Trang chủ > Lớp 5 > Giải Cùng em học Tiếng Việt lớp 5 > Tuần 35 trang 63, 64, 65, 66 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2

Tuần 35 trang 63, 64, 65, 66 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2

Bài 1 (trang 63 Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2): Đọc bài sau và trả lời câu hỏi?

Hạnh phúc của người cha

Có một chàng trai trẻ sắp tốt nghiệp đại học. Trong nhiều tháng nay, anh ta luôn ước có một chiếc xe ô tô thể thao tuyệt đẹp đang để ở phòng trưng bày mẫu hàng. Anh cũng biết rằng cha mình có thừa khả năng mua nó. Bởi thế, anh quyết định nói ra điều mong ước của mình với hi vọng rằng, cha sẽ tặng nó cho anh vào đúng lễ tốt nhiệp.

Ngày mong ước cuối cùng cũng tới, chàng trai trẻ chờ đợi trong hồi hộp với những dấu hiệu cho thấy cha anh đã mua chiếc xe. Vào buổi sáng ngày tốt nghiệp, người cha gọi chàng trai vào phòng và nói ông tự hào như thế nào khi có một người con trai giỏi giang và ngoan ngoãn như anh. Rồi ông trao cho anh một hộp quà được gói rất đẹp.

Chàng trai mở quà trong hồi hộp, kì vọng xen lẫn tò mò, nhưng trái với mong ước của anh, bên trong hộp quà chỉ là quyển Kinh Thánh bọc da có khắc chữ nổi tên anh bằng vàng.

Giận dữ, chàng trai lớn tiếng với người cha đáng kính: “Với tất cả số tiền của cha, cha chỉ có thể cho con một quyển Kinh Thánh thôi ư? ” rồi lao ra khỏi nhà và vứt lại món quà.

Nhiều năm trôi qua, chàng trai trẻ giờ đã trở thành doanh nhân thành đạt. Anh có một ngôi nhà đẹp, một gia đình hạnh phúc và chợt nhận ra rằng người cha của mình giờ đã rất già. Có lẽ anh cũng nên đi thăm ông ấy bởi từ ngày bỏ đi đến nay, anh không đến gặp cha lần nào cả. Tiếc rằng, trước khi anh có thể thực hiện được ý định của mình, thì có một cuộc điện thoại báo cha anh đã mất và trong di chúc, ông để lại tất cả tài sản của mình cho con trai.

Chàng trai vội vàng trở về nhưng khi bước vào nhà, cảm giác về một nỗi buồn và sự hối tiếc bất ngờ xâm chiếm. Anh bắt đầu tìm kiếm những giấy tờ quan trọng của người cha, bất chợt anh tìm thấy quyển Kinh Thánh vẫn còn mới, giống hệt như quyển Kinh Thánh anh đã để lại nhiều năm trước.

Trong nước mắt, anh lần mở từng trang giấy. Bỗng một vật rơi ra từ quyển Kinh Thánh. Đó là chiếc chìa khóa ô tô và bên trong quyển sách còn có một cái thẻ tên nhà phân phối chiếc chìa khóa xe thể thao mà anh từng ao ước. Trên thẻ là ngày tốt nghiệp của anh và các chi phí mua xe đã được trả đầy đủ.

Cảm thấy đau nhói nơi trái tim, giờ thì anh đã hiểu: “Trái tim của một người cha luôn tràn ngập tình yêu thương nhưng tình yêu đó lại không thể nói thành lời”.

(Hạt giống tâm hồn)

a) Chàng trai trẻ mong ước điều gì trong lễ tốt nghiệp của mình?

Trả lời:

- Chàng trai trẻ mong ước có một chiếc xe ô tô thể thao tuyệt đẹp đang để ở phòng trưng bày mẫu hàng trong lễ tốt nghiệp của mình.

b) Chàng trai đã có thái độ như thế nào khi nhận được món quà của cha tặng?

Trả lời:

- Khi nhận được món quà của cha tặng, ban đầu chàng trai hồi hộp, kì vọng xen lẫn tò mò nhưng ngay khi mới mở hộp quà ra anh ta đã vội vàng giận dữ, lớn tiếng quát nạt người cha rồi lao ra khỏi nhà và bỏ lại món quà.

c) Qua câu chuyện trên, em rút ra được bài học gì? Khoanh vào ý em chọn.

A. Hãy biết yêu thương, trân trọng những giá trị của cuộc sống mà những người thân yêu dành cho mình.

B. Trước khi làm một điều gì tổn thương đến người khác nhất là người thân của mình hãy suy nghĩ thật thấu đáo.

C. Hãy có thái độ trân trọng khi nhận quà.

Trả lời:

Đáp án: B

Bài 2 (trang 65):

Câu hỏi: Điền từ vào chỗ trống để tạo sự liên kết giữa các câu văn trong đoạn, và cho biết đoạn văn sử dụng phép liên kết nào?

Có một chú gà trống choai có chiếc mào màu đỏ với cái đuôi vểnh lên rất hùng dũng..... rất thích đi du lịch..... rất mong được nhìn thấy biển vì vậy ……… lên kế hoạnh đi du lịch ra biển.

