Trang chủ > Lớp 7 > Giải Khoa học xã hội VNEN > Bài 15: Buổi đầu độc lập thời Ngô-Đinh-Tiền Lê (Thế kỉ X) - trang 85 Khoa học xã hội 7 Tập 1 VNEN

Bài 15: Buổi đầu độc lập thời Ngô-Đinh-Tiền Lê (Thế kỉ X) - trang 85 Khoa học xã hội 7 Tập 1 VNEN

A. Hoạt động khởi động

Câu hỏi trang 85 Khoa học xã hội 7 Tập 1 VNEN. Đọc thông tin và quan sát các hình ảnh, hãy nêu hiểu biết của em về thời kì lịch sử gắn liền với các sự kiện và nhân vật lịch sử được đề cập đến trong tư liệu

Hướng dẫn giải:

* Hình 1: Bãi cọc gỗ đóng dưới lòng sông Bạch Đằng

- Trận thắng lớn ở sông Bạch Đằng vào năm 938 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lịch sử Việt Nam. Trận thắng đã giúp chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ cho Việt Nam.

- Chiến thắng Bạch Đằng có thể coi là trận chung kết toàn thắng của dân tộc Việt Nam trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, đấu tranh giành lại độc lập dân tộc.

* Hình 2: Đền thờ Đinh Tiên Hoàng ở cố đô Hoa Lư.

- Đinh Tiên Hoàng vốn họ Đinh, tên Hoàn. Bộ lĩnh là tước quan của sứ quân Trần Lâm phong cho, nên còn gọi là Đinh Bộ Lĩnh.

- Ông sinh năm 923, quê ở Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương, Huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), ông là con của thứ sử Châu Hoan Đinh Công Trứ. Cha mất sớm, hàng ngày, lúc chăn trâu, ông thường cùng trẻ chăn trâu chia phe tập trận.

- Ông có tài chỉ huy nên được bọn trẻ mến phục. Chúng khoanh tay làm kiệu để rước và cầm lau đi hai bên như "Rước thiên tử". Lớn lên, ông đầu quân trong đạo binh của sứ quân Trần Lâm. Do dũng cảm, mưu lược nên được phong làm Bộ Lĩnh. Trần Lâm chết, ông đem quân về giữ Hoa Lư chiêu mộ hào kiệt hùng cứ bốn phương chống giặc Ngô và các sứ quân khác.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Tìm hiểu tình hình chính trị nước ta thời Ngô-Đinh-Tiền lê

1.1. Tình hình nước ta thời nhà Ngô

Câu hỏi trang 86 Khoa học xã hội 7 Tập 1 VNEN: Đọc thông tin kết hợp các hình ảnh hãy:

- Cho biết việc Ngô Quyền quyết định từ bỏ chức Tiết độ sứ phản ánh điều gì. Em có nhận xét gì về tổ chức nhà nước thời Ngô Quyền?

- Trình bày tình hình nước ta sau khi Ngô Quyền mất. Tại sao sử cũ lại gọi là “Loạn 12 xứ quân” Tình trạng này đặt ra những yêu cầu gì?

Hướng dẫn giải:

- Tiết độ sứ mang tính chất giống như một viên quan của Trung Quốc cai quản vùng đất phía Nam. Ngô Quyền quyết định từ bỏ chức Tiết độ tương đương với việc khẳng định chủ quyền của dân tộc, không bị lệ thuộc vào Trung Quốc như trước nữa.

- Nhận xét về tổ chức nhà nước thời Ngô Quyền:

+ Tổ chức bộ máy nhà nước còn đơn giản nhưng được thống nhất từ trung ương đến địa phương.

+ Vua đứng đầu triều đình, quyết định mọi công việc (Chính trị, ngoại giao, quân sự).

+ Dưới vua có các quan văn, quan võ

+ Ở địa phương, các tướng lĩnh có công được vua cử đi cai quản các châu quan trọng gọi là thứ sứ.

* Tình hình nước ta sau khi Ngô Quyền mất (năm 944)

- Năm 944, Ngô Quyền mất, hai con trai còn nhỏ, chưa đủ uy tín, lại bị Dương Tam Kha tiếm quyền, các thế lực cát cứ, thổ hào địa phương khắp nơi lần lượt nổi dậy. Đất nước trở nên rối loạn.

- Nhà Tống đang có mưu đồ xâm lược nước ta.

- Năm 965, Ngô Xương Văn mất. Cuộc tranh chấp giữa các thế lực, thổ hào địa phương vẫn tiếp diễn, 12 tướng lĩnh chiếm cứ các vùng địa phương. Sử cũ gọi là "Loạn 12 sứ quân".

