Trang chủ > Lớp 3 > Giải Cùng em học Tiếng Việt lớp 3 > Tuần 25 Tiết 1 trang 26, 28 - Cùng em học Tiếng Việt lớp 3 Tập 2

Tuần 25 Tiết 1 trang 26, 28 - Cùng em học Tiếng Việt lớp 3 Tập 2

Bài 1 (trang 26 Cùng em học Tiếng Việt lớp 3 Tập 2):

Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:

Hội Chùa Hương

Hương năm, mỗi độ xuân về, hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu người khắp bốn phương lại nô nức trẩy Hội Chùa Hương, một thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Nội.
Ngày mồng sáu tháng giêng là khai Hội và Hội thường kéo dài đến hết tháng ba âm lịch.
Ngày khai Hội, tất cả các đền chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả Hương Sơn. Dân làng tổ chức rước thần từ đền đến đình. Cờ trống đi trước, dàn nhạc bát âm kế theo, rồi tiếp sau là đoàn người thành kính. Không khí lễ hội rộn ràng, vui tươi. Vào những ngày tổ chức lễ hội, Chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Một trong những nét độc đáo của Hội Chùa Hương là thú vui ngồi thuyền ngắm cảnh.
Trên những triền núi cao, nơi những rừng cây, rừng mơ, … là những đoàn người trẩy Hội. Kẻ lên, người xuống, tiếng nói cười rộn rã giữa màu xanh cây lá.
(Theo Việt Bảo)

a. Lễ Hội Chùa Hương diễn ra vào mùa nào?

Giải đáp:

- Lễ hội chùa Hương diễn ra vào mùa xuân.

b. Một trong những nét độc đáo của lễ Hội Chùa Hương là gì?

Giải đáp:

- Một trong những nét độc đáo của lễ Hội Chùa Hương là thú vui ngồi thuyền ngắm cảnh.

c. Hãy viết cảm nhận của em về cảnh đẹp của Chùa Hương.

Giải đáp:

- Cảnh Chùa Hương hiện lên vừa linh thiêng, lại vừa đẹp đẽ với những rừng mơ trắng nở rộ. Bốn bề xung quanh được che phủ bởi màu xanh của rừng núi. Đoàn người trẩy hội vừa được ngắm nhìn phong cảnh núi rừng, vừa tận hưởng không khí thanh tịnh mà nơi đây mang lại. Quả là một trải nghiệm vô cùng thú vị.

Bài 2 (trang 27):

Đọc đoạn thơ dưới đây và trả lời câu hỏi sau:

Tre, trúc thổi nhạc sáo
Khe suối gảy nhạc đàn
Cây rủ nhau thay áo
Khoác bao màu tươi non.

Công dẫn đầu đội múa
Khướu lĩnh xướng dàn ca
Kì nhông diễn ảo thuật
Thay đổi hoài màu da.

Nấm mang ô đi hội
Tới suối nhìn mê say:
Ơ kìa, anh cọn nước
Đang chơi trò đu quay!
(Ngày hội rừng xanh)

a. Gạch dưới những sự vật, con vật được nhân hóa.

Giải đáp:

Tre, trúc thổi nhạc sáo
Khe suối gảy nhạc đàn
Cây rủ nhau thay áo
Khoác bao màu tươi non.

Công dẫn đầu đội múa
Khướu lĩnh xướng dàn ca
Kì nhông diễn ảo thuật
Thay đổi hoài màu da.

Nấm mang ô đi hội
Tới suối nhìn mê say:
Ơ kìa, anh cọn nước
Đang chơi trò đu quay!
(Ngày hội rừng xanh)

b. Cách gọi và tả sự vật, con vật trong đoạn thơ có gì hay?

Giải đáp:

- Các sự vật và con vật trong bài thơ được gọi và tả giống như người biết thổi sáo, gảy đàn, thay áo, múa, xướng ca, làm ảo thuật, chơi đu quay, … Khiến các sự vật hiện lên vô cùng sinh động và gần gũi với con người hơn.

Bài 3 (trang 27,28):

Đọc đoạn thơ dưới đây và trả lời câu hỏi:

Chớp
Rạch ngang trời
Khô khốc
Sấm
Ghé xuống sân
Khanh khách cười
Cây dừa
Sải tay bơi
Ngọn mùng tơi
Nhảy múa…
(Trần Đăng Khoa)

a. Điền vào chỗ trống:

Giải đáp:

Sự vật, hiện tượng được nhân hóa

Từ ngữ thể hiện phép nhân hóa

Chớp

Rạch

Sấm

Ghé xuống sân, khanh khách cười

Cây dừa

Sải tay bơi

Ngọn mùng tơi

Nhảy múa

b. Tác dụng của phép nhân hóa trong đoạn thơ là gì?

Giải đáp:

- Phép nhân hóa làm cho các sự vật trong cơn mưa hiện lên sinh động, hấp dẫn và gần gũi với con người hơn.

Bài 4 (trang 28):

Câu hỏi: Viết 3 từ ngữ theo yêu cầu vào dòng bên dưới:

a. Từ ngữ gồm hai tiếng đều bắt đầu bằng ch. Mẫu: chăm chỉ, chong chóng.

Giải đáp:

- chặt chẽ, chứa chan, chen chúc, chững chạc, chằm chằm, chần chừ, chập chờn….

b. Từ ngữ gồm hai tiếng đều bắt đầu bằng tr. Mẫu: trăng trắng, trồng trọt.

Giải đáp:

- trẻ trung, trầm trồ, trần trụi, trập trùng, trò trống, tròn trịa, tròn trĩnh, trơ trụi….