Trang chủ > Lớp 12 > Lý thuyết, Bài tập Tiếng Việt - Tập làm văn 12 > Chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận - Tập làm văn 12

Chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận - Tập làm văn 12

I. Kiến thức cơ bản

1. Lỗi liên quan đến việc nêu luận điểm

- Nêu luận điểm trùng lặp hoặc nêu không rõ ràng, không phù hợp với bản chất của vấn đề cần giải quyết.

2. Lỗi về cách lập luận

- Nêu luận cứ không đầy đủ, thiếu chính xác, thiếu chân thực, không liên quan mật thiết đến luận điểm cần trình bày, trùng lặp hoặc quá rườm rà.

- Lập luận mâu thuẫn, luận cứ không phù hợp với luận điểm.

II. Bài tập vận dụng

Em hãy chữa lỗi lập luận trong đoạn văn sau:

Từ xa xưa, tình yêu thiên nhiên là đề tài muôn thuở trong văn học. Trong nền văn học trung đại nước nhà có nhiều tác giả lấy cảm hứng từ thiên nhiên làm nguồn cảm hứng trong sáng tác của mình như Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Trương Hán Siêu... Trong đó tiêu biểu là tác giả Nguyễn Trãi với tác phẩm Côn Sơn ca, áng văn chính luận xuất sắc này đã đánh dấu tên tuổi của Nguyễn Trãi trong lòng người đọc.

Bức tranh thiên nhiên Côn Sơn hiện lên đẹp, qua ngòi bút của tác giả, mọi âm thanh, màu sắc, hình ảnh tươi đẹp nhất hiện lên.

Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

Côn Sơn có đá rêu phơi

Ta ngồi trên đá như ngồi nệm êm

Mở đầu bài thơ, tác giả dẫn dắt người đọc cùng cảm nhận thứ âm thanh trong trẻo, thi vị của tiếng suối. Tiếng suối như tiếng đàn cầm, nâng đỡ tâm hồn con người. Cảnh đẹp của Côn Sơn không chỉ có tiếng suối, còn có cả rêu, cả rừng thông, rừng trúc xanh mát. Đó là sự hoang dã của thiên nhiên, khiến người đọc lạc vào thế giới tự nhiên đầy màu sắc, sinh động, hấp dẫn. Phải là người yêu thiên nhiên tha thiết mới có thể hòa mình với thiên nhiên hữu tình đến như vậy.

Bài thơ được viết vào những năm Nguyễn Trãi còn đương chức, gánh vác việc chính sự cùng vua Lê. Những năm tháng nương tựa vào thiên nhiên của Côn Sơn, thể hiện sự thanh thản của Nguyễn Trãi trong những ngày sống ở quê hương, gần gũi gắn bó với thiên nhiên.

Hướng dẫn trả lời:

Trong bài nghị luận trên, lỗi lập luận khi triển khai các luận điểm (sắp xếp lộn xộn các luận điểm), luận điểm chưa có tính chính xác.

Sửa lỗi:

Từ xa xưa, tình yêu thiên nhiên là đề tài muôn thuở trong văn học. Trong nền văn học trung đại nước nhà có nhiều tác giả lấy cảm hứng từ thiên nhiên làm nguồn cảm hứng trong sáng tác của mình như Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Trương Hán Siêu... Trong đó tiêu biểu là tác giả Nguyễn Trãi với tác phẩm Côn Sơn ca, đã đánh dấu tên tuổi của Nguyễn Trãi trong lòng người đọc.

Mở đầu bài thơ, tác giả dẫn dắt người đọc cùng cảm nhận thứ âm thanh trong trẻo, thi vị của tiếng suối. Tiếng suối như tiếng đàn cầm, nâng đỡ tâm hồn con người.

Bức tranh thiên nhiên Côn Sơn hiện lên đẹp, qua ngòi bút của tác giả, mọi âm thanh, màu sắc, hình ảnh tươi đẹp nhất hiện lên.

Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

Côn Sơn có đá rêu phơi

Ta ngồi trên đá như ngồi nệm êm

Cảnh đẹp của Côn Sơn không chỉ có tiếng suối, còn có cả rêu, cả rừng thông, rừng trúc xanh mát. Đó là sự hoang dã của thiên nhiên, khiến người đọc lạc vào thế giới tự nhiên đầy màu sắc, sinh động và hấp dẫn. Phải là người yêu thiên nhiên tha thiết mới có thể hòa mình với thiên nhiên hữu tình đến như vậy.

Bài thơ được viết vào những năm Nguyễn Trãi cáo quan về quê ở ẩn. Những năm tháng hòa mình vào thiên nhiên của Côn Sơn, thể hiện sự thanh thản của Nguyễn Trãi trong những ngày sống ở quê hương, gần gũi gắn bó với thiên nhiên.