Trang chủ
> Lớp 7
> Đề kiểm tra Ngữ Văn 7 (có đáp án)
> Đề kiểm tra tập làm văn số 5 lớp 7 Học kì 2 (có đáp án - Đề 1) - Ngữ Văn lớp 7
Đề kiểm tra tập làm văn số 5 lớp 7 Học kì 2 (có đáp án - Đề 1) - Ngữ Văn lớp 7
Đề kiểm tra Tập làm văn số 5 lớp 7 Học kì 2
Môn: Ngữ Văn lớp 7
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề 1)
Đề bài: Dân gian ta có câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Em hãy viết bài văn chứng minh truyền thống đạo lí tốt đẹp đó của dân tộc ta.
Hướng dẫn chấm:
- Viết bài văn nghị luận chứng minh. Yêu cầu: biết cách dùng từ, đặt câu, hành văn lưu loát. Về cơ bản, phải nêu được các nội dung sau:
a. Mở bài (0.5đ)
- Giới thiệu khái quát 2 câu tục ngữ: Dân tộc Việt Nam ta từ xưa đến nay vốn có rất nhiều truyền thống tốt đẹp, một trong số đó là luôn biết ơn, trân trọng và ghi nhớ công lao của những người đã gây dựng nên thành quả để hôm nay chúng ta được thụ hưởng.
- Dẫn ra 2 câu tục ngữ.
b. Thân bài (9đ)
- Giải thích 2 câu tục ngữ: (3đ)
"Ăn quả nhớ kẻ trồng cây":
+ Nghĩa đen: khi chúng ta được hưởng cây trái ngọt lành, ta cần nhớ đến công lao vun trồng, chăm bón, tưới tiêu của người nông dân “đắp đập, be bờ trồng cây” để ta hái trái. (0.5đ)
+ Nghĩa bóng: Thông qua hình ảnh ẩn dụ người ăn quả – kẻ trồng cây, ông cha muốn nhắn gửi một bài học về cuộc sống đó là khi ta hưởng thụ thành quả không phải do mình làm ra, ta phải luôn biết trân trọng và tìm cách báo đáp công lao của người làm ra những thành quả ấy. Đó là một bài học lớn về nhân cách con người, về đạo lí làm người trong cuộc sống. (1.0đ)
Uống nước nhớ nguồn:
+ Nghĩa đen: khi chúng ta được hưởng những dòng nước mát lành, thanh khiết, cần nhớ đến người đã khởi nguồn dòng nước ấy cho ta thụ hưởng. (0.5đ)
+ Nghĩa bóng: nước là khởi nguồn của sự sống. Con người không thể sống mà thiếu đi thành phần thiết yếu ấy. Thông qua 2 hình ảnh ẩn dụ “nước” và “nguồn” cha ông ta muốn nhắc nhở: con người phải biết nhớ về cội nguồn sinh dưỡng, nhớ về truyền thống dựng xây để báo đáp những người đã truyền cho ta sự sống. (1.0đ)
- Chứng minh: (5đ)
+ Bác Hồ đã từng dạy “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữa lấy nước”. Từ xa xưa, trong lịch sử dân tộc, các đời vua Hùng đã không ngừng đấu tranh dựng nước và giữ nước, chúng ta hôm nay được sống trong hòa bình, cần ghi nhớ ông ơn. Dân tộc ta đã dành trọn vẹn 1 ngày để thể hiện lòng biết ơn với các vị vua ấy: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”. (1.0đ)
+ Trong thời kì phong kiến, dân tộc ta đã phải đối phó với nhiều kẻ thù xâm lược. 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ đồng bao ta đã hy sinh không biết bao nhiêu xương máu. Lịch sử được viết nên bằng máu và nước mắt ấy chính là những minh chứng hùng hồn nhất để những người con được sống trong hòa bình như chúng ta hướng về bằng cả tấm lòng trân quý và biết ơn sâu sắc. (1.0đ)
+ Xã hội chúng ta có ngày dành riêng để tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì hòa bình dân tộc là ngày Thương binh liệt sĩ 27 -7, ngày tôn vinh những nghề nghiệp trong xã hội: đó là ngày tôn vinh “Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” – ngày 20 -11 tri ân thầy cô giáo - những người lái đò thầm lặng, ngày thầy thuốc Việt Nam… ăn bát cơm người nông dân làm ra trong “một nắng hai sương” “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chúng ta phải biết trân trọng hạt gạo, biết ơn những người đã đổ mồ hôi công sức cho những hạt mầm mãi xanh tươi. Từ đó sống sống tiết kiệm, không phung phí, sống có trách nhiệm, sống chan hòa tình cảm, yêu thương quý trọng mọi người. (2.0đ)
+ Bài học về cách đối nhân xử thế dành cho mỗi người: từ gia đình đến ra ngoài xã hội, cần biết tôn trọng lẫn nhau, trân trọng những thành quả của người đi trước, ghi nhớ công sức của người làm ra nó… (1.0đ)
- Liên hệ bản thân em, rút ra bài học. Thế hệ trẻ hôm nay cần phải biết giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy để thế hệ mai sau sẽ tự hào tiếp bước, phát huy tinh thần, nhân cách, phẩm chất và đạo đức của con người Việt Nam. (1.0đ)
c. Kết bài (0.5đ)
Khẳng định một lần nữa giá trị của câu tục ngữ.