Tuần 18 trang 63, 64, 65, 66 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 1
Bài 1 (trang 63 Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 1): Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:
Cây cổ thụ
Trong khu rừng nọ có bốn cây cổ thụ rất to, cành lá xum xuê, chim muông, cầm thú bốn phương, tám hướng đều muốn nghỉ ngơi ở đó. Chúng tụ tập dưới bóng cây mát mẻ, kể cho nhau nghe những câu chuyện thú vị mà chúng thu thập được từ khắp nơi trên trái đất. Cây cổ thụ nghe nhiều chuyện thích lắm, nó cũng muốn đi khắp nơi trên thế giới để tham quan nên nhờ loài chim đưa đi. Nhưng cây cổ thụ không có cánh, làm sao có thể bay được, thế là nó bị từ chối. Cây cổ thụ nhờ loài thú đưa đi. Nhưng cây không có chân, làm sao đi được, nên thú cũng từ chối nó.
Tuy vậy, cây cổ thụ không hề nản lòng. Nó cố gắng hút chất dinh dưỡng từ lòng đất, hít thở khi trời trong lành và uống nước mưa tươi mát. Nó ra thật nhiều quả vừa đẹp, vừa ngon. Các loài chim, các loài thú tranh nhau ăn quả, đem hạt giống cây đi khắp nơi trên Trái đất. Từ những hạt giống đó, những cây non – con cháu của cây cổ thụ - mọc lên khắp nơi, ở tận những miền xa. Cây cổ thụ cuối cùng cũng thực hiện được nguyện vọng của mình, đã cắm rễ xuống mọi nơi trên Trái đất.
(Theo Gia đình Online)
a) Vì sao nhiều loài chim và muông thú muốn tụ tập ở chỗ cây cổ thụ?
Trả lời:
- Nhiều loài chim và muông thú muốn tụ tập ở chỗ cây cổ thụ vì cây cổ thụ rất to, cành lá xum xuê là nơi có bóng mát để cho chúng nghỉ ngơi.
b) Vì sao cây cổ thụ muốn đi đến khắp nơi?
Trả lời:
- Cây cổ thụ muốn đi đến khắp nơi vì nó nghe chuyện mà muông thú kể, nó cảm thấy rất thích và muốn đi khắp nơi tham quan.
c) Cây cổ thụ có những phẩm chất và đức tính gì?
A. Khôn ngoan
B. Kiên trì
C. Đoàn kết
D. Thương người
Trả lời:
Chọn đáp án: B. Kiên trì
d) Tìm một câu trong bài có quan hệ từ.
Trả lời:
- Nó ra nhiều quả vừa đẹp, vừa ngon.
e) Tìm một câu ca dao, tục ngữ nói về tình cảm bạn bè.
Trả lời:
- Học thầy không tày học bạn.
Bài 2 (trang 64):
Hãy đặt câu theo yêu cầu sau:
Trả lời:
- Có sử dụng từ đồng nghĩa:
Trong quá trình học tập, chúng ta nên học hỏi những điều hay lẽ phải của thầy, của bạn.
- Có sử dụng đại từ:
Tôi đi học còn nó đi chơi.
- Có sử dụng phép so sánh:
Mặt trời đỏ rực như một quả cầu lửa.
Bài 3 (trang 65): Em bị ốm, người luôn bên cạnh em động viên, chăm sóc, lo cho em uống từng viên thuốc, ăn từng thìa cháo, mất ăn mất ngủ vì em là mẹ. Hãy hình dung và tả lại mẹ của em lúc chăm sóc em bị ốm.
Bài văn tham khảo:
Thứ năm tuần trước, em đi học về bị mắc mưa ướt hết. Đến nửa đêm, cơn sốt ập tới. Nhà chỉ có hai mẹ con vì ba đang công tác ở xa. Mẹ lo lắm, thức suốt đêm canh chừng bên em.
Cơn sốt quái ác thật. Trán em thì nóng bừng bừng mà chân tay lại lạnh cóng. Cái lạnh như từ trong xương tuỷ toả ra khiến em run cầm cập: "Mẹ ơi! Con rét lắm! Mẹ đắp chăn cho con! ". Mẹ ghì chặt em vào lòng, an ủi: "Mẹ biết rồi! Con cảm lạnh đấy mà! Cứ bình tĩnh nhé! Mẹ sẽ đuổi cơn sốt đi ngay! ".
Mẹ đặt em nằm ngay ngắn rồi đi lấy thuốc. Viên thuốc hạ sốt sủi bọt tan rất nhanh trong cốc nước. Mẹ khẽ nâng đầu em lên, ghé cốc vào miệng em, dỗ dành: "Ngoan nào! Con cố uống một hơi cho hết, sau đó ngủ một giấc, tỉnh dậy là khỏe thôi! ".
Vâng lời mẹ, em uống thuốc rồi cố nhắm mắt nhưng đầu óc cứ căng lên, khó chịu vô cùng. Mẹ lấy khăn ấm đắp lên trán em. Mẹ nhẹ nhàng xoa dầu nóng vào lưng, vào ngực, vào hai bàn chân, bàn tay em. Tiếng xuýt xoa nho nhỏ của mẹ cứ văng vẳng bên tai em trong giấc ngủ chập chờn:
"Khổ thân con tôi! sốt thế này thì làm sao ngày mai đi học được! ". Tự nhiên, nước mắt ứa trên mi em cay xót. Mẹ ơi! Con thương mẹ biết chừng nào! Em vòng tay ôm ngang lưng mẹ rồi thiếp đi lúc nào không biết...