- “Loạn 12 sứ quân” là do Dương Tam Kha tiếm quyền, các phe phái nổi lên khắp nơi. Năm 950, Ngô Xương Văn dẹp được Dương Tam Kha, nhưng cuộc tranh chấp giữa các thế lực, thổ hào địa phương vẫn tiếp diễn, 12 tướng lĩnh chiếm cứ các vùng địa phương => Sử cũ gọi là “Loạn 12 sứ quân”.

=> Tình trạng này đặt ra yêu cầu cần có một vị vua thống nhất đất nước và củng cố lại nền độc lập của dân tộc

1.2. Tình hình nước ta thời nhà Đinh

Câu hỏi trang 87 Khoa học xã hội 7 Tập 1 VNEN. Đọc thông tin kết hợp quan sát hình ảnh, hãy:

- Cho biết Đinh Bộ Lĩnh đã làm gì để thống nhất đất nước.

- Giải thích lí do Đinh Bộ Lĩnh chọn Hoa Lư để đóng đô. Những việc làm của Đinh bộ lĩnh có ý nghĩa như thế nào?

Hướng dẫn giải:

- Để chấm dứt tình trạng cắt cứ, đưa đất nước trở lại bình yên, thống nhất, Đinh Bộ Lĩnh đã liên kết với các sứ quân Trần Lãm, chiêu dụ sứ quân Phạm Bạch Hổ tiến đánh các sứ quân khác. Nhờ vào tài năng và ủng hộ của người dân, các sứ quân lần lượt bị đánh bại hoặc xin hàng. Đến cuối năm 967, đất nước được thống nhất và bình yên.

- Đinh Bộ Lĩnh đã chọn vùng đất Hoa Lư để đóng đô là vì:

+ Hoa lư là nơi núi non trùng điệp. núi trong sông, sông trong núi, căn cứ thủy bộ rất thuận tiện. Sau lưng là rừng, trước mặt là đồng bằng, xa nữa là biển cả...

+ Nơi đây non sông tráng lệ, phong thủy hài hòa, xứng đáng để được chọn là nơi dựng đô.

* Những việc làm đó của Đinh bộ lĩnh có ý nghĩa:

- Mang lại cho nhân dân một cuộc sống hòa bình, độc lập để yên tâm lao động sản xuất, thế nước hưng thịnh.

- Là cơ sở, nền tảng để xây dựng và phát triển đất nước, chiến thắng kẻ thù, bảo vệ vững chắc nền độc lập

1.3. Tình hình nước ta thời Tiền Lê

Câu hỏi trang 88 Khoa học xã hội 7 Tập 1 VNEN: -Nêu những quyết định của Lê Hoàn trước sự xâm lược của nhà Tống. Em đánh giá thế nào về việc tổ chức kháng chiến của Lê Hoàn?

- Tường thuật diễn biến chiến thắng quân Tống năm 981 trên lược đồ hình 8. Thắng lợi này có ý nghĩa như thế nào?

Hướng dẫn giải:

* Những quyết định của Lê Hoàn trước sự xâm lược của nhà Tống:

- Vua tự đi làm tướng chặn giặc trực tiếp lãnh đạo quân đội chống quân xâm lược.

- Vua sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông chuẩn bị sẵn sàng đánh giặc

=> Em cảm thấy việc tổ chức kháng chiến của Lê Hoàn rất thông minh, đúng thời điểm và đem lại hiệu quả cao

* Diễn biến chiến thắng quân Tống năm 981:

- Năm 981, quân Tống theo hai đường thủy bộ tiến vào xâm lược nước ta

- Dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn, quân ta chặn đánh địch ở sông Bạch Đằng và ải Chi Lăng.

- Tại cửa sông Bạch Đằng, Lê Hoàn chỉ huy cho đóng cọc để ngăn chặn thuyền địch. Nhiều trận chiến đấu ác liệt diễn ra, cuối cùng quân thủy của địch cũng bị chết gần hết.

- Trên bộ, quân ta cũng chặn đánh ác liệt ở Chi Lăng buộc chúng phải rút quân. Thừa thắng quân ta truy kích diệt địch, quân giặc chết đến quá nửa. Tướng giặc bị giết => cuộc kháng chiến thắng lợi.

* Ý nghĩa của thắng lới đó:

- Bảo vệ nền độc lập của đất nước

- Đánh bại âm mưu xâm lược của kẻ thù

- Chứng tỏ ý chí quyết tâm của nhân dân ta.

