Tuần 31 trang 48, 49, 50, 51 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2
Bài 1 (trang 48 Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2): Đọc bài sau và trả lời câu hỏi?
Cô bé làng Chăm
Đông Chiêu bẻ cục đất sét bằng nắm tay đặt trên mặt bàn nhỏ. Hai bàn tay Em mềm mại, thoăn thoắt biến cục đất sét vô tri thành cái nồi xinh xắn, trong khi hai chân em không ngừng di chuyển xung quanh mặt bàn. Nét đặc biệt trong nghề gốm cổ truyền của làng Chăm là không dùng bàn xoay mà người thợ phải đi xung quanh cái bàn.
Trên mảnh sân nhỏ, những chiếc nồi tròn vo, đều đặn như được đúc từ một cái khuôn, được tắm nắng trước khi đem nung. Ở quê Đông Chiêu, cách nung đồ gốm cũng khác lạ, không cần cho sản phẩm vào lò mà xếp xen kẽ với rơm rạ, củi khô thành nhiều lớp trên bãi đất trống đầu làng. Khi gió nổi, người thợ mới châm lửa cháy bùng, và chỉ cần mười lăm đến hai mươi phút đã đủ chín sản phẩm.
Đã chín giờ, Đông Chiêu ngừng tay, đi ôn tập cho buổi học chiều. Như bao cô học trò Chăm khác, ngoài việc học em còn phải giúp đỡ cha mẹ nhiều việc để cải thiện cuộc sống vốn không mấy dư dả. Năm nay, Đông Chiêu thi tốt nghiệp tiểu học nên em càng phải học nhiều hơn..
(Hồ Việt Khuê)
a) Với bàn tay khéo léo, Đông Chiêu đã biến cục đất sét thành vật gì?
Trả lời:
- Với bàn tay khéo léo, Đông Chiêu đã biến cục đất sét thành cái nồi xinh xắn.
b) Vì sao tác giả nói những chiếc nồi do bạn Đông Chiêu làm ra như đúc từ một cái khuôn?
Trả lời:
- Tác giả nói những chiếc nồi do bạn Đông Chiêu làm ra như đúc từ một cái khuôn là bởi bạn Đông Chiêu là một người thợ vô cùng khéo tay.
c) Tại sao Đông Chiêu phải vừa học vừa giúp đỡ cha mẹ làm việc?
Trả lời:
- Đông Chiêu vừa phải học vừa phải giúp đỡ cha mẹ làm việc bởi vì bạn ấy muốn góp phần nhỏ bé cho việc cải thiện cuộc sống vốn không mấy dư dả của gia đình.
d) Em học được bài học gì từ bạn Đông Chiêu?
Trả lời:
- Điều em học tập được từ bạn Đông Chiêu đó là song song với việc học thì nên dành thời gian giúp đỡ bố mẹ những việc phù hợp với sức mình.
Bài 2 (trang 49):
Câu hỏi: Nối các từ ngữ ở cột A với các từ ngữ ở cột B cho phù hợp.
Trả lời:
Anh hùng | Có tài năng, khí phách làm nên những việc phi thường. |
Bất khuất | Không chịu khuất phục trước kẻ thù |
Trung hậu | Chân thành và tốt bụng với mọi người. |
Đảm đang | Biết gánh vác, lo toan mọi việc. |
Bài 3 (trang 49):
Câu hỏi: Điền dấu phẩy vào vị trí phù hợp trong câu sau:
a) Cậu bé đi ra vườn hái quả ăn.
b) Vì trời mưa tớ không đến thăm cậu được.
c) Ngày mai tất cả lớp mình đi tham quan.
d) Người lái buôn mang về chú vẹt mào đỏ chót lông xanh biếc.
Trả lời:
a. Cậu bé đi ra vườn, hái quả ăn.
Dấu phẩy được đặt ở vị trí này có tác dụng ngăn cách các bộ phận cùng là vị ngữ trong câu.
b. Vì trời mưa, tớ không đến thăm cậu được.
Dấu phẩy được đặt ở vị trí này có tác dụng ngăn cách trạng ngữ chỉ nguyên nhân với chủ ngữ và vị ngữ.
c. Ngày mai, tất cả lớp mình đi tham quan.
Dấu phẩy được đặt ở vị trí này có tác dụng ngăn cách trạng ngữ chỉ thời gian với chủ ngữ và vị ngữ trong câu.
d. Người lái buôn mang về chú vẹt mào đỏ chót, lông xanh biếc.
Dấu phẩy được đặt ở vị trí này có tác dụng ngăn cách các thành phần cùng chức vụ trong câu.
Bài 4 (trang 49):
Câu hỏi: Gạch dưới các quan hệ từ có trong đoạn văn sau và nêu tác dụng của chúng:
Hà Nội là thủ đô của nước ta. Hà Nội đẹp nhất vào mùa thu, khi những cơn gió heo may nhè nhẹ thổi, lá vàng bay bay, và hương cốm thơm ngát đã cho ta cảm giác thật bình yên.
Trả lời:
Các quan hệ từ có trong đoạn văn là:
Hà Nội là thủ đô của nước ta. Hà Nội đẹp nhất là vào mùa thu, khi những cơn gió heo may nhè nhẹ thổi, lá vàng bay bay, và hương cốm thơm ngát đã cho ta cảm giác thật bình yên.
