Trang chủ > Lớp 7 > Đề kiểm tra Ngữ Văn 7 (có đáp án) > Đề thi Ngữ văn lớp 7 Học kì 1 (có đáp án - Đề 1) - Ngữ Văn Lớp 7

Đề thi Ngữ văn lớp 7 Học kì 1 (có đáp án - Đề 1) - Ngữ Văn Lớp 7

Đề thi Ngữ văn lớp 7 Học kì 1

Môn: Ngữ Văn lớp 7

Thời gian làm bài: 60 phút

(Đề 1)

Phần I. Văn bản

Câu 1: (1 điểm)

Chép lại nguyên văn phần dịch thơ của bài thơ: “Sông núi nước Nam” (Nam quốc sơn hà) của Lí Thường Kiệt.

Câu 2: (1 điểm)

Vì sao bài thơ “Sông núi nước Nam” được coi như là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta? Từ bài thơ đó em có suy nghĩ gì về trách nhiệm của bản thân đối với đất nước?

Phần II. Tiếng Việt

Câu 1: (1 điểm)

Điệp ngữ là gì?

Câu 2: (1 điểm)

Tìm và chỉ ra tác dụng của phép điệp ngữ được sử dụng trong đoạn thơ sau:

Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai nhảy ổ:

Cục cục tác cục ta

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ.

(Trích “Tiếng gà trưa” – Xuân Quỳnh)

Phần III. Tập làm văn

Đề bài: Cảm nghĩ về bà (bà nội hoặc bà ngoại) của em.

Đáp án và Thang điểm

Phần I. Văn bản

Câu 1: (1 điểm) Chép lại nguyên văn phần dịch thơ của bài thơ: “Sông núi nước Nam” (Nam quốc sơn hà) của Lí Thường Kiệt:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây

Chúng mày nhất định phải tan vỡ

Câu 2: (1 điểm)

Sông núi nước Nam được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta bởi bài thơ đã nêu rõ chủ quyền dân tộc: sông núi riêng, lãnh thổ riêng, có vua đứng đầu cai quản. (0,5 điểm)

Bài thơ là lời cảnh báo đanh thép tới kẻ thù xâm lược

- Nhiệm vụ của bản thân: cố gắng học tập, rèn luyện nâng cao hiểu biết, sức mạnh trí tuệ, tinh thần, cũng như thể chất để góp phần kiến tạo đất nước ngày một hùng mạnh hơn (0,5 điểm)

Phần II. Tiếng Việt

Câu 1: (1 điểm)

Điệp ngữ là biện pháp lặp lại từ ngữ (hay cả một câu) trong nói hoặc viết. Cách lặp lại như vậy gọi là phép điệp ngữ, từ ngữ được lặp lại gọi là điệp từ. (0,5 điểm)

Câu 2: (1 điểm)

– Tìm đúng phép điệp ngữ: điệp từ “nghe” 3 lần. (0,5 điểm)

– Tác dụng của phép điệp ngữ: Phép điệp ngữ trong đoạn thơ nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của tiếng gà trưa, nghe thấy tiếng gà trưa khiến cho người chiến sĩ cảm thấy xao động, đỡ mệt mỏi, gợi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. (0,5 điểm)

Phần III. Tập làm văn

a. Mở bài: Giới thiệu khái quát về đối tượng biểu cảm. (1,5 điểm)

– Cảm xúc chung về đối tượng (Bà là người mà em yêu quý nhất)

b. Thân bài: (3 điểm)

– Miêu tả những nét tiêu biểu về ngoại hình:

+ Tuổi tác

+ Mái tóc, gương mặt, đôi mắt, nụ cười.

– Bà là người hết lòng yêu thương con cháu.

– Bà tần tảo đảm đang nuôi các con nên người.

– Giúp các con chăm sóc, nuôi dạy các cháu ngoan ngoãn, khỏe mạnh.

– Thái độ của mọi người đối với bà:

+ Mọi người ai cũng đều yêu quý và kính trọng bà.

– Kể lại, nhắc lại một vài đặc điểm về (thói quen) tính tình và phẩm chất của người ấy.

– Tình cảm của em đối với bà: Bà là chỗ dựa tinh thần vững chắc và tin cậy của em.

– Em thường xin ý kiến của bà trong mọi công việc.

– Kể lại những kỉ niệm đáng nhớ giữa em và người ấy.

– Nêu lên những suy nghĩ và mong muốn của em về mối quan hệ giữa em và bà.

c. Kết bài: (1,5 điểm)

– Cảm nghĩ về bà

– Tài sản quý báu nhất mà bà để lại cho con cháu là nếp sống. Tình cảm của em dành cho bà.