Trang chủ > Lớp 7 > Giải BT Sinh học 7 > Bài 18: Trai sống - trang 63 Sinh học 7

Bài 18: Trai sống - trang 63 Sinh học 7

Bài 18: Trai sông

Trả lời câu hỏi Sinh 7 Bài 18 trang 63: Quan sát hình 18.1,2,3, thảo luận và trả lời các câu hỏi sau

- Để mở vỏ trai quan sát bên trong cơ thể, phải làm thế nào? Trai chết thì vỏ mở, tại sao?

- Mài mặt vỏ trai thì thấy có mùi khét, vì sao?

Hướng dẫn giải:

- Nhờ có bản lề có dây chằng và 2 cơ khép vỏ → vỏ trai đóng mở. Muốn mở vỏ trai phải luồn dao vào qua khe rồi cắt lớp cơ khép vỏ. Sự đóng mở là do tính tự động của trai. Vì vậy, khi trai chết tính tự động không còn nên vỏ mở.

- Mài mặt vỏ trai thì ngửi thấy có mùi khét là do phía ngoài cùng của vỏ trai là lớp sừng, nên khi mài chúng sẽ ngửi thấy mùi khét.

Trả lời câu hỏi Sinh 7 Bài 18 trang 63: Quan sát hình 18.4, giải thích cơ chế giúp trai di chuyển được trong bùn theo chiều mũi tên?

Hướng dẫn giải:

Để di chuyển, vỏ trai hé mở cho chân trai hình lưỡi rìu thò ra. Nhờ chân trai thò ra, thụt vào, kết hợp với động tác đóng mở vỏ trai → di chuyển chậm chạp trong bùn.

Trả lời câu hỏi Sinh 7 Bài 18 trang 64: Quan sát hình 18.3,4, trả lời các câu hỏi sau:

- Dòng nước qua ống hút vào khoang áo mang theo những gì vào miệng trai và mang trai?

- Trai lấy mồi ăn (thường là vụn hữu cơ, động vật nguyên sinh) và oxi chỉ nhờ vào cơ chế lọc từ nước hút vào, vậy đó là kiểu dinh dưỡng gì (chủ động hay thụ động)?

Hướng dẫn giải:

- Dòng nước qua ống hút vào khoang áo mang theo nước, khí (ôxi, cacbonic), thức ăn (vụn hữu cơ, động vật nguyên sinh) vào miệng trai và mang trai.

- Trai lấy mồi ăn (thường là vụn hữu cơ, động vật nguyên sinh) và ôxi chỉ nhờ vào cơ chế lọc từ nước hút vào, vậy đó là kiểu dinh dưỡng chủ động. Do chúng chủ động hút nước vào và thải nước ra, và chủ động lấy thức ăn, ôxi trong nước.

Trả lời câu hỏi Sinh 7 Bài 18 trang 64: Thảo luận, trả lời các câu hỏi sau:

- Ý nghĩa của giai đoạn trứng phát triển thành ấu trùng trong mang của trai mẹ?

- Ý nghĩa của giai đoạn ấu trùng bám vào mang và da cá?

Hướng dẫn giải:

- Giai đoạn trứng và ấu trùng phát triển trong mang của trai mẹ để bảo vệ trứng và ấu trùng không bị động vật khác ăn mất. Hơn nữa, đây là môi trường giàu chất dinh dưỡng và thức ăn.

- Ở giai đoạn trưởng thành, trai ít di chuyển. Vì thế ấu trùng có tập tính bám vào da cá để di chuyển đến nơi xa. → Đây chính là hình thức phát tán nòi giống.

Bài 1 (trang 64 sgk Sinh học 7): Trai tự vệ bằng cách nào? Cấu tạo nào của trai đảm bảo cách tự vệ đó có hiệu quả?

Hướng dẫn giải:

Cách tự vệ của trai như sau: Khi gặp nguy hiểm, trai co chân, khép vỏ để bảo vệ phần mềm bên trong. Nhờ có vỏ cứng rắn và hai cơ khép vỏ vững chắc nên kẻ thù không thể bửa vỏ ra để ăn phần mềm của cơ thể trai.

Bài 2 (trang 64): Cách dinh dưỡng của trai có ý nghĩa như thế nào với môi trường nước?

Hướng dẫn giải:

Ý nghĩa, vai trò trong cách dinh dưỡng của trai đối với môi trường như sau: Trai hút nước để lọc lấy vụn hữu cơ, động vật nguyên sinh, các động vật nhỏ khác có tác dụng lọc sạch môi trường nước.

Ở những vùng nước ô nhiễm, người ăn trai (sò cũng vậy) hay bị ngộ độc vì khi lọc nước lấy thức ăn chúng cũng giữ lại nhiều chất độc trong cơ thể.

Bài 3 (trang 64): Nhiều ao đào thả cá, trai không thả mà tự nhiên có, tại sao?

Hướng dẫn giải:

Nhiều ao đào thả cá, trai không thả mà tự nhiên có là vì ấu trùng trai thường bám vào mang và da cá. Khi thả cá vào ao mới, trên mang và da cá đã mang ấu trùng trai nên ấu trùng trai lớn lên và phát triển bình thường.