Quan hệ từ là có tác dụng nối Hà Nội với thủ đô của nước ta
Quan hệ từ của có tác dụng nối thủ đô với nước ta
Quan hệ từ là có tác dụng nối Hà Nội đẹp nhất với vào mùa thu
Quan hệ từ và có tác dụng nối những cơn gió heo may nhè nhẹ thổi với lá vàng bay bay và hương cốm thơm ngát.
Bài 5 (trang 50):
Câu hỏi: Dùng các quan hệ từ và cặp quan hệ từ sau để đặt câu.
Nếu... thì... , là, mà, nên, không những... mà còn...
Mẫu: Nếu chúng ta không biết bảo vệ rừng đầu nguồn thì bão lũ sẽ luôn là thảm họa hằng năm.
Trả lời:
- Nếu Hải đến đúng giờ thì cậu ấy đã chẳng bị phạt.
- Mùa thu là mùa học sinh nô nức tựu trường.
- Cô chị học rất giỏi mà cậu em lại kém quá.
- Vì mải chơi game nên Hải học hành sa sút hẳn.
- Không những Ngân học giỏi mà cậu ấy còn rất chăm ngoan.
Bài 6 (trang 50):
Câu hỏi: Khoanh tròn cặp quan hệ từ có trong các câu sau:
a) Vì thời tiết đã chuyển mùa nên vườn hoa nhà bà em cũng nở ít hơn.
b) Mặc dù những ngôi nhà ở phố cổ đã được tu sửa nhưng nó đã xuống cấp theo thời gian.
Trả lời:
a. Vì thời tiết đã chuyển mùa nên vườn hoa nhà bà em cũng nở ít hơn.
⟶ Quan hệ từ vì – nên: biểu thị quan hệ nguyên nhân – kết quả
b. Mặc dù những ngôi nhà ở phố cổ đã được tu sửa nhưng nó đã xuống cấp theo thời gian.
⟶ Quan hệ từ mặc dù – nhưng: biểu thị quan hệ tương phản.
Bài 7 (trang 50):
Câu hỏi: Viết đoạn văn (5-7 câu) tả cảnh đẹp nơi em ở vào một buổi sáng.
Đoạn văn tham khảo:
Sáng sớm, khi mặt trời chưa thức giấc, đường phố chìm trong làn sương mỏng. Không gian yên ắng, tiết trời se se lạnh. Nhiều nhà vẫn còn đóng kín cửa, người qua lại thưa thớt. Một lát sau, hừng đông ló rạng, mặt trời từ từ nhô lên cao khỏi ngọn cây, chiếu những tia nắng ấm áp xuống vạn vật. Trên đường, người qua lại nhộn nhịp hơn. Tiếng xe cộ lanh canh. Những cô gánh hàng rong bán bánh, bán hoa rực rỡ đủ sắc màu. Trên cành cây, lũ chim đã thức giấc đua nhau hót líu lo. Em cũng dậy tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng và chuẩn bị đi học.
Vui học (trang 51 Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2):
Đố vui
Ai người vất vả gian truân
Tên anh rất đỗi quen thân chúng mình
Mười bốn tuổi đã hi sinh
Đội ta trang sử quang vinh mở đầu.
Là ai?
*Cùng bạn, người thân giải câu đó trên.
*Tìm hiểu và kể về nhân vật trong câu đố trên.
Trả lời:
- Đáp án là anh Kim Đồng.
- Tìm hiểu thông tin về nhân vật Kim Đồng:
Anh hùng Kim Đồng (tên thật là Nông Văn Dền) sinh năm 1928, dân tộc Nùng, tại bản Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Khi hy sinh, Kim Đồng là đội trưởng Đội Nhi đồng Cứu quốc (Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày nay).
Sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi của chiến khu cách mạng, khi còn nhỏ Kim Đồng đã sớm được cán bộ giác ngộ lí tưởng Cách mạng. Anh đã vận động các bạn cùng lứa tuổi trong bản làm nhiệm vụ liên lạc, chuyển công văn, tài liệu, đưa đón cán bộ, trinh sát nắm tình hình địch để cung cấp cho cán bộ.
Tháng 5 năm 1941, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đội Nhi đồng Cứu quốc. Kim Đồng là một trong số năm đội viên đầu tiên và được bầu làm đội trưởng Đội Nhi đồng Cứu quốc. Được rèn luyện thử thách, Kim Đồng luôn thể hiện trí thông minh, lòng dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Rạng sáng ngày 15 tháng 2 năm 1943, Kim Đồng được giao nhiệm vụ canh gác, bảo vệ cuộc họp bí mật của Trung ương Đảng. Địch phát hiện và cho một lực lượng khá lớn bao vây hòng bắt sống các đồng chí lãnh đạo của Đảng. Trước tình thế nguy hiểm, Kim Đồng đã mưu trí đánh lạc hướng, lừa địch tập trung lực lượng và hoả lực về phía mình, đồng thời phát tín hiệu cho các đồng chí cán bộ rút lui an toàn. Kim Đồng đã anh dũng hy sinh khi anh vừa tròn 15 tuổi, anh đã nêu tấm gương sáng chói cho các thế hệ thanh, thiếu niên và mọi người Việt Nam noi theo.
Ngày 23 tháng 9 năm 1997, Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Bài trước: Tuần 30 trang 44, 45, 46, 47 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2 Bài tiếp: Tuần 32 trang 52, 53, 54, 55 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2