Trang chủ > Lớp 7 > Đề kiểm tra Ngữ Văn 7 (có đáp án) > Đề kiểm tra 1 tiết Tiếng Việt lớp 7 Học kì 2 (có đáp án - Đề 4) - Ngữ Văn lớp 7

Đề kiểm tra 1 tiết Tiếng Việt lớp 7 Học kì 2 (có đáp án - Đề 4) - Ngữ Văn lớp 7

Đề kiểm tra 1 tiết Tiếng Việt lớp 7 Học kì 2
Môn: Ngữ Văn lớp 7
Thời gian làm bài: 45 phút
(Đề 4)
I. Trắc nghiệm (3 điểm)
1. Câu đặc biệt thường sử dụng để:
a. Xác định thời gian, nơi chốn diễn ra sự việc được nói đến trong đoạn.
b. Liệt kê, thông báo sự tồn tại của sự vật, hiện tượng.
c. Bộc lộ cảm xúc, gọi đáp.
d. Cả 3 mục đích trên
2. Trạng ngữ trong câu: "Trước mặt cô giáo, con đã thiếu lễ độ với mẹ" bổ sung ý nghĩa gì cho câu?
a. Nguyên nhân diễn ra các hành động được nói đến trong câu.
b. Cách thức diễn ra các hành động được nói đến trong câu.
c. Mục đích thực hiện các hành động được nói đến trong câu.
d. Nơi chốn diễn ra các hành động được nói đến trong câu.
3. Trong những câu sau đây, câu nào là câu rút gọn?
a. Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa.
b. Người ta là hoa đất.
c. Học ăn, học nói, học gói, học mở.
d. Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân.
4. Câu “Bình tĩnh, em mở sách ra tìm đọc lại câu chuyện” có sử dụng loại trạng ngữ nào?
a. Trạng ngữ chỉ cách thức.
b. Trạng ngữ chỉ thời gian.
c. Trạng ngữ chỉ nơi chốn.
d. Trạng ngữ chỉ mục đích.
Đọc đoạn văn sau đây và trả lời các câu hỏi từ 5 – 6.
Tháng mười.
Trên những nương cao, mạch ba góc mùa thu chín đỏ sậm. Trong lũng nhỏ, lúa vàng chói chang, bồng bồng như bọt nước. Bếp nhiều nhà thành lò rèn, chí chát đêm ngày tiếng búa đập. Chè trên núi lại sắp vào vụ mới, búp tơ đã nhu nhú.
Can Chư Sủ dậy sớm. Lặng lẽ nghe những âm thanh quen thuộc quanh mình.
(Theo Ma Văn Kháng, Vùng biên ải)
5. Câu “Lặng lẽ nghe những âm thanh thân thuộc quanh mình” thuộc loại câu gì?
a. Câu đơn thông thường.
b. Câu rút gọn.
c. Câu đặc biệt.
d. Câu ghép.
6. Trong những câu sau đây, câu nào là câu đặc biệt?
a. Tháng mười.
b. Trên những nương cao, mạch ba góc mùa thu chín đỏ sậm.
c. Trong lũng nhỏ, lúa vàng chói chang, bồng bồng như bọt nước.
d. Bếp nhiều nhà thành lò rèn, chí chát ngày đêm tiếng búa đập.
II. Tự luận (7 điểm)
1. Đặt 2 câu trong đó có sử dụng một câu đặc biệt và một câu rút gọn (2 điểm).
2. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 7 – 10 câu) giải thích câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” trong đó có sử dụng một câu rút gọn và một câu đặc biệt, gạch chân dưới các câu đó. (5đ)
Đáp án và thang điểm
I. Trắc nghiệm
123456
ddcaba
II. Tự luận:
1. Học sinh đặt được câu đúng về cấu tạo, phù hợp về nghĩa:
- 1 câu rút gọn (1đ)
- 1 câu đặc biệt (1đ)
2. Viết đoạn văn giải thích câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Yêu cầu biết dùng từ, đặt câu, viết văn lưu loát (3đ)
Tham khảo gợi ý sau:
- Nghĩa đen: dù đói vẫn phải ăn miếng ăn sạch sẽ, rách cũng nên giữ cho áo quần thơm tho.
- Nghĩa bóng: Dù trong nghịch cảnh nào cũng phải giữ vững phẩm chất, kiên định, tinh thần trong sạch. Đói và rách tượng trưng cho cuộc sống nghèo nàn. Trong cảnh ngộ ấy, nhân cách con người dễ bị tha hóa. Do vậy con người càng cần phải giữ vững phẩm giá, bản chất lương thiện.
- Từ 2 hình ảnh này, câu tục ngữ đưa ra lời khuyên: Dù trong bất kì hoàn cảnh khó khăn nào, con người cũng phải giữ cho tinh thần mình được trong sạch, khẳng định một nhân cách cao đẹp, đáng quý.
- Là sự tự khẳng định và đề cao phẩm gía người lao động.
- Học sinh sử dụng câu đặc biệt và câu rút gọn (1.5đ)
- Học sinh gạch chân dưới câu đặc biệt và câu rút gọn đó (0.5đ)