Trang chủ > Lớp 5 > Giải Cùng em học Tiếng Việt lớp 5 > Tuần 32 trang 52, 53, 54, 55 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2

Tuần 32 trang 52, 53, 54, 55 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2

Bài 1 (trang 52 Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2): Đọc bài sau và trả lời câu hỏi?

Đất quê hương

Thông thường người đi xa trở lại quê nhà hay kể với bà con láng giềng chuyện lạ phương xa. Riêng tôi về làng, về xứ, lúc nào cũng thích nói đến cái đẹp, cái lớn quê mình.

Tuổi thơ tôi đã hằn sâu trong kí ức những ngọn núi trông xa lấp lánh như kim cương, lúc xanh mờ, khi xanh thẳm, lúc tím lơ, khi rực rỡ như núi ngập màu xanh. Những năm tháng xa quê, giông tố cuộc đời tưởng chừng cuốn bay tất cả, nhưng trong tâm tư tôi những dòng sông quê mênh mông vẫn cuồn cuộn chảy, những dòng mù mịt khói rạ, thơm vị mía lùi và trắng xóa sương mù sau Tết. Yêu cả tiếng chuông chùa ngân thăm thẳm canh khuya. Tôi yêu ánh nắng chiều tà trải màu vàng tái trên rẫy khoai mì, nghiêng nghiêng bên triền núi. Biết bao đêm trăn trở tôi viết bao trang màu đá xám đen, tấm phên xác xơ che nắng cho người đập đá. Tôi nhớ ngọn có phất phơ giữa đồng nước lớn, cây cà ra trái nặng chùm chùm, cây gáo mồ côi, cây gáo đôi im lìm xa ngoài đồng bãi.

Như con chiên ngoan mơ về “Đất hứa”, tôi da diết mong gặp lại cây đa bến Miễu, cây me già Đá Chẹt, con đường quanh co lỗi lõm lên Pháo Đài. Tôi nhớ những dòng nước lấp lánh từ triền đá cao ào ào đổ xuống, róc rách len vào khe đá rồi thong thả bò qua con đường trải đá, chảy xuống xóm làng…

(Trích Tản văn Mai Văn Tạo)

a) Tác giả yêu những cảnh đẹp gì của quê hương mình? Viết hoàn chỉnh câu trả lời.

- Những cánh đồng: ...

- Tiếng chuông chùa: ...

- Ánh nắng chiều tà: ...

- Ngọn cỏ: ...

Trả lời:

- Những cánh đồng: bao la vàng rực ngày mùa, mù mịt khói rạ, thơm vị mía lùi và trắng xoá sương mù sau Tết.

- Tiếng chuông chùa: ngân thăm thẳm canh khuya.

- Ánh nắng chiều tà: trải màu vàng tái trên rẫy khoai mì, nghiêng nghiêng bên triền núi.

- Ngọn cỏ: phất phơ giữa đồng nước lớn.

b) Em cảm nhận được điều gì về tình cảm của tác giả đối với quê hương?

Trả lời:

- Tác giả luôn yêu và tự hào về quê hương mình, dù đi bao lâu bao xa vẫn luôn nhớ về quê nhà.

Bài 2 (trang 53):

Câu hỏi: Điền dấu phẩy vào vị trí thích hợp trong đoạn văn sau:

Hình như tất cả tình yêu thương mẹ dành cho tôi in rõ trong đôi mắt. Đôi mắt ấy nhìn tôi như động viên như an ủi dỗ dành.

Trả lời:

Hình như, tất cả tình yêu thương mẹ dành cho tôi in rõ trong đôi mắt. Đôi mắt ấy nhìn tôi như muốn động viên, như muốn an ủi.

Bài 3 (trang 53):

Câu hỏi: Viết vào chỗ trống tác dụng của dấu hai chấm được dùng trong các câu sau:

Trả lời:

Câu Tác dụng dấu hai chấm
1. Mẹ mua cho tôi nhiều thứ: truyện, bút, sách… - Báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời giải thích cho bộ phận đứng trước.
2. Chú bé kiêu hãnh trả lời: Tao là du kích. - Đặt ở cuối câu để dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật.