2. Khám phá tình hình kinh tế và văn hóa nước ta dưới thời Ngô-Đinh-Tiền Lê

2.1 Bước đầu xây dựng nền kinh tế tự chủ

Câu hỏi trang 89 Khoa học xã hội 7 Tập 1 VNEN. Đọc thông tin kết hợp quan sát hình ảnh, hãy trình bày và nêu nhận xét về tình hình kinh tế nước ta dưới thời Ngô - Đinh - Tiền Lê

Hướng dẫn giải:

Tình hình kinh tế nước ta dưới thời Ngô-Đinh-Tiền Lê:

a. Nông nghiệp:

- Ruộng đất của làng xã chia đều cho nông dân cày cấy, đi lính và làm lao dịch cho nhà vua.

- Việc đào vét kênh mương, khai khẩn đất hoang…được chú trọng.

=> Nông nghiệp ổn định và bước đầu phát triển, nghề trồng dâu nuôi tằm cũng được khuyến khích…, các năm 987,989 được mùa.

b. Thủ công nghiệp:

- Xây dựng nhiều xưởng thủ công: xưởng đúc tiền, chế tạo vũ khí, may mũ áo.. xây dựng cung điện, chùa chiền.

- Các nghề thủ công truyền thống cũng phát triển như dệt lụa, làm gốm…

c. Thương nghiệp:

Nhiều trung tâm buôn bán và chợ làng quê được hình thành. Nhân dân hai nước Việt – Tống thường qua lại trao đổi hàng hóa ở vùng biên giới.

=> Nhận xét: Kinh tế nước ta ngày một phát triển khẳng định quyền độc lập tự chủ dân tộc, cuộc sống nhân dân ngày một ổn định và phát triển.

2.2. Đời sống xã hội, văn hóa thế kỉ X

Câu hỏi trang 90 Khoa học xã hội 7 Tập 1 VNEN: Đọc thông tin kết hợp quan sát hình hãy:

- Cho biết Ngô-Đinh-Tiền Lê, tôn giáo nào phát triển nhất. Tại sao các nhà sư lại được trọng dụng

- Phát biểu cảm nhận khi quan sát hình 10,11

Hướng dẫn giải:

- Thời Ngô-Đinh-Tiền Lê, phật giáo phát triển nhất. Các nhà sư thường là người có học, giỏi chữ Hán, được nhà vua là nhân dân quý trọng nên được trọng dụng như những cố vấn cung đình, những nhà ngoại giao đắc lực cho nhà vua.

- Quan sát hình 10,11, em cảm thấy Đạo Phật có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc với nhân dân. Ở thời Ngô -Đinh -Tiền Lê, nhà vua đã cho xây dựng nhiều chùa chiền ở khắp nơi trong kinh thành. Hình ảnh của những ngôi chùa ngằm thể hiện nét văn hóa lâu đời (Phật giáo) được duy trì từ ngày xưa cho đến ngày nay

C. Hoạt động luyện tập

Câu 1. trang 91 Khoa học xã hội 7 Tập 1 VNEN: Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn đã có những công lao như thế nào trong lịch sử dân tộc.

Hướng dẫn giải:

- Ngô Quyền là người đã giành chiến thắng ở trận Bạch Đằng. Là người có công chấm dứt thời kì Bắc Thuộc kéo dài 10 thế kỉ, đặt nền móng xây dựng chính quyền độc lập và khẳng định chủ quyền của dân tộc.

- Đinh Bộ Lĩnh là người có công chấm dứt tình trạng cát cứ “Loạn 12 sứ quân” đưa đất nước trở lại bình yên, thống nhất. Sau khi lên ngôi hoàng đế hiệu Đinh Tiên Hoàng. Ông là vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam.

Câu 2. trang 91: Hãy nối những nhân vật ở cột bên trái với nội dung cột bên phải sao cho phù hợp (ghi số thứ tự và chữ cái tương ứng vào vở.

1. Ngô Quyền a. Đặt quốc hiệu nước là Đại Cồ Việt
b. Quyết định bỏ chức Tiết độ sứ
2. Đinh Tiên Hoàng c. Từ bỏ quyền lợi riêng của dòng họ, đặt lợi ích dân tộc lên trên
d. Đánh thắng quân Tống xâm lược lần thứ nhất
3. Lê Hoàn e. Chuyển kinh đô từ Hoa Lưu về Thăng Long

Hướng dẫn giải:

Nối như sau: 1-b; 2-a; 3-d

Câu 3. trang 92: Tình hình nước ta trong thế kỉ X có gì khác biệt so với thời Bắc thuộc?

