Trang chủ > Lớp 12 > Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 12 > Tổng quan tác phẩm: Vợ Nhặt - Kim Lân

Tổng quan tác phẩm: Vợ Nhặt - Kim Lân

I. Giới thiệu đôi nét về tác giả Kim Lân

- Kim Lân (1920 - 2007), tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài.

- Quê quán: làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

- Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Kim Lân chỉ được học hết tiểu học, rồi vừa học vừa làm thợ sơn guốc, khắc tranh bình phong. Vừa làm việc ông vừa tập tành viết văn.

- Năm 1944, Kim Lân tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, sau đó liên tục hoạt động văn nghệ phục vụ kháng chiến và cách mạng (ông viết văn, làm báo, diễn kịch, đóng phim,... )

- Năm 2001, Kim Lân được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

- Những tác phẩm tiêu biểu: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962)

- Phong cách nghệ thuật: Kim Lân viết chân thật, xúc động về cuộc sống và người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ - những người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng. Dù viết về phong tục hay con người, trong tác phẩm của Kim Lân vẫn thấy thấp thoáng cuộc sống và con người làng quê Việt Nam. Họ luôn hiện lên với hình ảnh nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn yêu đời, thật thà, chất phác, thông minh mà hóm hỉnh, tài hoa.

II. Đôi nét về tác phẩm Vợ Nhặt

1. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm

Tác phẩm "Vợ nhặt" là truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Kim Lân. Tác phẩm được in trong tập Con chó xấu xí.

Tiền thân của truyện ngắn Vợ nhặt là tiểu thuyết Xóm ngụ cư – được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (năm 1954), ông dựa vào một phần truyện cũ để viết truyện ngắn này.

2. Tóm tắt nội dung chính của tác phẩm

Năm 1945, nạn đói khủng khiếp xảy ra lan tràn khắp nơi trên cả nước, người chết như rạ, người sống cũng dật dờ như những bóng ma. Tràng là một chàng trai xấu xí thô kệch, ế vợ, Tràng sống ở xóm ngụ cư. Anh làm nghề kéo xe bò thuê và sống cùng người mẹ già. Một lần kéo xe thóc Liên đoàn lên tỉnh Tràng đã quen với môt cô gái. Vài ngày sau gặp lại, Tràng không còn nhận ra cô gái ấy, bởi vẻ tiều tụy, đói rách làm cô đã khác đi rất nhiều. Tràng đã mời cô gái một bữa ăn, cô gái liền ăn một lúc bốn bát bánh đúc. Sau một câu nói nửa thật, nửa đùa, cô gái đã theo về làm vợ anh. Việc Tràng nhặt được vợ đã làm cả xóm ngu cư vô cùng ngạc nhiên, nhất là bà Cụ Tứ (mẹ của Tràng) cũng không giấu nổi vẻ bàng hoàng ngạc nhiên và lo lắng. Nhưng rồi bà cụ cũng đã hiểu ra và chấp nhận người con dâu ấy. Trong bữa cơm đón nàng dâu mới, họ chỉ với một bữa cháo kèm theo là nồi cháo cám bà cụ tứ dành cho nàng dâu nhân bữa cơm đón nàng dâu mới với tấm lòng độ lượng, bao dung. Tác phẩm kết thúc ở chi tiết vào buổi sáng hôm sau tiếng trống thúc thuế dồn dập, quạ đen bay vù như mây đen. Thị nói về chuyện Việt Minh phá kho thóc Nhật và Tràng nhớ lại hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới hôm nào.

3. Bố cục của tác phẩm gồm 4 phần:

- Phần 1 (từ đầu đến “hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần”): Cảnh Tràng dẫn vợ về nhà.

- Phần 2 (tiếp đó đến “cùng đẩy xe bò về”): Lí giải việc Tràng nhặt được vợ.

- Phần 3 (tiếp đó đến “nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”): Cuộc gặp gỡ giữa bà cụ Tứ và nàng dâu mới.

- Phần 4 (còn lại): Cảnh buổi sáng hôm sau ở nhà Tràng.

4. Giá trị nội dung

Truyện ngắn "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân không chỉ miêu tả tình cuộc sống bần cùng, thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của người nông dân: ngay trên bờ vực của chết, họ vẫn hướng đến sự sống, khát khao có được một mái ấm gia đình, thương yêu và đùm bọc lẫn nhau.

