Trang chủ > Lớp 12 > Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 12 > Tổng quan về tác phẩm: Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài

Tổng quan về tác phẩm: Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài

I. Giới thiệu đôi nét về tác giả Tô Hoài.

- Tô Hoài (1920 - 2014), tên khai sinh của ông là Nguyễn Sen.

- Quê quán: quê nội ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), nhưng nhà văn Tô Hoài được sinh ra và lớn lên ở quê ngoại – làng Nghĩa Đô, thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong một gia đình thợ thủ công.

- Thời trẻ, ông phải lăn lộn kiếm sống bằng rất nhiều nghề điển hình như: làm gia sư, dạy kèm trẻ, bán hàng, làm kế toán hiệu buôn, … và nhiều khi thất nghiệp.

- Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội văn hóa cứu quốc. Trong kháng chiến, ông làm báo và hoạt động nghệ thuật ở Việt Bắc.

- Tô Hoài bước vào con đường văn học bằng một số bài thơ có tính chất lãng mạn và một số cuốn truyện vừa, viết theo dạng võ hiệp nhưng sau đó, ông nhanh chóng chuyển sang văn xuôi hiện thực và được mọi người chú ý ngay từ những sáng tác đầu tay.

- Tô Hoài là một nhà văn lớn với số lượng tác phẩm đạt kỉ lục (gần 200 đầu sách với nhiều thể loại khác nhau) trong văn học hiện đại Việt Nam

- Năm 1996, ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật

- Những tác phẩm tiêu biểu: Dế mèn phiêu liêu kí (truyện, 1941), Ổ chuột (tập truyện, 1942), Quê người (tiểu thuyết, 1942), Nhà nghèo (tập truyện ngắn, 1944), Truyện Tây Bắc (tập truyện, 1953), Miền Tây (tiểu thuyết, 1967), Cát bụi chân ai (hồi kí, 1992), Chiều chiều (tự truyện, 1999), Ba người khác (tiểu thuyết, 2006)

- Quan điểm sáng tác: Những sáng tác của Tô Hoài thiên về diễn tả sự thật đời thường. Theo ông “Viết văn là quá trình đấu tranh để nói ra sự thật, đã là sự thật thì không tầm thường, cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc”.

- Phong cách sáng tác:

+ Qua mỗi tác phẩm, Tô Hoài đã thể hiện vốn hiểu biết sâu sắc, phong phú về phong tục, tập quán của nhiều vùng miền.

+ Lối trần thuật sinh động, hóm hỉnh của người từng trải

+ Vốn từ vựng phong phú đưuọc sử dụng đắc địa, tài ba, có sức lay động, lôi cuốn người đọc

II. Đôi nét về tác phẩm Vợ chồng A Phủ

1. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm

Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được nhà văn Tô Hoài sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc. Truyện ngắn đã được tặng giải Nhất - Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1954 – 1955.

2. Tóm tắt nội dung chính của đoạn trích

Truyện kể về cuộc đời của vợ chồng A Phủ. Mị là cô gái trẻ đẹp, nhà nghèo, sống ở Hồng Ngài. Cô bị bắt cóc về làm vợ A Sử, làm con dâu gạt nợ nhà thống Lí Pá Tra. Mị phải lao động quần quật, sống không khác gì con trâu, con ngựa ở nhà thống Lí. Khi mùa xuân đến, cô cũng muốn đi chơi liền bị A Sử trói đứng trong buồng. Chỉ đến khi A Sử bị đánh, cô mới được cởi trói để đi lấy lá thuốc, xoa dầu cho chồng. A Phủ là một chàng trai nghèo, mô côi. Anh khỏe mạnh, gan góc và rất hăng say lao động. Vì đánh A Sử đến phá rối cuộc chơi nên A Phủ bị bắt, bị đánh đập, bị phạt vạ, phải vay vốn thống lí để nộp phạt, rồi trở thành người ở đợ trừ nợ trong nhà thống lí. Một lần do sơ suất để hổ ăn mất một con bò, A Phủ bị trói đứng, bị bỏ đói suốt mấy ngày đêm. Một đêm, khi trở dậy thổi lửa để sưởi, Mị bắt gặp dòng nước mắt chảy trên gò má đen sạm của A Phủ. Mị nghĩ về thân phận mình, đồng cảm về cảnh ngộ của A Phủ. Cô đã cắt dây trói giải thoát cho A Phủ và bỏ trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra. Hai người đến Phiềng Sa, rồi thành vợ thành chồng, tạo dựng một cuộc sống mới. A Phủ được sự giác ngộ của cán bộ cách mạng A Châu trở thành tiểu đội trưởng du kích. Họ cùng mọi người cầm súng, chống giặc, giữ gìn bản làng.