Trả lời:

Có một chú gà trống choai có chiếc mào màu đỏ với cái đuôi vểnh lên rất hùng dũng. Gà trống rất thích đi du lịch và rất mong được nhìn thấy biển vì vậy chú ta lên kế hoạch đi du lịch ra biển.

- Gà trống: lặp lại từ “gà trống” đã xuất hiện ở câu thứ nhất.

- và: sử dụng từ nối

- Chú ta: dùng từ ngữ thay thế cho từ “gà trống”.

Bài 3 (trang 65):

Câu hỏi: Dùng dấu gạch chéo (/) để tách vế câu ghép và cho biết các vế câu ghép đó có quan hệ với nhau như thế nào?

a) Mỗi khi tôi được về quê thăm ngoại, không những tôi rất vui mà trong lòng tôi còn xúc động nữa.

b) Mặc dù quê tôi là một cùng quê nghèo lắm nhưng tôi rất thích được về thăm quê mỗi kì nghỉ hè.

Trả lời:

Tuần 35 trang 63,64,65,66 ảnh 1

Hai vế trong câu ghép có quan hệ tương phản với nhau (Vì có cặp quan hệ từ mặc dù.... nhưng)

Bài 4 (trang 66):

Câu hỏi: Em hãy tả một người bạn thân thiết với em trong những năm em học ở trường tiểu học.

Trả lời:

Từ ngày bước vào ngôi trường tiểu học, tôi đã có thêm rất nhiều người bạn mới. Nhưng những buồn vui, những tâm tư thì tôi chỉ muốn sẻ chia với cô bạn thân Ngọc Ánh của mình.

Ngọc Ánh có thân hình mảnh mai bởi cô bạn có chút yếu ớt. Ấy vậy mà tôi lại thấy vẻ mảnh mai ấy vô cùng dễ thương. Mỗi lần Ánh mặc chiếc áo dài hay mặc váy xòe, trông bạn ấy rất thanh thoát và xinh đẹp. Hồi trước, cô bạn để mái tóc dài ngang lưng, óng mượt như dòng suối nhỏ. Năm học này, cô bạn bỗng thay đổi kiểu tóc khi cắt ngắn ngang vai. Mấy lọn tóc xoăn gợn sóng thi thoảng lại khẽ lòa xòa trên gương mặt trái xoan xinh xắn. Mỗi lần đưa bàn tay bé nhỏ lên vuốt những lọn tóc ấy, Ánh lại mỉm cười hiền dịu. Môi cô bạn nhỏ nhắn, hồng hồng như một bông hoa. Tôi thích nhất đôi mắt của bạn ấy. Đôi mắt đen láy, sâu thẳm. Chẳng hiểu sao tôi thường cảm thấy nỗi buồn luôn ẩn sâu ở đó, ngay cả khi Ánh cười.

Có lẽ, vẻ đượm buồn mà tôi cảm nhận được là do sự dịu dàng, hiền hòa của Ngọc Ánh. Ngày mới vào lớp, tôi chưa thân thiết với Ánh. Một lần, khi lớp tôi đã được cô hướng dẫn viết bút mực, Ánh bị các bạn trêu chọc. Minh “cận” đã giằng chiếc bút khi Ánh đang viết. Ánh chỉ nhìn. Nước mắt giàn giụa trên bầu má căng tròn. Tôi thấy vậy, bèn chạy sang và xòe tay nói với ánh nhìn giận dữ: “Minh cho tớ xin lại bút! ”. Chắc cả Minh, Ánh và các bạn đều ngạc nhiên trước hành động của tôi. Mọi người bèn bảo Minh đưa bút cho tôi. Tôi cầm bút, đặt xuống bàn Ánh. Ánh nhìn tôi với vẻ cảm ơn tha thiết. Từ đó, cô bạn thường bắt chuyện với tôi. Và chẳng biết từ bao giờ, chúng tôi trở nên thân thiết như hình với bóng.

Năm nay đã là năm học cuối cấp. Chúng tôi đã gắn bó với nhau bao tháng năm học tập dưới mái trường này. Tôi thật sự yêu quý Ngọc Ánh. Dù sẽ phải xa nhau, chúng tôi sẽ mãi mãi là bạn thân.

Vui học (trang 66 Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2):

Môi trường chân không

Đang giảng bài, thấy Tèo say sưa nói chuyện, cô giáo gọi.

Cô giáo: Tèo, em hãy cho cô biết cô đang giảng bài gì?

Tèo: Dạ, cô giảng bài về môi trường chân không.

Cô giáo: Thế, môi trường chân không là gì?

Tèo: Thưa cô, môi trường chân không là môi trường không có dép ạ!

Cô giáo: !! !

(Truyện cười học sinh)

*Chia sẻ câu chuyện với bạn, người thân.

*Trao đổi với bạn bè về chi tiết gây cười của truyện.

Trả lời:

Chi tiết gây cười trong truyện xoay quanh khái niệm “môi trường chân không”. Theo khoa học định nghĩa: Môi trường chân không là môi trường không có không khí, không có sự sống và không có trọng lực, …Thế nhưng ở đây bạn Tèo vì không chú ý vào bài học nên đành trả lời câu hỏi của cô giáo rằng: Môi trường chân không là môi trường không có dép. Tiếng cười được đẩy lên cao trào đỉnh điểm ở câu trả lời của Tèo.