Hội thoại (tiếp theo) (Bài tập Tiếng Việt - Tập làm văn 8)
A. Củng cố các kiến thức cơ bản: Lượt lời trong đoạn hội thoại
1. Định nghĩa: Trong cuộc hội thoại, ai cũng có lượt nói. Mỗi lần có một người tham gia hội thoại nói được gọi là một lượt lời.
2. Chú ý:
- Để giữ phép lịch sự, cần phải tôn trọng lượt lời của người khác, không nên nói tranh lượt lời, cắt lời hoặc nói chêm vào lời của người khác.
- Nhiều khi, giữ im lặng khi tới lượt lời của mình cũng là một cách để biểu thị thái độ.
B. Bài tập củng cố
1. Đọc đoạn trích dưới đây và cho biết mỗi nhân vật nói bao nhiêu lượt lời?
Hôm sau lão Hạc sang nhà tôi. Vừa trông thấy tôi, lão đã báo ngay:
- Con Vàng đi đời rồi ông giáo ạ!
- Cụ bán rồi?
- Bán rồi? Họ vừa bắt xong.
…Tôi hỏi cho có chuyện:
- Thế nó cho bắt à?
- Khốn nạn... Ông giáo ơi! Nó có biết chuyện gì đâu! Nó thấy tôi gọi về thì ngay lập tức chạy, vẫy đuôi mừng rỡ. Tôi lấy cơm cho nó ăn. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà ngay đằng sau nó lao ra tóm lấy hai cẳng sau của nó rồi dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục và thằng Xiên, cả hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một tý là đã trói chặt cả bốn chân của nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là mình bị chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn lắm! Nó cứ làm i như nó đang trách tôi; nó kêu lên ư ử, nhìn tôi như muốn nói với tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão không tệ mà lão đối xử với tôi như thế này? ”. Thì ra tôi già bằng chừng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi lại nỡ tâm lừa nó!
Tôi an ủi lão:
- Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó không hiểu gì đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả đến lúc phải bán hay giết thịt? Ta giết nó cũng chính là hóa kiếp cho nó đấy, hóa kiếp để cho nó được làm kiếp khác.
Lão chua chát bảo:
- Ông giáo nói chí phải! Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp để cho nó được làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút... kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn!...
Tôi bùi ngùi nhìn lão bảo:
- Kiếp ai cũng vậy thôi, cụ ạ! Cụ nghĩ tôi sung sướng hơn chăng?
- Thế thì không biết nếu kiếp người cũng khổ thì ta nên làm gì cho thật sướng nhỉ?
Lão cười và ho lên sòng sọc. Tôi nắm lấy cái vai gầy của lão và ôn tồn bảo:
- Chẳng có kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: Bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi chờ tôi đi nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; luộc mấy củ khoai lang, ông con mình uống nước chè, ăn khoai, rồi hút thuốc lào... Thế là sướng.
- Vâng! Ông giáo dạy phải! Đối với chúng mình thì như vậy là sung sướng.
Hướng dẫn làm bài
Ông giáo nói: 5 lượt lời
Lão Hạc nói: 6 lượt lời
⇒ Họ tôn trọng nhau và có thái độ quan tâm lẫn nhau.
2. Em hãy chỉ ra sự vi phạm về lượt lời trong đoạn hội thoại dưới dây. Dấu hiệu nào cho thấy điều đó?
a. -Đê vỡ rồi! Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không? Lính đâu? Sao chúng mày dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắt gì nữa à?
- Dạ, bẩm.
- Đuổi cổ nó ra!
b. Dế choắt nhìn tôi mà rằng:
- Anh đã nghĩ thương thân em như thế thì hay là anh giúp em đào một cái ngách thông sang bên nhà anh phòng khi tắt lửa tối đèn có đứa nào tới bắt nạt thì em chạy sang...
Chưa nghe xong câu tôi đã hếch răng, xì một hơi rõ dài và với cái điệu bộ khinh khỉnh, tôi mắng:
- Hức! Thông ngách sang nhà ta? Nói dễ nghe nhỉ! Chú mày hôi như cú mèo thế này, ta làm sao mà chịu được. Thôi im cái điệu hát mưa dầm sụt sùi đó đi. Ðào tổ nông thì cho chết!
Hướng dẫn làm bài
a. Quan lớn vi phạm lượt lời: Hỏi nhiều câu (4 câu) nhưng không để cho người nghe (binh lính, người nhà quê) trả lời. Cho thấy sự thiếu lịch sự, thiếu tôn trọng trong giao tiếp, biểu thị sự trịch thượng, cậy quyền cậy thế ra dọa dẫm kẻ bề dưới và sự thờ ơ, vô trách nhiệm với vai trò là quan phụ mẫu với dân chúng.
b. Dế Choắt chưa nói dứt câu thì Dế Mèn đã cắt ngang. Cho thấy sự không lịch sự, thiếu tôn trọng. Dấu hiệu dựa vào dấu ba chấm “…” cuối lời nói của Dế Choắt.
Đồng thời biểu thị thái độ của Dế Mèn khi nói chuyện với Dế Choắt: không biết lắng nghe người khác và thiếu sự bình tĩnh trong giao tiếp
Bài trước: Tìm hiểu yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận (Bài tập Tiếng Việt - Tập làm văn 8) Bài tiếp: Luyện tập: đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận (Bài tập Tiếng Việt - Tập làm văn 8)