Trang chủ > Lớp 12 > Giải BT Vật Lí 12 nâng cao > Bài 16: Giao thoa sóng - Giải BT Vật Lí 12 nâng cao

Bài 16: Giao thoa sóng - Giải BT Vật Lí 12 nâng cao

Bài C1 (trang 84 SGK Vật Lí 12 nâng cao): Dựa trên việc quan sát hiện tượng sóng dừng trên dây, ta có thể nhận biết những đặc điểm gì của sóng?

Bài giải:

Dựa trên việc quan sát hiện tượng sóng dừng trên dây, ta có thể nhận thấy sóng khi truyền đến gặp một vật cản thì sóng sẽ bị phản xạ. Do đó, một điểm trên dây sẽ có sự dao động tổng hợp của 2 dao động do sóng tới và sóng phản xạ gây ra.

Bài C2 (trang 85): Một phần tử tại điểm M trên mặt nước sẽ dao động thế nào nếu cùng một lúc:

a) Gợn lồi gặp gợn lồi?

b) Gợn lõm gặp gợn lõm?

c) Gợn lồi gặp gợn lõm?

Bài giải:

a) Chỗ gợn lồi gặp gợn lồi là những điểm mà hai dao động tăng cường nhau (đồng pha nhau) nên tại đó nó sẽ dao động với biên độ cực đại.

b) Chỗ gợn lõm gặp gợn lõm là những điểm mà hai dao động tăng cường nhau (đồng pha nhau) nên tại đó nó sẽ dao động với biên độ cực đại.

c) Chỗ gợn lồi gặp gợn lõm là những điểm mà hai dao động triệt tiêu nhau (ngược pha nhau) nên tại đó nó sẽ dao động với biên độ cực tiểu.

Bài C3 (trang 87): Làm thí nghiệm và quan sát kỹ để chỉ ra đường nào là đường nối các điểm dao động với biên độ cực đại, đường nào là đường nối các điểm với biên độ cực tiểu.

Bài giải:

Khi quan sát kỹ ta thấy đường trung trực của đoạn thẳng nối 2 nguồn sóng là đường nối các điểm dao động với biên độ cực đại (gọi là vân cực đại ở chính giữa). Từ đó, ta chỉ ra được các vân cực đại tiếp theo ở cách đều 2 bên vân chính giữa: ở giữa hai vân cực đại là vân cực tiểu (là đường nối các điểm dao động có biên độ cực tiểu).

Bài C4 (trang 87): Hình 16.4 là ảnh chụp mặt nước khi có giao thoa sóng. Tại sao ở đây các vân giao thoa không phải là những đường liền nét như khi nhìn trực tiếp bằng mắt thường?

Bài giải:

Do chụp hình có hiện tượng trùng phùng với các dao động trên mặt nước nên ở đây các vân giao thoa không phải là những đường liền nét như khi nhìn trực tiếp bằng mắt thường.

Câu 1 (trang 88 sgk Vật Lí 12 nâng cao): Hãy giải thích hiện tương tạo thành vân giao thoa trên mặt nước.

Bài giải:

Dùng một nhánh hình chữ U bằng thép đàn hồi, ở đầu hai nhánh chữ U có hai quả cầu nhỏ chạm nhẹ vào mặt nước trong khay. Cho thanh thép dao động duy trì với tần số xác định thì hai quả cầu dao động theo và truyền cho mặt nước hai dao động cùng phương, cùng tần số, cùng pha, cùng biên độ, tạo ra hai sóng tròn cùng tần số và cùng bước sóng.

Hai sóng này giao thoa với nhau, mỗi điểm trên mặt nước có sóng tổng hợp. Nếu 2 sóng thành phần tại vị trí đó cùng pha với nhau thì biên độ sóng cực đại, hay ngược pha với nhau thì biên độ sóng cực tiểu.

Tập hợp các điểm dao động có biên độ cực đại và có biên độ cực tiểu là các vân giao thoa dạng đường hypebol.

Câu 2 (trang 88): Giải thích tại sao hai sóng mặt nước xuất phát từ nguồn kết hợp giao nhau lại không tạo thành vân giao thoa.

Bài giải:

Hai sóng mặt nước xuất phát từ hai nguồn không kết hợp giao với nhau lại không tạo thành vân giao thoa bởi vì: Nếu không phải là sóng kết hợp thì độ lệch pha ∆φ của hai nguồn luôn luôn thay đổi theo thời gian nên vị trí của các điểm cực đại hay cực tiểu luôn biến đổi vì vậy không có vân giao thoa có vị trí ổn định.

Bài 1 (trang 89 sgk Vật Lí 12 nâng cao): Điều kiện có giao thoa sóng là

A. Hai sóng chuyển động ngược chiều giao nhau.

B. Hai sóng cùng tần số và có độ lệch pha không đổi giao nhau.

C. Hai sóng có cùng bước sóng giao nhau.

D. Hai sóng có cùng biên độ, cùng tốc độ giao nhau.

Bài giải:

Đáp án đúng là: B

Giải thích: Điều kiện để có hiện tượng giao thoa sóng là hai sóng phải xuất phát từ hai nguồn dao động có cùng tần số, cùng phương dao động và có độ lệch pha không đổi theo thời gian.

Bài 2 (trang 89): Hai sóng kết hợp là:

A. Hai dóng chuyển động cùng chiều với tốc độ

B. Hai sóng luôn đi kèm với nhau.

C. Hai sóng có cùng tần số và có độ lệch pha không đổi theo thời gian

D. Hai sóng cùng bước sóng và có độ lệch pha biến thành tuần hoàn.

Bài giải:

Đáp án đúng là: C

Hai sóng kết hợp là hai sóng có cùng tần số và có độ lệch pha không đổi theo thời gian

Bài 3 (trang 89): Khi một sóng mặt nước gặp một khe chắn hẹp có kích thước nhỏ hơn bước sóng thì:

A. Sóng vẫn tiếp tục truyền thẳng khe.

B. Sóng gặp khe bị phản xạ lại

C. Sóng truyền qua khe giống như khe là một tâm phát sóng mới.

D. Sóng gặp khe sẽ dung lại.

Bài giải:

Đáp án đúng là: C

Bài 4 (trang 89): Trong một thí nghiệm tạo vân thoa trên sóng nước, người ta dùng hai nguồn dao động pha có tần số 50 Hz và đo được khoảng cách giữa hai vân cực tiểu liên tiếp nằm trên đường nối liền tâm dao động là 2 mm. Tìm bước sóng và tốc độ truyền sóng.

Bài giải:

Tương tự như sóng dừng. Trên đường nối liền tâm dao động vân lồi ứng với bụng sóng, vân lõm ứng với nút sóng. Khoảng cách giữa hai vân lồi liên tiếp (hoặc hai vân lõm liên tiếp) là khoảng cách giữa hai bụng, bằng nửa bước sóng.

Do đó bước sóng có độ dài là: λ = 2.2 = 4mm.

Tốc độ truyền sóng là:

v = λ. f = 4.50 = 200mm/s = 0,2m/s