìm hiểu các yếu tố tự sự và miêu tả trong văn nghị luận (Bài tập Tiếng Việt - Tập làm văn 8)

Tìm hiểu các yếu tố tự sự và miêu tả trong bài văn nghị luận

A. Củng cố kiến thức

- Văn nghị luận cần phải có các yếu tố tự sự và miêu tả

- Hai yếu tố này có tác dụng giúp cho việc trình bày luận cứ trong bài văn thêm cụ thể, rõ ràng, sinh động hơn, có sức thuyết phục cao, mạnh mẽ hơn

- Những yếu tố tự sự và miêu tả được sử dụng làm luận cứ phải phục vụ cho việc làm rõ luận điểm và không được phá vỡ mạch lạc nghị luận của bài văn

- Cần bổ sung: Những yếu tố tự sự và miêu tả trong bài văn nghị luận là những yếu tố có tính hỗ trợ, bổ sung để làm sáng tỏ luận điểm. Không lạm dụng việc sử dụng yếu tố tự sự, miêu tả bởi vì đây không phải đích của văn nghị luận.

B. Ví dụ minh họa

“Cái răng cái tóc là góc con người” đã đề cập đến hai nét đẹp của con nguời. “Góc con người” là cái duyên dáng, sắc sảo, tươi đẹp, mặn mà của con người, nhất là con gái con trai. Ngày xưa, răng đen hạt na, tóc đen bóng, dày được cho là đẹp. Ngày nay, răng đều, trắng bóng thì mới đẹp. Nhất là các thiếu nữ. Để tóc dài, cắt tóc ngắn, uốn tóc … đều cần phải theo khuôn mặt và nước da, dáng vẻ của mỗi người. Câu tục ngữ không chỉ nêu lên nét đẹp con người mà còn để nhắc nhở mỗi người chúng ta cần phải biết giữ gìn chăm sóc cái răng cái tóc của mình. Có hàm răng đẹp và mái tóc đẹp đó chính là “của Trời cho”. Vì vậy, thuở xưa, các bé gái đã để tóc trái đào, nhưng đến tuổi trưởng thành thì không bao giờ cắt tóc nữa mà cứ để cho mái tóc dài mãi. Có được một mái tóc đen, dài và bóng mượt đã trở thành niềm kiêu hãnh của người con gái. Họ thường gội bằng nước bồ kết và các lá thơm tự nhiên cho sạch, gội xong phải xả lại bằng chanh để tóc mềm. Ở miền Nam trồng nhiều dừa nên người ta thường bôi nhẹ một lượt dầu dừa lên mái tóc để làm bóng tóc và lấy mùi thơm. Vì vậy chúng ta cần phải chú ý chăm sóc vẻ đẹp bên ngoài lần phẩm chất bên trong.

C. Bài tập củng cố

Bài 1: Hãy chỉ ra các yếu tố tự sự và miêu tả trong đoạn văn sau:

Để ghi nhớ tới công lao của người lính An Nam, chẳng phải người ta đã lột hết của cải của họ, từ chiếc đồng hồ cho đến bộ quần áo mới toanh mà họ phải bỏ tiền túi ra mua cho đến các đồ vật kỷ niệm đủ thứ, v. v. trước khi đưa họ tới Mácxây xuống tàu để về nước, đó sao? Chẳng phải người ta đã giao họ cho lũ súc sinh đánh đập và kiểm soát họ vô cớ đó sao? Chẳng phải người ta đã cho họ không khác gì cho lợn ăn và xếp họ như xếp lợn dưới hầm tàu ẩm ướt, không có giường nằm, không có ánh sáng, thiếu không khí đó sao? Về tới xứ sở, chẳng phải họ đã được một quan cai trị biết ơn và tiếp đón nồng nhiệt bằng một bài diễn văn yêu nước. "Các anh đã bảo vệ Tổ quốc, thế là tốt. Bây giờ, chúng tôi không còn cần tới các anh nữa, cút đi! ", đó sao?

Thế là các "cựu binh" - đúng hơn là những cái xác còn lại - sau khi đã dũng cảm bảo về công lý và chính nghĩa nay tay không trở về với đúng chế độ bản xứ của họ, một chế độ không biết gì tới công lý và chính nghĩa cả.

(Thuế máu – Nguyễn Ái Quốc)

Hướng dẫn làm bài

- Yếu tố tự sự: Kể lại những tội ác của quân Pháp đối xử với những người lính chiến đấu trở về.

- Yếu tố miêu tả: bộ quần áo mới toanh, cho họ ăn không khác cho lợn ăn, xếp như xếp lợn, hầm tàu ẩm ướt, không có giường nằng, không có ánh sáng, thiếu không khí, đón chào nồng nhiệt

Sử dụng các yếu tố miêu tả và tự sự trong đoạn trích trên có tác dụng nhấn mạnh sự độc ác, vô nhân tính và tráo trở của thực dân

Bài 2: Viết một đoạn văn nghị luận: “Suy nghĩ của anh/ chị về nạn bạo hành trẻ em ngày nay” trong đó có sử dụng các yếu tố tự sự và miêu tả

Hướng dẫn làm bài

Mặc dù xã hội đang ngày một phát triển, văn minh hơn nhưng vẫn còn tồn tại một số hiện tượng xấu, phổ biến nhất đó chính là nạn bạo hành trẻ em. “Trẻ em là mầm non tương lai của quốc gia” nhưng các em nhỏ hằng ngày vẫn đang bị bạo ngược, đánh đập, lăng mạ, xúc phạm, tra tấn… làm tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày nay đã gay gắt lên án các vụ bạo hành trẻ như cháu Đan Trân, trường mầm non Thiên Thơ có trường hợp cô bảo mẫu Lê Vi vì muốn trẻ ngừng khóc mà dán băng keo vào miệng và dẫn tới cái chết thương tâm; Hay cô Quản Thị Kim Hoa ở Biên Hoà, Đồng Nai đã đánh đập, tát, vả... các đứa trẻ còn rất non yếu. Hay bé Hảo mới có 4 tuổi đã bị chính người mẹ "đứt ruột" đẻ ra mình đánh đập dã man. Thấy con cầm tờ tiền nghịch, bà mẹ đã dùng kéo để cắt ngón tay của con để "cảnh cáo", một lần bé Hảo không may trèo lên cây và bị ngã. Trước sự việc này, bà mẹ đã không cứu con, mà thậm chí còn có một hành động ác độc hơn loài dã thú. Dùng dao phạt đứt gót chân của con. Hậu quả là bé Hảo đã bị mất 41% sức khoẻ, trên mình đầy rẫy những vết thương và phải sống cuộc đời còn lại như một người tàn phế…. Bạo hành là một hành động độc ác, xấu xa cần phải lên án. Những đứa trẻ thường xuyên bị bạo hành sẽ để lại những di chứng như trầm cảm, sợ hãi, mất ngủ, nhiễu tâm lý, thiếu tự tin, thất vọng và hay gây hấn. Đặc biệt ở những gia đình thế hệ con, đã lặp lại hành vi bạo lực gia đình mà khi nhỏ chúng phải chịu đựng và chứng kiến. Nguyên nhân có thể là do do đói nghèo, áp lực của cuộc sống, do say rượu không được tỉnh táo... Hành động bạo hành trẻ em cũng là hành động của những con người gần như không còn lương tri, đạo đức suy đồi, nhân cách tha hóa và đi ngược lại truyền thống yêu thương đùm bọc lẫn nhau của dân tộc ta. Vì vậy, chúng ta cần phải bảo vệ trẻ em và có biện pháp đẩy lùi nạn bạo hành trẻ em.