Trang chủ > Lớp 11 > Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 11 > Vào phủ Chúa Trịnh (trích Thượng kinh kí sự) - Lê Hữu Trác

Vào phủ Chúa Trịnh (trích Thượng kinh kí sự) - Lê Hữu Trác

I. Đôi nét về tác giả Lê Hữu Trác

- Tên: Lê Hữu Trác (1724 - 1791)

- Hiệu là Hải Thượng Lãn Ông

- Ông là người toàn tài. Bên cạnh việc dùi mài kinh sử thi đỗ làm quan, thời trẻ ông từng học binh thư theo nghề võ lập được ít nhiều công trạng trong phủ chúa Trịnh. Nhưng cuối cùng ông gắn bó với nghề thầy thuốc bởi theo ông ngoài việc luyện câu văn cho hay, mài lưỡi gươm cho sắc, còn phải đem hết tâm lực chữa bệnh cho người.

⇒ Qua đây ta thấy, Lê Hữu Trác là một nhà danh y lỗi lạc, một nhà văn, một nhà thơ tài hoa có đóng góp đáng kể đối với văn học dân tộc trong thế kỷ XVIII, đặc biệt ở thể văn xuôi tự sự

- Các tác phẩm chính:

+ Bộ "Hải Thượng y tông tâm lĩnh" gồm 66 quyển, được biên soạn trong gần 40 năm. Đây là công trình nghiên cứu y học xuất sắc nhất thời trung đại ghi lại những cảm xúc chân thật của tác giả trong những lúc lặn lội đi chữa bệnh

+ Thượng kinh kí sự là quyển cuối cùng trong bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh, được hoàn thành năm 1783, tác phẩm ghi lại cảnh vật con người mà tác giả tận mắt chứng kiến từ khi được triệu về kinh chữa bệnh cho Thế tử Cán đến khi xong việc trở lại quê nhà ở Hương Sơn.

II. Đôi nét về tác phẩm Vào phủ Chúa Trịnh

1. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm

- Tác phẩm Vào phủ Chúa Trịnh được trích từ quyển Thượng kinh kí sự nói về việc Lê Hữu Trác tới kinh đô được dẫn và phủ Chúa để bắt mạch kê đơn cho Thế tử Trịnh Cán

2. Bố cục của tác phẩm gồm 2 phần:

- Phần 1 (từ đầu đến để tôi xem mạch Đông cung cho thật kĩ): Quang cảnh trong phủ chúa Trịnh

- Phần 2 (còn lại): Quá trình bắt mạch kê đơn và suy nghĩ của tác giả

3. Tóm tắt nội dung chính của tác phẩm

Sáng sớm tinh mơ ngày 1/2 tôi được lệnh là có thánh chỉ triệu tập về phủ chầu ngay lập tức. Tôi nhanh chóng chuẩn bị mũ áo chỉnh tề rồi được điệu đi trên một cái cáng chạy như ngựa lồng. Tôi được đua vào phủ bằng cửa sau, nhìn quanh tôi thấy cây cối um tùm, chim hót líu lo, muôn hoa đua thắm. Vốn là con quan tôi thực không lạ với chốn phồn hoa nhưng khi bước chân vào phủ thì quả mới hay cảnh giàu sang của vua chúa khác dường nào. Qua mấy lần cửa cùng với các hành lang dài miên man tôi được đưa tới một ngôi nhà thật lớn, nơi đây được gọi là phòng trà. Đồ đạc trong phòng đều là những cổ vật quý giá mà tôi chưa từng nhìn thấy bao giờ. Những đồ vật này được sơn son thếp vàng. Khi tôi đến, thánh thượng đang ngự phòng thuốc cùng các phi tần nên tôi không thể yết kiến. Tôi được hầu hạ bữa sáng với mâm vàng, chén bạc và đủ các món sơn hào hải vị. Ăn xong tôi được đưa đến yết kiến ở Đông Cung và khám bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Với kinh nghiệm chứa bệnh lâu năm của mình chỉ nhìn sơ qua tôi đã đón được bệnh của thế tử là do nằm trong chốn màn che trướng rủ, ăn quá no, mặc quá ấm, lười vận động nên phủ tạng yếu đi, bệnh phát đã lâu... Sau một hồi suy nghĩ: sợ danh lợi ràng buộc không về núi được nhưng nghĩ lại còn chịu ơn nước nên cuối cùng tôi đã kê đơn theo đúng bệnh. Sau đó tôi từ giã, lên cáng trở về kinh Trung Kiền để chờ thánh chỉ. Bạn bè ai ai trong kinh cũng đến thăm hỏi.

