Trang chủ > Lớp 7 > Đề kiểm tra Ngữ Văn 7 (có đáp án) > Đề thi Ngữ văn lớp 7 Học kì 2 (có đáp án - Đề 2) - Ngữ Văn Lớp 7

Đề thi Ngữ văn lớp 7 Học kì 2 (có đáp án - Đề 2) - Ngữ Văn Lớp 7

Đề thi Ngữ văn lớp 7 Học kì 2
Môn: Ngữ Văn lớp 7
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề 2)
I. Trắc nghiệm (3 điểm)
1. Trạng ngữ trong câu “Cối xay tre nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc” thuộc loại nào?
a. Trạng ngữ chỉ thời gian
b. Trạng ngữ chỉ nơi chốn
c. Trạng ngữ chỉ nguyên nhân
d. Trạng ngữ chỉ mục đích.
2. Thế nào là câu chủ động?
a. Câu có chủ ngữ chỉ người, vật được hành động của một người khác hướng vào.
b. Câu có chủ ngữ chỉ người, vật thực hiện một hành động hướng vào người, vật khác.
c. Câu có thể rút gọn thành phần chủ ngữ.
d. Câu có thể rút gọn thành phần vị ngữ.
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi 3 - 4
Con người của Bác, đời sống của Bác giản dị như thế nào, mọi người chúng ta đều biết: bữa cơm, đồ dùng, cái nhà, lối sống. Bữa cơm chỉ có vài ba món rất giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hột cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất.
(Ngữ văn 7 tập 2)
3. Đoạn văn trên được trích ra từ tác phẩm nào?
a. Ý nghĩa văn chương
b. Sự giàu đẹp của Tiếng Việt
c. Đức tính giản dị của Bác Hồ
d. Tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
4. Câu văn: “Con người của Bác, đời sống của Bác giản dị như thế nào, mọi người chúng ta đều biết: bữa cơm, đồ dùng, cái nhà, lối sống” sử dụng phép tu từ nào?
a. Ẩn dụ
b. Hoán dụ
c. Tương phản
d. Liệt kê
5. Câu nào sau đây không phải là tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất?
a. Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ
b. Học thầy không tày học bạn
c. Tấc đất tấc vàng
d. Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa
6. Câu nào sau đây không phải là câu đặc biệt?
a. Mùa xuân là tết trồng cây
b. Mùa xuân!
c. Một hồi còi.
d. Chị Lan ơi!
II. Tự luận (7 điểm)
1. Chép lại 2 câu tục ngữ về con người và xã hội trong chương trình Ngữ văn 7, kì II. (1đ)
2. Nêu ngắn gọn giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của văn bản “Ca Huế trên sông Hương”. (2đ)
3. Viết bài văn ngắn giải thích câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách (4đ)
Đáp án và thang điểm
I. Phần trắc nghiệm
123456
abcdba
II. Phần tự luận
1. Học sinh chép đúng 2 câu tục ngữ về con người và xã hội trong chương trình Ngữ văn 7, kì II. (1đ)
2. Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của văn bản “Ca Huế trên sông Hương”
- Giá trị nội dung:
+ Hiểu được giá trị văn hóa, nghệ thuật của ca Huế cũng như vẻ đẹp của con người xứ Huế: khung cảnh và sân khấu đặc biệt một buổi ca Huế trên sông Hương trong một đêm trăng thơ mộng; ca Huế là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển; con người Huế tài năng, tinh tế. (1đ)
- Giá trị nghệ thuật:
+ Thể loại bút kí.
+ Ngôn ngữ giàu hình ảnh, biểu cảm, mang đậm chất thơ.
+ Miêu tả âm thanh, cảnh vật, con người sinh động. (1đ)
3. Viết bài văn ngắn giải thích câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách :
a. Mở bài: Giới thiệu câu tục ngữ với ý nghĩa thể hiện tình thương yêu, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn.
Trích dẫn câu tục ngữ.
b. Thân bài:
- Giải thích cần bảo đảm những nội dung cơ bản sau:
+ Nghĩa đen: Câu tục ngữ nói về một hiện tượng bình thường, thân thuộc trong cuộc sống: Khi gói bánh, gói hàng, người ta thường đặt những lớp lá lành lặn ở phía ngoài để bao bọc những lớp lá rách bên trong.
+ Nghĩa bóng: Lá lành – lá rách là hình ảnh tượng trưng cho những con người ở hai hoàn cảnh khác nhau: yên ổn, thuận lợi – khó khăn, hoạn nạn. Bằng lối nói hình ảnh, ông bà xưa muốn khuyên chúng ta phải biết trợ giúp, đùm bọc những người không may lâm vào cảnh khó khăn, cơ nhỡ.
- Lá lành phải đùm lá rách:
+ Thể hiện quan niệm sống tốt đẹp, tình nghĩa, một vấn đề đạo lí.
+ Thờ ơ với những khổ đau, bất hạnh của người khác là tội lỗi.
+ Sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cảnh khó khăn, hoạn nạn là cơ sở của tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm.
- Giúp đỡ những người hoạn nạn phải xuầt phát từ lòng cảm thông chân thành chứ không bằng thái độ ban ơn, bố thí. Trái lại người được giúp đỡ cũng không nên ỷ lại mà phải chủ động vượt qua khó khăn. Giúp đỡ nhau có thể bằng nhiều cách (vật chất hay tinh thần) và tuỳ vào khả năng của bản thân.
c. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề. Liên hệ rút ra bài học cho bản thân.