Trang chủ > Lớp 5 > Giải Cùng em học Tiếng Việt lớp 5 > Tuần 22 trang 15, 16, 17, 18 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2

Tuần 22 trang 15, 16, 17, 18 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2

Bài 1 (trang 15 Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2): Đọc bài sau và trả lời câu hỏi?

Những vòng tròn

Nhớ hồi tôi chừng 7 tuổi, ông nội dẫn tôi đến bên hồ cá trong trang trại rồi bảo tôi thử ném 1 viên đá xuống nước. Sau đó, ông bảo tôi quan sát những vòng tròn tỏa ra trên mặt nước bởi chính viên đá vừa ném. Rồi ông bảo tôi:

- Cháu hãy thử hình dung mình như viên đá kia. Trong đời, cháu cũng có thể tạo ra rất nhiều vòng tròn xao động và chúng sẽ ảnh hưởng đến sự yên bình của tất cả những người xung quanh.

Và rồi ông tiếp tục:

- Hãy luôn nhớ rằng cháu là người chịu trách nhiệm về những gì cháu đã đặt vào trong vòng tròn của chính mình và vòng tròn đó cũng sẽ lan tỏa và chạm vào rất nhiều vòng tròn khác. Vì vậy, hãy sống sao cho những điều tốt đẹp mà vòng tròn của cháu tạo nên được gửi đi như những thông điệp của hòa bình và nhân ái đến khắp mọi người. Ngược lại, những xao động sinh ra từ sự giận dữ hoặc ganh tị chắc chắn sẽ lan tỏa và ảnh hưởng đến những vòng tròn khác. Do đó, cháu cần phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với tất cả những điều trên.

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra rằng sự yên bình nội tại hay sự bất an trong mỗi con người đều chảy ra thế giới. Vì thế sẽ không thể tạo nên một thế giới hòa bình khi chúng ta đang còn bị vướng bận bởi những xung đột nội tại, hận thù, hồ nghi hay giận dữ bên trong đầu cho những xúc cảm hay ý nghĩ đó có được nói ra hay không.

Mọi khuấy động xung quanh những vòng tròn diễn ra trong mỗi chúng ta đều tràn ra thế giới rộng lớn này, hoặc để tô vẽ thêm vẻ đẹp cho cuộc sống, hoặc cản trở, phá vỡ những vòng tròn khác…

(Hạt giống tâm hồn)

a) Người ông đã làm gì với bạn nhỏ?

Trả lời:

- Người ông đã dẫn bạn nhỏ đến bên một hồ cá trong trang trại rồi bảo bạn nhỏ ném thử 1 viên đá xuống nước. Sau đó ông bảo tôi quan sát những vòng tròn toả ra trên mặt nước bởi chính viên đá bị ném.

b) Người ông đã nói với cháu điều gì sau khi bảo cháu quan sát những vòng tròn tỏa ra trên mặt nước?

Trả lời:

- Người ông đã bảo cháu rằng: “Cháu hãy thử hình dung mình giống như những viên đá kia. Trong đời, cháu cũng có thể tạo ra rất nhiều vòng tròn xao động và chúng sẽ ảnh hưởng đến sự bình yên của tất cả những người xung quanh. ”

c) Tác giả câu chuyện muốn khuyên chúng ta điều gì?

Trả lời:

- Tác giả câu chuyện muốn khuyên chúng ta rằng: Trong cuộc đời, mỗi người đều có mối quan hệ qua lại và tương tác với những người xung quanh. Mỗi một lời nói và hành động dù là nhỏ của mình đều sẽ có thể ảnh hưởng tới những người đó. Bởi vậy hãy sống thật trong sáng, lương thiện và hãy gửi những điều tốt đẹp, những thông điệp tích cực tới khắp mọi người.

Bài 2 (trang 16):

Câu hỏi: Điền quan hệ hoặc cặp quan hệ từ thích hợp chỗ trống để hoàn chỉnh những câu ghép sau:

Trả lời:

a) Mặc dù mẹ đã nhắc nhiều nhưng Hồng vẫn không làm bài tập đầy đủ.

b) em gái tôi rất thích đi xe đạp nhưng nó vẫn sợ không dám đi xe một mình.

c) Tuy ông ở xa em nhưng ông vẫn theo dõi rất sát tình hình học tập của em.

Bài 3 (trang 16):

Câu hỏi: Khoanh vào chữ cái trước quan hệ từ, hoặc cặp quan hệ từ thế hiện mối quan hệ tương phản giữa hai vế câu.

a) tuy... nhưng

b) dù... nhưng

c) tuy

d) dù

e) mặc dù

g) mặc dù... nhưng

h) không những... mà còn.

i) nên

k) nhưng.