4. Giá trị nội dung

- Qua tác phẩm, tác giả Lê Hữu Trác đã vẽ nên một bức tranh sinh động về cuộc sống xa hoa, quyền quý của chúa Trịnh, đồng thời bộc lộ thái độ coi thường danh lợi của chính Lê Hữu Trác.

5. Giá trị nghệ thuật

- Thể hiện rõ đặc điểm của thể kí: quan sát, ghi chép những sự việc có thật cùng cảm xúc chân thực của bản thân trước những sự việc đó

III. Dàn ý phân tích Vào phủ Chúa Trịnh

1. Quang cảnh và cung cách sinh hoạt nơi phủ chúa

- Quang cảnh nơi phủ chúa vô cùng sang trọng, lỗng lẫy không đâu sánh bằng:

+ Giàu từ nơi ở: phủ chúa rộng thênh thang, có nhiều lầu cửa, hành lang quanh co, đâu đâu cũng là cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, trăm hoa đua thắm,... ; lầu từng gác vẽ mây, rèm châu, hiên ngọc,...

+ Giàu sang trong tiện nghi sinh hoạt: đồ nghi trượng đều sơn son thếp vàng; đồ ăn thức uống đều là những cao lương mĩ vị, mâm vàng chén bạc,.... toàn những của ngon, vật lạ.

- Cuộc sống sinh hoạt nơi phủ chúa nhiều lễ nghi, khuôn phép. Kẻ hầu người hạ tấp nập, vô cùng cao sang và quyền quý:

+ Đầy tớ chạy đằng trước cáng hét đường, cáng chạy như ngựa lồng

+ Người giữ cửa truyền báo rộn ràng, người có việc qua lại như mắc cửi

+ Nói tới chúa lời lẽ phải hết sức lễ độ cung kính: Có thánh chỉ triệu cụ vào; Thánh thượng cho cụ vào để hầu mạch Đông cung thế tử,...

+ Để phục dịch một ông chúa nhỏ mà có tới năm sáu lầm trướng gấm, người hầu kẻ hạ tấp nập đứng hai bên,...

⇒ Đoạn văn miêu tả cung cấm rất tỉ mỉ, chi tiết giàu giá trị hiện thực, khắc họa sinh động cuộc sống xa hoa, tráng lệ, cùng uy quyền tối thượng nơi phủ chúa

2. Thái độ, tâm trạng của tác giả

a. Khi vào phủ chúa

- Tác giả cảm thấy vô cùng ngạc nhiên trước khung cảnh trước mắt

- Cảm nhận đầy đủ sự xa hoa trong phủ Chúa

- Tác giả cũng thể hiện thái độ dửng dưng, thờ ơ trước những quyến rũ vật chất, mà ngầm phê phán cuộc sống xa hoa, thừa thãi tiện nghi nhưng thiếu sinh khí, đó cũng là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh của thế tử hiện tại: Bởi thế tử ở chốn màn che trướng phủ ăn qua no, mặc quá ấm nên tạng phủ yếu đi

- Qua việc miêu tả sự giàu sang tới mức Cả trời Nam sang nhất là đây và sự lộng quyền của phủ chúa, tác giả đã ngầm ý mỉa mai, châm biếm.

b. Thái độ khi chữa bệnh cho thế tử và phẩm chất của người thầy thuốc

♦ Thái độ

- Hồi hộp, căng thẳng, tôn kính

- Mâu thuẫn: Nhưng sợ mình.... nếu mình làm có kết quả ngay lại bị danh lợi nó ràng buộc...... Chi bằng dùng phương thuốc hòa hoãn...... Nhưng nghĩ lại: Cha ông mình đời đời chịu ơn của nước, ta phải dốc hết cả lòng thành......

⇒ Tác giả đã quyết định chữa bệnh cho thái tử theo đúng y đức của một thầy thuốc.

♦ Phẩm chất

- Qua đó ta thấy, Lê Hữu Trác là một người thầy thuốc giỏi, có phẩm chất, già dặn kinh nghiệm

- Là thầy thuốc có lương tâm và đức độ

- Ông khinh thường quyền quý, danh lợi, yêu thích cuộc sống tự do, gắn bó với quê hương

3. Nghệ thuật

- Tài quan sát tỉ mỉ, ngòi bút ghi chép sự việc chân thực, tả cảnh sinh động, kể chuyện khéo léo

- Lối văn kí sự có sự kết hợp giữa ghi chép sự việc chính xác và bộc lộ thái độ, suy nghĩ, tình cảm của tác giả