Tuần 34 trang 59, 60, 61, 62, 63 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2
Bài 1 (trang 59 Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2): Đọc bài sau và trả lời câu hỏi?
Ngọn nến không cháy
Trong thành phố nọ có hai cha con sống với nhau rất vui vẻ, hạnh phúc. Một hôm, đứa bé gái chẳng may bị bệnh và ra đi mãi mãi. Người cha quá đau khổ, tuyệt vọng, quay lưng lại với tất cả mọi người. Ông chẳng thiết tha gì với cuộc sống nữa. Ông tự nhốt mình trong phòng và khóc mãi.
Một hôm, người cha ngủ thiếp đi và ông mơ thấy một giấc mơ kì lạ. Trong giấc mơ, ông gặp lại một đoàn người rước đèn. Tất cả ngọn đèn đều lung linh tỏa sáng, trừ ngọn đèn của đứa bé cuối. Đứa bé ấy cầm một ngọn nến không được thắp sáng. Nhìn kĩ hơn, ông nhận ra đứa bé ấy chính là đứa con gái bé bỏng của mình.
Ông tiến lại gần và hỏi con rằng: “Tại sao nến của con không cháy? ”. Bé gái đã đáp rằng: “Con đã cố lắm nhưng không được cha à! Mỗi lần con thắp lên ngọn nến thì những giọt nước mắt của cha lại dập tắt hết ngọn nến của con”.
Đến đó thì người cha choàng tỉnh. Từ đó, ông lấy lại thăng bằng, lại sống vui vẻ, giúp đỡ mọi người cung quanh bởi ông không muốn những giọt nước mắt của ông lại dập tắt ngọn nến hi vọng của con ông.
Nước mắt chỉ có thể xoa dịu phần nào chứ không thể làm tan biến hoàn toàn nỗi mất mát lớn lao. Hãy cứ khóc khi bạn cần, nhưng hãy đứng lên vững vàng bạn nhé! Bởi ngoài kia, đâu đó, ở một nơi nào đó, người thân của bạn đang nhìn bạn mỉm cười. Đừng bao giờ để nước mắt che mờ con đường bạn đang bước đi…
(Sưu tầm)
a) Khi đứa con gái bé bỏng qua đời, người cha sống như thế nào?
Trả lời:
- Khi đứa con gái bé bỏng qua đời, người cha quá đau khổ, tuyệt vọng, quay lưng lại với tất cả mọi người. Ông chẳng thiết tha gì với cuộc sống nữa. Ông tự nhốt mình trong phòng và khóc mãi.
b) Sau khi mơ gặp lại con gái, người cha sống như thế nào?
Trả lời:
- Sau khi mơ gặp lại con gái, người cha bắt đầu lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống, ông lại sống vui vẻ và giúp đỡ những người xung quanh mình.
c) Câu chuyện cho em bài học gì trong cuộc sống?
Trả lời:
- Câu chuyện đã đưa đến cho em một bài học trong cuộc sống đó là: Khi mệt mỏi, đau khổ, … hãy khóc nếu cần thiết, hãy khóc cho nhẹ lòng. Nhưng sau đó hãy lau nước mắt đi, dũng cảm và vững vàng tiến về phía trước.
Bài 2 (trang 61):
Câu hỏi: Sắp xếp các từ ngữ sau vào bảng cho phù hợp:
Quyền hạn, quyền hành, quyền lợi, quyền lực, nhân quyền, thẩm quyền.
Trả lời:
Những điều pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi. | Những điều do có địa vị hay chức vụ mà được làm. |
Quyền lợi, nhân quyền | Quyền hạn, quyền hành, quyền lực, thẩm quyền. |
Bài 3 (trang 61):
Câu hỏi: Nêu tác dụng của dấu gạch ngang trong mỗi trường hợp sau đây:
a) Trước sinh nhật bà một hôm, chúng tôi xúm lại van nài bà:
- Bà ơi, chúng cháu muốn tự tay tổ chức một bữa tiệc mừng sinh nhật bà. Bà hãy đi vắng đi, đến trưa hãy về bà nhé.
- Nhưng liệu các cháu có làm được không? Hay cứ để bà ở nhà giúp một tay.
- Không! Không! – Chúng tôi đồng thanh kêu lên: Chúng cháu tự làm được mà. Chị Hà đã học nấu ăn ở trường rồi đấy bà ạ.
Tác dụng của dấu gạch ngang là: ....
b) Người kể chuyện cỏ tích Nguyễn Đổng Chi – cũng là nhà sử học, nhà văn tác giả hàng kho chuyện cổ tích ……… đã viết lại truyện: Sự tích sông Cửu Long một cách giản dị, dễ hiểu.
