Tuần 28 trang 37, 38, 39, 40 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2
Bài 1 (trang 37 Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2): Đọc bài sau và trả lời câu hỏi?
Công nhân sửa đường
Bác Tâm, mẹ của Thư đang chăm chú làm việc. Bác đi một đôi găng tay bằng vải rất dày. Vì thế, tay bác y như tay một người khổng lồ. Bác đội nón khăn trùm gần kín mặt, chỉ để hở mỗi cái mũi và đôi mắt. Tay phải bác cầm một chiếc búa. Tay trái bác xếp rất khéo léo những viên đá bọc nhựa đường đen nhánh vào chỗ trũng. Bác đập búa đều đều vào những viên đá để chúng ken chắc vào nhau. Hai tay bác đưa lên, hạ xuống nhịp nhàng. Dường như bác đang làm một việc gì đấy rất nhẹ nhàng chứ không phải là việc vá đường vất vả kia. Chỉ có mảnh áo ướt đẫm mồ hôi ở lưng bác là cứ loang ra mãi…
Mảnh đường hình chữ nhật đen nhánh hiện lên, thay thế cho những cái ổ gà quái ác lúc trước. Thư say sưa ngắm miếng vá hình chữ nhật, thơm nồng mùi nhựa đường hăng hắc ấy rồi ôm cổ mẹ:
Đẹp quá! Mẹ vá đường cũng như vá áo ấy!
Bác Tâm đứng lên vươn vai mấy cái liền. Bác nheo mắt nhìn mặt đường. Nắng chói chang. Một nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt bác.
(Theo Nguyễn Thị Xuyến)
a) Vì sao khi làm việc, bác Tâm lại đi găng tay vải dày, đội nón, khăn trùm gần kín mặt?
Trả lời:
- Bác Tâm lại đi găng tay vải dày, đội nón, khăn trùm gần kín mặt để bảo vệ cho chính bản thân mình, những đồ bảo hộ lao động đó sẽ giúp cho bác tránh được những tác hại không mong muốn từ công việc sửa đườngvô cùng vất vả.
b) Các câu văn: “Hai tay bác đưa lên, hạ xuống nhịp nhàng. Dường như bác đang làm một việc gì đấy rất nhẹ nhàng chứ không phải là công việc vá đường vất vả kia. ” cho biết điều gì?
Trả lời:
- Từ việc miêu tả bác Tâm khi làm việc cho ta thấy được bác Tâm là một người thợ sửa đường khéo léo, lành nghề, có nhiều kinh nghiệm và cũng rất yêu công việc của mình. Việc vá đường vô cùng vất vả, nặng nhọc mà thao tác khi làm việc của bác thì lại nhẹ nhàng, đều đặn, ăn khớp như thể đó là công việc chẳng có gì nặng nhọc.
c) Đoạn cuối bài nói lên điều gì?
Trả lời:
- Công việc của bác Tâm vô cùng vất vả tuy vậy bác vẫn không quản khó khăn, cần mẫn chăm chỉ làm việc. Niềm vui chính là khi công việc hoàn thành, có thể giúp ích nhiều hơn cho những người xung quanh mình.
d) Nêu cảm nghĩ của em về bác Tâm – người công nhân làm đường.
Trả lời:
- Bác Tâm là một người thợ sửa đường khéo tay, lành nghề. Công việc vô cùng vất vả nhưng bác luôn làm bằng một tinh thần say mê, chăm chỉ lao động quên mình. Em vô cùng cảm phục bác, bác là tấm gương để em học tập và noi theo.
Bài 2 (trang 38):
Câu hỏi: Trong câu: “Bác đập búa đều đều xuống những viên đá để chũng ken chắc vào nhau. ” có mấy quan hệ từ? Đó là những từ nào?
Trả lời:
Trong câu trên có một quan hệ từ, đó là từ "để", đây là quan hệ từ chỉ mục đích nhằm nối giữa vế “Bác đập búa đều đều xuống những viên đá” và vế “chúng ken chắc vào nhau”
Bài 3 (trang 38):
Câu hỏi: Hai câu sau liên kết với nhau bằng cách nào? Khoanh vào chữ cái trước ý em chọn.
"Dậy sớm học bài là một thói quen tốt. Nhưng phải cố gắng lắm mới có được thói quen ấy. "
a) Lặp các từ ngữ.
b) Dùng từ ngữ nối.
c) Thay thế từ ngữ.