Bài 4 (trang 53):

Câu hỏi: Đặt dấu hai chấm vào vị trí thích hợp trong mỗi câu sau:

a) Người mẹ đánh thức cậu con trai dậy và dặn

- Mẹ giao cho con đọc hết cuốn sách này.

b) Những hạt sương long lanh trả lời

- Bạn nhầm rồi! Đó chính là tiếng ngân nga thánh thót của chúng tôi.

Trả lời:

a. Người mẹ đánh thức cậu con trai dậy và dặn:

- Mẹ giao cho con đọc hết cuốn sách này.

b. Những hạt sương long lanh trả lời:

- Bạn nhầm rồi! Đó chính là tiếng ngân nga thánh thót của chúng tôi.

Bài 5 (trang 53):

Câu hỏi: Nếu tác dụng của dấu hai chấm trong mỗi trường hợp sau đây.

a) Thấy cây chanh ấy tốt quá, nhiều người đến xin chiết cành. Nhưng bà em bảo:

- Hãy thư thả để cây nó cứng cáp đã.

Tác dụng của dấu hai chấm là: ...

b) Ông em bận lắm: Ông tham gia công tác tổ dân phố, công tác Hội cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi nữa.

Tác dụng của dấu hai chấm: ...

Trả lời:

a. Thấy cây chanh ấy tốt quá, nhiều người đến xin chiết cành. Nhưng bà em bảo:

- Hay thư thả để cây nó cứng cáp đã.

Tác dụng của dấu hai chấm: Đặt ở cuối câu để dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật.

b. Ông em bận lắm: Ông tham gia công tác tổ dân phố, công tác Hội cựu chiến binh và Hội người cao tuổi nữa.

Tác dụng của dấu hai chấm: Báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời giải thích cho bộ phận đứng trước.

Bài 6 (trang 54):

Câu hỏi: Viết đoạn văn mở bài cho bài văn tả cảnh đẹp mà em thích.

Mở bài tham khảo:

Quê em có rất nhiều cảnh đẹp: Này là dòng Lô quanh năm nước chảy hiền hòa, kia là những bãi mía, nương dâu xanh ngút ngàn, hay những đêm trăng sáng soi bóng xuống lũy tre đầu làng... nhưng có lẽ hình ảnh cánh đồng lúa chín quê hương luôn làm em ấn tượng nhất.

Vui học (trang 54 Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2):

Gọi bố đi con!

Một ngày nọ, Tí đang ngồi chơi trong nhà thì mẹ Tí dắt một người đàn ông lạ vào nhà. Mẹ Tí nói:

- Gọi bố đi con!

Tí ngơ ngác nhìn người đàn ông lạ này, mắt nó hoe hoe đỏ và nghĩ: “Ơ, người đàn ông này là ai, sao mẹ lại bảo mình gọi ông ta là bố. Tại sao mẹ lại lừa dối mình, hóa ra mình chỉ là con nuôi sao? ”

Bà mẹ lại quát to lên khi nhìn thấy Tí ngơ ngác:

- Gọi bố nhanh lên!

Tí nghe vậy liền khóc và ôm chặt người đàn ông lạ đầy cảm động gọi:

- Bố! !!

Mẹ Tí trợn tròn mắt:

- Ơ hay, mẹ bảo con lên phòng gọi bố kìa, thợ sửa bồn cầu tới rồi. Trời ạ, sao tôi lại có đứa con ngốc đến thế này!

-! !!

(Truyện cười học sinh)

* Chia sẻ với bạn, nếu em là Tí khi nghe mẹ nói vậy em có bị hiểu lầm như Tí không?

* Câu chuyện trên có điều gì gây cười?

Trả lời:

- Nếu em là Tí khi nghe mẹ gọi vậy em cũng sẽ không bị hiểu lầm như Tí.

- Câu chuyện trên gây cười ở chỗ câu nói của mẹ Tí “Gọi bố đi con”, “Gọi bố nhanh lên” của mẹ Tí. Mẹ muốn Tí vào nhà gọi bố nhưng bạn Tí lại hiểu lầm ý mẹ rằng mẹ muốn mình gọi chú thợ sửa bồn cầu là bố. Đỉnh điểm khiến mọi người bật cười là ở chỗ Tí oà khóc ôm chặt người đàn ông lạ mặt và gọi “bố”.