(Phong Thu)
Tác dụng của dấu gạch ngang là: ....
Trả lời:
a.
- Dấu gạch ngang thứ nhất, thứ hai và thứ ba có tác dụng đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói trực tiếp của bà và của các cháu trong đoạn hội thoại.
- Dấu gạch ngang thứ tư có tác dụng đánh dấu phần chú thích ở phía sau.
b. Dấu gạch ngang trong đoạn văn có tác dụng đánh dấu phần chú thích ở phía sau.
Bài 4 (trang 61):
Câu hỏi: Dấu ngoặc đơn trong câu nào có thể thay bằng dấu gạch ngang? Hãy ghi lại câu thay thế đó.
a) Không có gì quý hơn độc lập, tự do. (Hồ Chí Minh)
b) Pax-can (khi ấy vẫn là sinh viên) đã có nhiều sáng kiến khoa học.
Trả lời:
Trường hợp ở câu b có thể thay dấu ngoặc đơn bằng dấu gạch ngang như sau:
b. Pax-can – khi ấy vẫn là sinh viên – đã có nhiều sáng kiến khoa học.
Bài 5 (trang 62):
Câu hỏi: Gạch 1 gạch dưới chủ ngữ, gạch 2 gạch dưới vị ngữ của các câu trong đoạn văn sau và khoanh những quan hệ từ có trong đoạn.
a) Nước mắt chỉ có thể xoa dịu phần nào chứ không thể làm tan biến hoàn toàn nỗi mất mát lớn lao.
b) Chiếc máy bay chú đi rất to và sơn màu đỏ rất đẹp. Thế nhưng chú thấy máy bay bay cao quá, chú thấy sợ, nên chú lại xuống đi bằng tàu hỏa.
Trả lời:
Bài 6 (trang 62):
Câu hỏi: Dấu phẩy trong câu “Đồng phẳng lặng, lạch nước trong veo, quanh co uốn khúc. ” Được dùng để làm gì?
Trả lời:
- Dấu phẩy thứ nhất có tác dụng ngăn cách hai vế của một câu ghép.
- Dấu phẩy thứ hai có tác dụng ngăn cách các thành phần có cùng chức vụ trong câu (Vị ngữ)
Bài 7 (trang 62):
Câu hỏi: Viết đoạn văn (5-7 câu) tả một người bạn mà em yêu mến trong lớp.
Trả lời:
Người mà em vô cùng yêu mến trong lớp là Minh Anh. Minh Anh là cô bạn thân ở gần nhà em, chúng em gặp nhau lần đầu tiên là ở lớp mẫu giáo. Cô bạn có vóc người nhỏ nhắn, xinh xắn. Mái tóc đen và nước da trắng hồng. Mỗi lần Minh Anh nói chuyện là hai bím tóc lại lí lắc theo từng chuyển động của bạn. Thật đáng yêu! Bạn ấy rất hoạt ngôn, hay nói hay cười khiến ai ở bên cạnh bạn ấy đều cảm thấy vô cùng vui vẻ. Em cảm thấy rất vui và may mắn khi quen biết một người bạn tốt như Minh Anh.
Vui học (trang 63 Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2):
Tài kinh doanh của bác nông dân
Có một anh chàng buôn bán đồ cổ, dọc đường anh ghé vào nhà của một bác nông dân.
Anh thấy cái đĩa cho mèo ăn là đồ gốm đời nhà Thanh. Cảm thấy rất thích, nhưng anh ta nghĩ, nếu gạ mua cái đĩa thì sợ người ta biết, nên bèn hỏi mua con mèo, rồi lấy cớ xin cái đĩa cho mèo ăn luôn. Ông chủ nhà đồng ý bán con mèo quý với giá 400 nghìn đồng. Khi anh ta xin cái đĩa cho mèo ăn, thì bác chủ nhà thủng thẳng đáp:
Nói thật với chú, tôi không thể cho chú cái đĩa này được, vì nhờ nó mà tôi đã bán được hơn chục con mèo rồi đó.
(Sưu tầm)
*Kể lại cho bạn, người thân cùng nghe câu chuyện.
*Câu chuyện trân gây cười ở chi tiết nào?
Trả lời:
- Câu chuyện trên gây cười ở chi tiết cái đĩa cho mèo ăn là đồ cổ từ thời nhà Thanh. Anh chàng buôn đồ cổ tưởng mình thông minh có thể khiến bác nông dân mắc mưu của mình nào ngờ lại chẳng được như dự tính ban đầu. Tiếng cười được đẩy lên cao trào ở lời giải thích của bác nông dân ở cuối câu chuyện.
Bài trước: Tuần 33 trang 56, 57, 58, 59 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2 Bài tiếp: Tuần 35 trang 63, 64, 65, 66 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2