Trả lời:

Những quan hệ từ, hoặc cặp quan hệ từ thể hiện mối quan hệ tương phản giữa hai vế là:

a. tuy... nhưng

b. dù... nhưng

g. mặc dù... nhưng

k. nhưng

Bài 4 (trang 16):

Câu hỏi: Khoanh vào chữ cái trước câu ghép có hai vế câu biểu thị quan hệ tương phản.

a) Nếu trời rét thì con phải mặc áo thật ấm.

b) Do cha mẹ quan tâm dạy dỗ nên em bé này rất ngoan.

c) Tuy Nam không được khỏe nhưng Nam vẫn đi học đều.

d) Mặc dù nhà Lan xa nhưng Lan không bao giờ đi học muộn.

Trả lời:

Đáp án: c, d

Bài 5 (trang 17):

Câu hỏi: Thêm vào chỗ trống vế câu thích hợp để được câu ghép chỉ điều kiện (giả thiết) – kết quả:

a)..... thì em sẽ tham gia thi Hội khỏe Phù Đổng.

b) Giá như mọi người đều có ý thức bảo vệ môi trường.....

c) Nếu lớp em đạt danh hiệu thi đua xuất sắc.....

Trả lời:

a) Nếu như mẹ đồng ý thì em sẽ tham gia thi Hội khoẻ Phù Đổng.

b) Giá như mọi người đều có ý thức bảo vệ môi trường thì con sông này đã không bị ô nhiễm nặng như bây giờ.

c) Nếu lớp em đạt danh hiệu thi đua xuất sắc thì cô giáo sẽ tổ chức một buổi dã ngoại cho cả lớp.

Bài 6 (trang 17):

Câu hỏi: Thêm vế câu để hoàn chỉnh các câu ghép sau:

a) Dù mưa có rơi thật nhiều thì....

b) Mặc dù mặt trời đã lên cao, ánh nắng gay gắt nhưng.....

Trả lời:

a) Dù mưa có rơi thật nhiều thì em vẫn nhất quyết phải đến lớp đúng giờ.

b) Mặc dù mặt trời đã lên cao, ánh nắng gay gắt nhưng mặt sân vẫn còn ướt nhẹt.

Bài 7 (trang 17):

Câu hỏi: Kể lại một câu chuyện em đã đọc cho bạn, người thân nghe.

Bài văn tham khảo:

Hôm thứ hai tuần trước em đã kể cho các bạn cùng lớp nghe câu chuyện “Hai người bạn” mà em có dịp được nghe trong chương trình “Quà tặng cuộc sống” ở kênh VTV1.

Truyện kể rằng: Có hai người bạn đang dạo bước trên sa mạc. Trong chuyến đi dài, hai người nói chuyện với nhau và đã có một cuộc tranh cãi gay gắt. Không giữ được bình tĩnh, một người đã tát người bạn của mình. Người kia rất đau nhưng không nói gì. Anh chỉ lặng lẽ viết lên cát rằng: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã tát vào mặt tôi. ” Họ tiếp tục bước đi cho tới khi nhìn thấy một ốc đảo, nơi họ quyết định sẽ dừng chân và tắm mát. Người bạn vừa bị tát do sơ ý bị trượt chân xuống một bãi lầy và ngày càng lún sâu xuống. Nhưng người bạn kia đã kịp thời cứu anh.

Ngay sau khi hồi phục, người bạn suýt chết đuối khắc lên tảng đá dòng chữ: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi. ” Người bạn kia hết sức ngạc nhiên bèn hỏi: “Tại sao khi tớ làm cậu đau, cậu lại viết lên cát còn bây giờ lại là một tảng đá? ”. Và câu trả lời anh nhận được là: “Khi ai đó làm chúng ta đau đớn, chúng ta nên viết điều đó lên cát nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan những nỗi trách hờn. ” Nhưng “Khi chúng ta nhận được điều tốt đẹp từ người khác, chúng ta phải ghi khắc chuyện ấy lên đá nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi. ”

Câu chuyện em vừa kể kết thúc khiến ai cũng hào hứng và tự mình suy nghĩ về bản thân. Chúng ta phải biết học cách viết những nỗi đau lên cát và khắc tạc những niềm vui và hạnh phúc bạn tận hưởng trong cuộc đời lên tảng đá để mãi không phai.

Vui học (trang 18 Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2):

Thân em thì nhỏ tí ti

Các bà, các chị, các dì đều thương.

Em đi, em lại bốn phương

Dọc ngang lắm lối, lách luồn nhiều nơi.

Tấm thân hiến trọn cho người

Sang hèn chẳng chê chuộng, giúp người chẳng quản công.

Là cái gì?

Cùng bạn giải câu đố trên.

Trả lời:

Đó là cái kim.