3. Bố cục của đoạn trích gồm 3 phần:

- Phần 1 (từ đầu đến “bị đánh vỡ đầu”): Cuộc sống và diễn biến tâm trạng của Mị khi ở nhà thống lí Pá Tra.

- Phần 2 (tiếp đó đến “đánh nhau ở Hồng Ngài”): Hoàn cảnh của A Phủ và cuộc xử kiện ở nhà thống lí Pá Tra

- Phần 3 (còn lại): Mị cởi trói cho A Phủ rồi hai người chạy trốn khỏi Hồng Ngài xây dựng cuộc sống mới.

4. Giá trị nội dung

- Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” là câu chuyện kể về những người dân lao động vừng núi cao Tây Bắc. Họ không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hãm trong cuộc sống tối tăm nên đã quyết tâm vùng lên phản kháng đi tìm cuộc sống tự do mà họ xứng đáng nhận được.

- Truyện cũng nói lên ước mơ về một cuộc sống tự do, hạnh phúc của tất cả người dân, nơi không có những áp bức, bóc lột.

5. Giá trị nghệ thuật

- Ngôn ngữ giản dị, hấp dẫn mà vô cùng sinh động.

- Xây dựng nhân vật đặc sắc, miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo, tài tình

- Giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, đượm màu sắc và phong vị dân tộc, vừa giàu tính tạo hình, vừa giàu chất thơ.

III. Dàn ý phân tích Vợ chồng A Phủ

I. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về nhà văn Tô Hoài (năm sinh, năm mất, quê quán, những tác phẩm tiêu biểu, phong cách nghệ thuật…)

- Giới thiệu về truyện “Vợ chồng A Phủ” (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật).

II. Thân bài

1. Nhân vật Mị

a) Cách giới thiệu nhân vật

- Mị lúc nào cũng cúi mặt, buồn rười rượi

- Nhà thống lí Pá Tra giàu lắm, con gái làm gì biết khổ, biết buồn

→ Nhà văn đã tạo ra một tình huống đối lập, một nghịch cảnh. Từ đó, hé mở về thân phận, cuộc đời nhiều bi kịch, đầy ngang trái mà Mị sẽ phải đối mặt.

b) Mị trước khi trở thành con dâu gạt nợ

- Trước kia, Mị là một cô gái người Mông trẻ trung, xinh đẹp và hồn nhiên. Không những thế Mị còn có tài thổi sáo: trai đến đứng nhẵn cả chân đầu buồng Mị, uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo…

- Mj là một cô gái chăm chỉ, hiếu thảo: biết cuốc nương, làm ngô: "con phải làm nương làm ngô trả nợ thay cho bố…"

→ Ở nhân vật Mị hội tụ đầy đủ những vẻ đẹp và phẩm chất đáng quý của người con gái dân tộc miền núi

c) Mị sau khi trở thành con dâu nafh Pá Tra để gạt nợ.