Trả lời:
Chọn đáo án: b, c
- Dùng từ nối: từ Nhưng được đặt ở đầu câu thứ 2
- Thay thế từ ngữ: từ “thói quen ấy” ở câu 2 được dùng để thay thế cho “dậy sớm” ở câu thứ nhất.
Bài 4 (trang 38):
Câu hỏi: Đặt một câu có sử dụng phép liên kết bằng cách thay thế từ ngữ.
Trả lời:
- Vợ của anh ấy là Hải Phương. Cô ấy trước đây là hoa khôi của một trường đại học có tiếng.
- Cô ấy là từ được dùng để thay thế cho Hải Phương, vợ của anh ấy.
Bài 5 (trang 39):
Câu hỏi: Dòng nào sau đây chỉ gồm các từ đồng nghĩa với từ: “chăm chỉ”?
a) chú ý, tập trung, chăm làm.
b) cần mẫn, chịu khó, tỉ mỉ, cần cù.
c) chăm ngoan, chằm chằm, chăm chút.
Trả lời:
Đáp án: b
Bài 6 (trang 39):
Câu hỏi: Đặt một câu ghép dùng quan hệ từ, một câu ghép dùng cặp từ hô ứng.
Trả lời:
- Câu ghép có sử dụng quan hệ từ:
Trời mưa rất lớn nhưng ban giám đốc vẫn quyết định không cho huỷ buổi họp.
- Câu ghép có sử dụng cặp từ hô ứng:
Trời càng mưa to đường càng lầy lội.
Bài 7 (trang 39):
Câu hỏi: Dựa vào những câu văn gợi ý sau, em hãy tả cảnh đẹp của làng quê vào ngày mùa.
- Con đường dẫn vào làng phơi đầy rơm rạ.
- Màu vàng óng, mùi thơm nồng ngai ngái của rơm lan tỏa trong không gian.
- Bầu trời trong xanh, nắng vàng như rót mật.
- Những cô bác nông dân mồ hội nhễ nhại, miệng nở nụ cười tươi rói.
Trả lời:
Làng quê vào ngày mùa đẹp như một bức tranh thủy mạc. Con đường dẫn vào làng phơi đầy rơm rạ. Màu vàng óng của lúa, mùi thơm nồng ngai ngái của rơm lan tỏa trong không gian. Hương thơm ấy dường như làm lung lay hàng cột điện và làm xao động cả những hàng cây. Bầu trời trong xanh, nắng vàng như rót mật. Ngoài cánh đồng, mươn mướt một màu vàng thích mắt của những hạt thóc chín mẩy. Làn gió nhẹ thoảng qua, sóng lúa nhấp nhô như gợn vỗ bờ. Từng đàn chim ríu rít gọi nhau đi kiếm mồi. Những cô bác nông dân mồ hội nhễ nhại, miệng nở nụ cười tươi rói.
Vui học (trang 40 Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2):
Khen khéo
Lan: Nè, ông thấy tôi mặc cái áo mới này như thế nào?
Tuấn: Ồ, tuyệt cú mèo!
Lan (hớn hở): Thật hả? Ông không nịnh tôi đó chứ?
Tuấn: Thật mà! Cái áo thì “tuyệt”, còn bà là “cú mèo” đó.
Lan: Trời! !!
(Sưu tầm)
*Kể câu chuyện trên cho bạn bè, người thân cùng nghe.
*Cùng bạn trao đổi về chi tiết gây cười trong chuyện.
Trả lời:
“Tuyệt cú mèo” là từ được đã xuất hiện trong những trang văn của một tác giả trẻ, sau này nó được lưu hành rộng rãi trong giới trẻ có nghĩa là “trên cả tuyệt vời”.
Trong truyện này, Tuấn cũng dùng “tuyệt cú mèo” để nhận xét về chiếc áo của Lan, nhưng cậu bạn lại tách ra thành “tuyệt” (tuyệt vời) và “cú mèo” (chỉ những thứ không được đẹp)
Chi tiết gây cười trong truyện chính là ở câu nói “tuyệt cú mèo” khiến Lan hiểu Lầm, tiếng cười bật lên ở lời giải thích của Tuấn: “Cái áo thì “tuyệt”, còn bà thì “cú mèo” đó. ”
Bài trước: Tuần 27 trang 33, 34, 35, 36 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2 Bài tiếp: Tuần 29 trang 40, 41, 42, 43 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2