Hướng dẫn giải:

* Tình hình nước ta trong thế kỉ X có sự khác biệt so với thời Bắc thuộc đó là:

- Thời Ngô Quyền, bỏ chức tiết độ sứ, lên ngôi vua.

- Vua quản lí chặt chẽ

- Bộ máy nhà nước thống nhất từ trung ương

Câu 4. trang 92. Tại sao nói thế kỉ X là thế kỉ mở đầu của chế độ phong kiến độc lập ở Việt Nam?

Hướng dẫn giải:

Người ta nói thế kỉ X là thế kỉ mở đầu của chế độ phong kiến độc lập ở Việt Nam vì:

- Ngô Quyền bỏ chức tiết độ sứ => muốn khẳng định mở đầu chế độ phong kiến của Việt Nam.

- Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vua, đúc tiền=> khẳng định nền độc lập, ý thức giữ gìn bờ cõi non sông.

- Vua Lê Hoàn còn chủ động đánh giặc Tống xâm lược => để khẳng định thêm ý thức giữ gìn, bảo vệ đất nước, đây là một bước tiến mới trong khả năng bảo vệ đất nước của dân tộc ta.

D. Hoạt động vận dụng

Câu 1. trang 92 Khoa học xã hội 7 Tập 1 VNEN: Nếu đóng vai là Đinh Tiên Hoàng, em có chọn đặt kinh đô ở Hoa Lư (Ninh Bình) không? Vì sao?

Hướng dẫn giải:

Nếu đóng vai là Đinh Tiên Hoàng, em vẫn sẽ chọn đặt kinh đô ở Hoa Lư (Ninh Bình) vì:

+ Địa hình ở đây núi non hiểm trở, dễ tấn công khó phòng thủ, núi trong sông sông trong núi.

+ Căn cứ thủy bộ rất thuận tiện. Sau lưng là rừng, trước mặt là đồng bằng, xa nữa là biển cả...

=> Nơi đây non sông tráng lệ phong thủy hài hòa nên mới chọn làm kinh đô.

Câu 2. trang 92. Dựa vào lược đồ dưới đây, đóng vai là hướng dẫn viên du lịch hãy giới thiệu với du khách về các di tích thờ vua ở Ninh Bình

Hướng dẫn giải:

Sưu tầm:

“Chào mừng các bạn đã đến với Ninh Bình. Tôi rất tự hào khi được giới thiệu cho các bạn về mảnh đất thiêng liêng này. Vùng đất Ninh Bình được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi trùng điệp, hùng vĩ như những bức tường thành kiên cố, bởi vậy nơi đây từng được chọn làm kinh đô nước Việt dưới 3 triều đại vua Đinh - Lê - Lý, từ năm 968 đến năm 1010. Nơi đây còn được người dân gọi là "Kinh đô đá". Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư, nằm trong khu vực trung tâm của quần thể danh thắng Tràng An, hiện nay có diện tích quy hoạch 13,87 km², là nơi lưu giữ các dấu ấn lịch sử thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội, cùng với đó là hệ thống các đền, lăng, đình, chùa, phủ... Cách đây hơn 1000 năm, những bãi lau sậy nằm sâu trong các thung lũng giữa núi non Tràng An là nơi Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau khởi nghĩa, dẹp loạn 12 xứ quân. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế và chọn Hoa Lư làm kinh đô. Nơi đây trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Cồ Việt. Từ năm 968 đến năm 1009, có 6 vị vua Đinh Tiên Hoàng, Đinh Phế Đế, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh, Lý Thái Tổ đóng đô. Đến nay, dấu tích của kinh đô xưa vẫn còn được tìm thấy ở các đền chùa, miếu mạo trong khuôn viên cố đô Hoa Lư. Chị Đỗ Ngọc Ánh, hướng dẫn viên du lịch, cho biết: "Ở đền vua Đinh và đền vua Lê trong quần thể cố đô Hoa Lư vẫn còn lưu giữ những nét kiến trúc, điêu khắc gỗ tinh xảo, độc đáo từ thế kỷ 17. Tại các khu đền thờ này, ngoài các gian thờ còn có gian trưng bày các hiện vật cách đây hơn 1000 năm được tìm thấy. Nhiều nhất thì có các mảnh bát bằng sành mà theo tương truyền đây là vật dụng của binh lính dưới thời nhà Đinh sử dụng khi khao quân thắng trận. Tất cả các di vật đều gắn với những câu chuyện lịch sử".