Nhân vật giao tiếp - Tập làm văn 12
I. Kiến thức cơ bản
- Trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, các nhân vật giao tiếp trong vai người nói, vai người nghe và thường luân phiên lượt lời với nhau.
- Nhân vật giao tiếp có vị thế ngang hàng/ cách biệt; xa lạ/ chân tình; lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, vốn sống…
- Để đạt được mục đích giao tiếp và hiệu quả giao tiếp, mỗi nhân vật giao tiếp, tùy thuộc vào ngữ cảnh mà lựa chọn thực hiện chiến lược giao tiếp cụ thể.
Ví dụ:
Anh Mịch nhăn nhó, nói:
- Lạy ông, ông làm phúc tha cho con, mai con phải làm trừ nợ cho ông Nghị kẻo ông ấy đánh chết.
Ông Lí cau mặt, lắc đầu, giơ roi song to bằng ngón chân cái lên trời, dậm dọa:
- Kệ mày, theo lệnh quan, tao chiếu sổ đinh thì lần này đến lượt mày rồi.
II. Bài tập củng cố
Bài 1:
Phân tích mối quan hệ giữa đặc điểm về vị thế xã hội, nghề nghiệp, giới tính, văn hóa, … của các nhân vật giao tiếp với đặc điểm trong lời nói của từng người trong đoạn trích sau:
Chị Dậu xám mặt, vội vàng đặt con xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay hắn:
Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho!
- Tha này! Tha này!
Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi lại sấn đến để trói anh Dậu.
Hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại:
- Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!
Cai lệ tát vào mặt chị cái đánh bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu.
Chị Dậu nghiến hai hàm răng:
- Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!
Bài 2:
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Rồi Dế Choắt loanh quanh, băn khoăn. Tôi phải bảo:
- Được chú mình cứ nói thẳng thừng ra nào.
Dế Choắt nhìn tôi mà rằng:
Anh đã nghĩ thương em như thế thì hay là anh đào giúp cho em một cái ngách sang bên nhà anh, phòng khi tắt lửa tối đèn có đứa nào đến bắt nạt thì em chạy sang…
Chưa nghe hết câu, tôi đã hếch răng lên, xì một hơi rõ dài. Rồi với điệu bộ khinh khỉnh tôi mắng:
- Hức! Thông ngách sang nhà ta? Dễ nghe nhỉ! Chú mày hôi như cú mèo thế này, ta nào chịu được. Thôi im cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi. Đào nông thì cho chết!
a, Hai nhân vật trong đoạn trích có quan hệ với nhau như thế nào? Điều đó chi phối lời nói, cách nói của họ ra sao (cách xưng hô, nội dung lời nói…)
b, Phân tích sự tương tác về hành động nói giữa lượt lời của hai nhân vật giao tiếp trong đoạn trích
c, Qua lời nói, em nhận xét gì về tính cách, cách cư xử của hai nhân vật.
Hướng dẫn trả lời:
Bài 1:
Trong đoạn trích là cuộc đối thoại giữa chị Dậu và cai lệ trong cảnh truy thu sưu thuế.
Vị thế xã hội: Cai lệ (kẻ đi thu thuế) có vai vế xã hội cao hơn chị Dậu
Nghề nghiệp: Chị Dậu là nông dân nghèo, còn cai lệ là tên tay sai đầy tớ cho chính quyền
Vị thế xã hội, hoàn cảnh giao tiếp tác động tới cuộc hội thoại:
+ Cách xưng hô thể hiện rõ sự cách biệt về vai vế xã hội (chị Dậu xưng hô cung kính: cháu- ông, cai lệ xưng hô hách dịch, trịch thượng: tao- mày)
+ Cách xưng hô thay đổi cách => thể hiện sự thay đổi vị thế giao tiếp: chị Dậu vùng lên, xưng hô: bà – mày
- Cuộc hội thoại có sự thay đổi vị thế giao tiếp, sắc thái nhân vật giao tiếp, điều này thể hiện dụng ý của tác giả, tạo ra cuộc phản kháng mạnh mẽ của những kiếp người đáng thương trước thế lực bạo tàn.
Bài 2:
a, Vị thế giao tiếp của Dế Mèn cao hơn Dế Choắt thể hiện qua cách xưng hô và thái độ của Dế Mèn đối với Dế Choắt
Dế Mèn: xưng ta - chú mày
Dế Choắt: xưng em - anh
Dế Choắt e dè, sợ sệt, ngại ngùng khi ngỏ ý muốn được thông ngách sang nhà Dế Mèn.
Dế Mèn hống hách, khinh thường, lạnh nhạt và từ chối giúp đỡ Dế Choắt.
b, Trong cuộc hội thoại, Dế Choắt không đạt được mục đích giao tiếp (chưa để Dế Choắt nói hết câu Dế Mèn đã hếch răng, xì một hơi rõ dài, từ chối)
- Cuộc giao tiếp nhanh chóng kết thúc khi Dế Mèn từ chối.
Bài trước: Chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận - Tập làm văn 12 Bài tiếp: Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi - Tập làm văn 12