Tổng quan tác phẩm: Tôi yêu em - A.X.Pu-Skin
I. Đôi nét về tác giả Pu-skin
- A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (1799-1837) là Mặt trời của thi ca Nga
- Pu-skin xuất thân trong một gia đình đại quý tộc lâu đời ít nhiều đã sa sút ở Mát-xcơ-va
- Pu-skin sớm có khát vọng tự do vì say mê cái đẹp. Từ nhỏ ông đã làm thơ và đến năm 14,15 tuổi, ông đã được đánh giá là thiên tài thi ca.
- Pu-skin là người căm ghét bạo lực, cường quyền, trung thành với lí tưởng tự do, bác ái
- Những tác phẩm tiêu biểu của Pu-skin:
+ Tiểu thuyết bằng thơ: Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin
+ Trường ca: Ru-xlan và Li-út-mi-la, Người tù Cáp-ca-dơ
+ Truyện ngắn: Cô tiểu thư nông dân, Con đầm pích
- Đặc điểm sáng tác của Pu-skin:
+ Pu-skin đã thể hiện thành công vẻ đẹp tâm hồn nhân dân Nga khao khát tự do và tình yêu.
+ Pu-skin chính là tiếng nói Nga trong sáng, thuần khiết, thể hiện cuộc sống một cách giản dị, chân thực.
II. Đôi nét về tác phẩm Tôi yêu em - A. X. Pu-Skin
1. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm
- Bài thơ Tôi yêu em được sáng tác năm 1829, sau một lần nhà thơ tỏ tình và bị khước từ.
2. Bố cục của bài thờ gồm 3 phần:
- Phần 1 (4 dòng thơ đầu): Những mâu thuẫn giằng xé trong tâm hồn nhà thơ
- Phần 2 (2 dòng thơ tiếp): Khổ đau và tuyệt vọng của nhân vật trữ tình
- Phần 3 (còn lại): Sự cao thượng, chân thành trong tình yêu của nhà thơ
3. Giá trị nội dung
- Bài thơ thấm đượm nỗi buồn của mối tình đơn phương, vô vọng, nhưng đây là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương mãnh liệt, chân thành, nhân hậu và vô cùng vị tha.
4. Giá trị nghệ thuật
- Lời giãi bày thể hiện qua ngôn từ giản dị mà tinh tế
III. Dàn ý phân tích Tôi yêu em (A. X. Pu-Skin)
1. Những mâu thuẫn giằng xé trong tâm trạng nhân vật trữ tình
- Điệp khúc "Tôi yêu em" - xuất hiện ở bên câu thơ đầu thể hiện cảm xúc bị kìm nén, dè dặt, bị lí trí chi phối.
- Cụm từ tôi yêu em bộc lộ trực tiếp một tình yêu chân thành
- Sự bày tỏ dè dặt qua cách dùng từ có lẽ, chưa tắt hẳn nhưng bên trong vẫn thể hiện một tình yêu âm ỉ, dai dẳng: "Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai"
- Vẫn mãi yêu em nhưng dường như nhà thơ đã nhận thức được tình yêu đơn phương của mình sẽ làm cho người mình yêu băn khoăn, u hoài. Vì vậy trong lí trí, nhà thơ muốn dập tắt ngọn lửa tình yêu để trả lại sự yên bìn, thanh thản trong tâm hồn người mà nhà thơ yêu.
"Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài"
2. Nỗi khổ đau và tuyệt vọng của nhân vật trữ tình
- Điệp khúc "Tôi yêu em" lại lần nữa xuất hiện thể hiện sự chuyển đổi đột ngột, tuôn trào của cảm xúc không còn nghe theo sự điều khiển của lí trí nữa.
- Những từ lúc, khi diễn tả những trạng thái tình yêu biến đổi đa dạng nhưng rất đỗi bình thường. Mặc dù tình yêu của tôi là không hi vọng không âm thầm đơn phương nhưng nó vẫn mang đầy đủ sắc thái tâm trạng của một người đang yêu: Muốn bày tỏ nhưng lại rụt rè, e ngại bị khước từ; thấy người mình yêu ở bên ai đó thì cảm thấy đau khổ, ghen tuông.
⇒ Bề ngoài lí trí thì cứng rắn nhưng trong thâm tâm nhà thơ vẫn "rất yêu em".
3. Sự cao thượng, chân thành trong tình yêu của nhân vật trữ tình
- Điệp khúc "Tôi yêu em", "yêu" lặp lại lần thứ ba thể hiện sự tuôn trào của cảm xúc muốn bộc bạch cho hết sự chân thành, đằm thắm của tình yêu mà tôi dành cho em, tình yêu ấy không bao giờ lụi tắt mặc dù vì người yêu thi nhân vẫn sẵn sàng rút lui.
- Nói là "Rút lui" nhưng ngọn lửa tình thì vẫn âm ỉ, vẫn cầu mong người mình yêu gặp được người khác yêu thương em như tôi đã từng yêu em vậy ⇒ Đây đúng là một tình cảm sâu đậm, nhân hậu và vô cùng cao thượng.
- Hai câu kết hàm chứa thật nhiều ý vị bởi:
+ Thực tế khi yêu người nào đó chúng ta thường ích kỉ, yêu càng sâu đậm thì khi chia tay càng hậm hực, nhỏ nhen, thậm chí còn cả thù hận khi tình yêu đó không được đáp lại.
+ Nhưng Pu-skin đã vượt qua thói ích kỉ tầm thường ấy, ông có một cách ứng xử rất đẹp, cao thượng: yêu tức là trân trọng người mình yêu, mong muốn người mình yêu luôn được hạnh phúc.
⇒ Lời giã biệt cho mối tình không thành nhưng vẫn tràn ngập yêu thương, không một chút hận thù mà chứa chan lời cầu mong đầy tính nhân văn.
4. Nghệ thuật
- Nghệ thuật điệp từ "Tôi yêu em", "yêu" được sử dụng vô cùng thành công
- Nhịp thơ khi ngập ngừng, sâu lắng diễn tả đau đớn thổn thức trong trái tim thi sĩ, khi lại mãnh liệt trào dâng trong cảm xúc yêu đương nồng cháy.
Bài trước: Bài thơ: Chiều xuân - Anh Thơ Bài tiếp: Nội dung: Bài thơ số 28 - Ta-go