Ò ó o o... ! Chú gà trống đã cất lên tiếng gáy giòn giã, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Em mở mắt nhìn quanh tìm mẹ mà không thấy mẹ đâu. Chưa kịp gọi thì em đã nghe tiếng guốc và giọng nói quen thuộc của mẹ: "Dung dậy rồi đấy ư? Mẹ nấu cháo giải cảm cho con rồi đấy! Đánh răng xong con ăn hết bát cháo hành này, mẹ sẽ cho con uống thuốc. Đến trưa nếu hết sốt, mẹ sẽ đưa con đi học. Nếu còn yếu thì mẹ viết đơn xin phép cô cho con nghỉ hôm nay".
Nhìn quầng thâm quanh đối mắt mẹ, em biết cả đêm qua mẹ thức để săn sóc cho em. Cơn sốt đã lui, dẫu đầu còn váng vất nhưng em cảm thấy đỡ hơn nhiều. Quả là đôi bàn tay mẹ như có phép màu. Mẹ là bóng mát che chở cho con suốt cả cuộc đời. Công ơn của mẹ đối với con sâu nặng biết chừng nào! Con mong sau này lớn lên sẽ đáp đền công ơn trời biển ấy.
Bài 4 (trang 65):
Câu hỏi: Em hãy tả hình dáng, tính tình một cô (chú, bác) trong khu phố (hoặc thôn xóm) nơi em ở được mọi người yêu mến.
Bài văn tham khảo:
Khu phố em ở được gọi là khu phố vui vẻ, văn minh, đoàn kết. Đạt được điều đó đều nhờ công lớn của bác Minh tổ trưởng dân phố. Bác là người mà em vô cùng yêu mến.
Bác Minh năm nay đã 48 tuổi rồi, bác hơn bố em 8 tuổi nhưng trông bác vẫn còn rất trẻ. Dáng bác cao, gầy em đứng chỉ đến bụng của bác. Bác có làn da ngăm ngăm đen. Đôi mắt là điểm nổi bật nhất trên khuôn mặt bác Minh. Đôi mắt ấy luôn lấp lánh niềm vui, chan chứa tình cảm. Nhìn vào mắt bác em có cảm giác ấm áp vô cùng. Ở nhà bác thường mặc quần sooc, áo phông trắng. Khi đi ra phố, nhất là đi họp tổ dân phố bác ăn mặc rất lịch sự. Bác thường mặc quần âu, áo sơ mi. Bác còn sơ vin và thắt lưng da nữa.
Bác Minh lúc nào cũng vui vẻ, hòa nhã với mọi người. Có phong trào của phường, quận, hay của thành phố bác luôn là người đi đầu làm gương. Bác vào từng nhà vận động, khích lệ mọi người tham gia với tinh thần cao nhất. Bác Minh hay viết thông báo lên cái bảng con ở đầu ngõ để mọi người nắm bát rõ tình hình của khu phố. Bác Minh rất khéo tay, nhà ai trong phố có nồi cơm điện, quạt điện… hỏng đều mang đến nhờ bác sửa giúp. Bác Minh còn tận dụng những thứ bỏ đi làm đồ chơi hữu ích cho chúng em như ngôi nhà bằng bìa cactong, trò ném bô - ing từ các lon bia, con lật đật, quạ tmini, diều giấy, …
Em rất thích sang nhà bác Minh xem bác chế đồ chơi. Có lần bác còn hướng dẫn em làm một anbum ảnh từ giấy và bìa cac- tông để tặng bố mẹ nhân ngày gia đình Việt Nam. Chính bác Minh đã dạy em cách thể hiện tình cảm đơn giản mà ấm áp với bố mẹ mình.
Nhờ có bác Minh mà khu phố nhà em nhiều lần được vinh danh là khu phố văn hóa. Không chỉ có em mà mọi ngưởi trong khu phố luôn yêu quý, kính trọng bác. Em và mọi người mong rằng bác sẽ luôn khỏe mạnh để làm tổ trưởng của khu phố thật lâu.
Vui học (trang 66 Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 1):
Phát âm
Để giúp học sinh sửa tật phát âm “l” sai thành “n”. Cô giáo yêu cầu học sinh tập đọc và thuộc lòng câu: “Cụ Lý lên chợ mua lòng lợn luộc”.
Một tuần sau, cô kiểm tra và khen học sinh:
- Giỏi lắm. Em phát âm đúng rồi đấy. Có khó khăn gì đâu.
- Thưa cô, câu này đọc mãi cũng quen, chứ những câu nạ, nắm núc nó cứ nàm sao ấy!
(Sưu tầm)
* Bạn học sinh trong câu chuyện đã sửa được tật nói ngọng chưa?
* Hãy viết một câu khác để sửa tật nói ngọng n/l.
Trả lời:
- Bạn học sinh chưa sửa được tật nói ngọng vì lúc nói chuyện với cô giáo bạn vẫn bị ngọng l/n
- Một câu khác để sửa tật nói ngọng:
Lúc nào lên núi lấy nứa làm lán nên lưu ý nước lũ.
Bài trước: Tuần 17 trang 59, 60, 61, 62 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 1 Bài tiếp: Tuần 19 trang 5, 6, 7 - Cùng em học Tiếng Việt 5 Tập 2