- Nguyên nhân Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà Pá Tra: món nợ truyền kiếp từ thời cha mẹ Mị, tục cướp vợ của người Mông đem về cúng trình ma. Người lao động bị cả cường quyền và thần quyền buộc chặt.

- Khi trở thành con dâu nhà Pá Tra, Mị bị đày đọa cả về mặt thể xác lẫn tinh thần. Mị phải làm việc luôn chân, luôn tay, trở thành công cụ lao động cho nhà thống lí. Dần dần Mị trở thành một con người lao động theo bản năng và quên hết ý niệm về không gian, thời gian: Mị phải làm việc suốt ngày đêm, không bằng con trâu con ngựa, bị đánh đập dã man, lùi lũi như con rùa trong xó cửa, …

- Sức sống trỗi dậy trong Mị vào đêm hội mùa xuân ở Hồng Ngài:

+ Những yếu tố ngoại cảnh có tác động đến Mị, khơi dậy sức sống trong tâm hồn Mị: cảnh Hồng Ngài đón Tết, tiếng sáo gọi bạn đi chơi, …

+ Tâm trạng của Mị khi xuân về: nghe lời bài hát và nhẩm hát theo; Mị lén uống rượu để rồi nhớ lại quá khứ đầy vui vẻ, hạnh phúc của mình và bất giác Mị muốn được đi chơi.

+ Khi bị A Sử trói đứng: như không biết mình bị trói; vẫn nghe tiếng sáo; vùng bước đi

→ Sức sống trỗi dậy trong Mị, hối thúc, thúc dục Mị hành động

- Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ và hai người chạy trốn khỏi Hồng Ngài:

+ Lúc đầu, Mị thản nhiên ngồi sưởi lửa

+ Nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ, Mị đồng cảm với A Phủ, thương A Phủ và thương cho chính bản thân mình, Mị thấy nhà thống lí Pá Tra thật độc ác và cô đã nảy sinh ý định cởi trói cho A Phủ nhưng lại thấy sợ.

+ Sau đó Mị vẫn quyết định cắt dây cởi trói cho A Phủ

+ Mị giục A Phủ chạy trốn và quyết định chạy trốn theo A Phủ.

→ Hành động mang tính bột phát nhưng lại là điều tất yếu, là hệ quả tất yếu của Mị với sức sống trỗi dậy trong đêm tình mùa xuân. Mị còn rất yêu đời, yêu người và khát khao được sống một cuộc sống sao cho đúng nghĩa.

⇒ Mị là người con gái lặng lẽ mà mạnh mẽ, hành động của Mị đã đạp đổ thần quyền và cường quyền của bọn thống trị miền núi.

2. Nhân vật A Phủ

- Hoàn cảnh của A Phủ: An Phủ mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, anh sống trong tình yêu thương, sự che chở của cả dân làng. Lớn lên trở thành mộ chàng trai khỏe mạnh và tốt bụng

- A Phủ trở thành người ở gạt nợ:

+ Nguyên nhân trở thành người ở gạt nợ: Do đánh con quan, bị xử thua trong một vụ xử kiện bất bình thường.

+ Cảnh xử kiện: hút thuốc phiện, đánh đập người vô tội, cho vay nhưng không đưa tiền, buộc phải làm người ở gạt nợ.

+ A Phủ phải chịu sự đày đọa về mặt thể xác: phải làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm, có giá trị không bằng một con bò, làm mất bò phải chịu trói đứng đến chết…

- Tính cách của A Phủ:

+ Lúc nhỏ mạnh mẽ, ngang bướng: khi bị bán xuống cánh đồng thấp lại trốn lên núi cao

+ Lớn lên, A Phủ là chàng trai khỏe mạnh chăm chỉ, tháo vát, biết làm mọi công việc. Là người biết bất bình trước bất công (đánh A Sử), kháo khát tự do (nén đau để vùng chạy khi được cắt dây trói).

III. Kết bài

Nêu những nét đặc sắc về giá trị nội dung và nghệ thuật