Trang chủ > Lớp 8 > Giải BT Lịch sử 8 > Bài 7: Phong trào công nhân quốc tế cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX - Giải BT Lịch sử 8

Bài 7: Phong trào công nhân quốc tế cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX - Giải BT Lịch sử 8

Bài 7: Phong trào công nhân quốc tế cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX

(trang 47 sgk Lịch Sử 8): - Những sự kiện lịch sử nào chứng tỏ phong trào công nhân thế giới vẫn tiếp tục phát triển trong những năm cuối thế kỉ XIX?

Bài giải:

Những sự kiện lịch sử chứng tỏ phong trào công nhân thế giới vẫn tiếp tục phát triển trong những năm cuối thế kỉ XIX:

- Ở Anh năm 1899, xuất hiện cuộc đấu tranh của công nhân khuân vác Luân Đôn, buộc giới chủ phải tăng lương.

- Ở Pháp năm 1893, công nhân giành thắng lợi trong cuộc bầu cử.

- Ở Mĩ, ngày 1/5/1886 có hơn 350.000 công nhân đình công biểu tình đòi ngày làm 8 giờ, nổi bật là cuộc biểu tình của công nhân Si-ca-gô.

- Những tổ chức chính trị độc lập của giai cấp công nhân ra đời, nổi bật như "Đảng xã hội dân chủ Đức", "Đảng công nhân Pháp năm 1879", hay nhóm giải phóng lao động Nga năm 1883.

(trang 48 sgk Lịch Sử 8): - Nêu Hoàn cảnh ra đời của Quốc tế thứ hai. Tại sao Quốc tế thứ hai tan rã?

Bài giải:

- Hoàn cảnh ra đời của Quốc tế thứ hai:

+ Do sự phát triển mạnh của phong trào công nhân, đặc biệt là sự ra đời của tổ chức công nhân ở các nước => Đòi hỏi phải thành lập một tổ chức quốc tế mới thay thế cho Quốc tế thứ nhất.

+ Ngày 14/7/1889, nhân kỉ niệm 100 năm phá ngục Ba-xti, gần 400 đại biểu công nhân của 22 nước họp tại Đại hội ở Pa-ri tuyên bố thành lập Quốc tế thứ hai.

- Nguyên nhân Quốc tế thứ hai tan rã:

+ Chủ nghĩa cơ hội đã xâm nhập và khiến Quốc tế thứ hai từ bỏ lập trường vô sản, thay vào đó ủng hộ chính phủ tư sản, thúc đẩy công nhân và nông dân các nước tham gia cuộc chạy đua vũ trang, chuẩn bị cho chiến tranh thế giới.

(trang 49 sgk Lịch Sử 8): - Tìm hiểu, trình bày những nét chính về cuộc đời và hoạt động cách mạng của Lê-nin.

Bài giải:

Những nét chính về cuộc đời và hoạt động cách mạng của Lê-nin:

- V. I. Lê-nin, sinh năm 1870, mất năm 1924, là tên bí danh hoạt động cách mạng của Vla-đi-mia I-lich U-li-a-nốp. Ông sinh ngày 22/4/1870 trong một gia đình nhà giáo tiến bộ. Ngay từ thời sinh viên, ông đã hoạt động tích cực tham gia cuộc cách mạng chống Nga hoàng.

- Năm 1893, Lê-nin đến thủ đô Pê-tec-bua và trở thành người lãnh đạo nhóm Mác xít ở đây (mầm mống đầu tiên của chính đảng vô sản).

- Sau khi bị bắt và bị đi đày ở Xi-bia, ông sống ở nước ngoài một thời gian. Năm 1903, ông thành lập Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga với Cương lĩnh cách mạng.

(trang 49 sgk Lịch Sử 8): - Những điểm nào chứng tỏ Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga là đảng kiểu mới?

Bài giải:

Những điểm chứng tỏ Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga là đảng kiểu mới:

- Đảng triệt để đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp công nhân, mang tính giai cấp, tính chiến đấu triệt để.

- Đảng đi theo đường lối chống chủ nghĩa cơ hội tuân theo những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác (lật đổ chế độ tư sản, đưa giai cấp vô sản lên nắm chính quyền, xây dựng xã hội cộng sản).

- Đảng dựa vào quần chúng và lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng.

(trang 50 sgk Lịch Sử 8): - Nêu nguyên nhân và diễn biến của Cách mạng Nga 1905 – 1907.

Bài giải:

- Nguyên nhân:

Thất bại trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (năm 1904-1905) làm cho nền kinh tế, chính trị, xã hội ở Nga lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Cuối năm 1904, phong trào phản chiến đã nổ ra khắp nơi. Khắp nước Nga vang lên khẩu hiệu "Đánh đổ chế độ chuyên chế", "Đả đảo chiến tranh", "Ngày làm 8 giờ" và lớn nhất là phong trào của công nhân, nông dân, binh lính diễn ra trong các năm từ 1905 - 1907.

- Diễn biến cuộc Cách mạng Nga 1905 – 1907:

+ Lãnh đạo gồm giai cấp công nhân Nga, đứng đầu là Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích.

+ Ngày 9/1/1905,14 vạn công nhân Pê-téc-bua tay không vũ khí đến Cung điện Mùa Đông để thỉnh cầu Nga hoàng cải thiện đời sống nhưng bị đàn áp đẫm máu.

+ Tháng 5/1905, nông dân nổi dậy ở nhiều nơi đánh vào địa chủ phong kiến đã thiêu hủy nhiều khế ước, văn tự, lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo.

+ Tháng 6/1905, các thủy thủ ở chiến hạn Pô-tem-kin nổi dậy khởi nghĩa.

+ Tháng 12/1905, cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Mát-xcơ-va nhưng thất bại.

Bài 1 (trang 50 sgk Lịch sử 8): Nêu một số sự kiện chứng tỏ sự phát triển của phong trào công nhân cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX.

Bài giải:

Một số sự kiện chứng tỏ sự phát triển của phong trào công nhân cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX:

- Ở Anh năm 1899, xuất hiện cuộc đấu tranh của công nhân khuân vác Luân Đôn, buộc giới chủ phải tăng lương.

- Ở Pháp năm 1893, công nhân giành thắng lợi trong cuộc bầu cử.

- Ở Mĩ, ngày 1/5/1886 có hơn 35 vạn công nhân đình công biểu tình đòi ngày làm 8 giờ, đặc biệt là cuộc biểu tình của công nhân Si-ca-gô.

- Nhiều tổ chức chính trị độc lập của giai cấp công nhân ra đời như: Đảng xã hội dân chủ Đức, Đảng công nhân Pháp năm 1879, nhóm giải phóng lao động Nga năm 1883.

Bài 2 (trang 50 sgk Lịch sử 8): Em hãy nêu ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Nga 1905 – 1907.

Bài giải:

Ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Nga năm 1905 – 1907:

- Đối với nước Nga: Cuộc cách mạng năm 1905 - 1907, đã giáng một đòn nặng nề vào nền thống trị của địa chủ và tư sản. Làm suy yếu chế độ Nga hoàng và báo trước một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ nổ ra. Đây chính là cuộc tổng diễn tập, tạo tiền đề cho cuộc cách mạng Nga năm 1917.

- Đối với thế giới, cuộc cách mạng Nga có ảnh hưởng lớn đến phong trào đấu tranh ở các nước châu Á, Tây Âu và cả những phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa - đó chính là thời kì "châu Á thức tỉnh".