5. Giá trị nghệ thuật

- Nhà văn đã xây dựng được một tình huống truyện vô cùng độc đáo, tự nhiên. Kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố hiện thực và nhân đạo.

- Bút pháp phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc

- Nghệ thuật đối thoại, độc thoại nội tâm làm nổi rõ tâm lí của từng nhân vật.

- Ngôn ngữ kể chuyện phong phú, cách kể chuyện gần gũi, tự nhiên

- Kết cấu truyện đặc sắc

III. Dàn ý phân tích Vợ Nhặt

I. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về nhà văn Kim Lân (năm sinh, năm mất, những tác phẩm tiêu biểu, phong cách nghệ thuật…)

- Giới thiệu khái quát về truyện ngắn Vợ nhặt (hoàn cảnh ra đời, khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật.. )

II. Thân bài

1. Ý nghĩa nhan đề và tình huống truyện

a) Ý nghĩa nhan đề "Vợ nhặt"

- Vợ: Lấy vợ - là biểu tượng cho khát khao, mong ước có được một tổ ấm, hạnh phúc gia đình, mang ý nghĩa trọng đại và lớn lao.

- Nhặt: thể hiện một hành động tầm thường, rẻ rúng.

→ Tiêu đề "Vợ nhặt" có nghĩa thực là nhặt được vợ - gợi ra một sự rẻ rúng của thân phận con người và tình cảnh thê thảm của con người khi nạn đói năm 1945 hoành hành.

b) Tình huống truyện

- Tình huống: Tràng – một người dân ngụ cư xấu xí, thô kệch, tương lai là ế vợ thì bỗng dưng lại có vợ mà lại là nhặt được, theo về không.

- Đây là một tình huống vừa éo le, vừa độc đáo và bất ngờ nhưng cũng hết sức hợp lí. Tình huống đó thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm:

+ Giá trị hiện thực: bức tranh hiện thực về cuộc sống khốn khó, nghèo khổ của con người và thân phận rẻ rúng của con người tới mức có thể nhặt được vợ.

+ Giá trị nhân đạo: lời kết tội đanh thép về tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật và tay sai. Đồng thời, qua đó thể hiện tình yêu thương, sự đùm bọc lẫn nhau và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của con người trong cuộc sống khó khăn, vất vả và nghèo khó.

2. Nhân vật Tràng

a) Ngoại hình

- Dáng người thô kệch, cái cười khềnh khệch

- Lưng Tràng như con gấu

- Quai hàm bạnh ra

- Dân ngụ cư

b) Diễn biến tâm trạng của Tràng

- Chợt nghĩ: lo sợ vì không biết bản thân mình có nuôi nổi không lại còn đèo bòng

- Tặc lưỡi, “chậc, kệ”: niềm khát khao hạnh phúc với tổ ấm gia đình đã lớn hơn mọi nỗi lo lắng và sợ hãi.

- Trên đường đưa vợ về nhà:

+ Vẻ mặt phớn phở, tủm tỉm cười nụ một mình, mắt sáng lên lấp lánh, cái mặt vênh lên tự đắc với mình.

+ Mua dầu về thắp để khi thị về căn nhà của mình trở nên sáng sủa hơn.

- Lúc về đến nhà:

+ Ngượng ngịu, đứng tây ngây ra giữa nhà, lo lắng không biết bà cụ Tứ có chấp nhận người vợ của mình hay không?

+ Loanh quanh hết chạy ra ngõ đứng ngóng rồi lại chạy vào sân rồi lại nhìn trộm vào trong nhà.

+ Nhổ vu vơ một bãi nước bọt

+ Lúc bà cụ Tứ về: reo lên như một đứa trẻ, lật đật chạy ra đón, tươi cười, bảo mẹ ngồi rồi nói “Kìa, nhà tôi nó chào u”

→ Tràng thể hiện một tâm trạng vui sướng đến tột cùng.

- Sáng hôm sau:

+ Êm ái, lửng lơ như trong mơ bước ra, hạnh phúc vô bờ bến, một niềm hạnh phúc không thể gọi thành tên.

+ Nhìn cảnh nhà cửa gọn gàng, Tràng thấy cảm động, thấy yêu thương, gắn bó với cái nhà, một nguồn vui sướng, phấn chấn tột ngột và ngập tràn.

⇒ Từ khi nhặt được vợ nhân vật Tràng đã có sự biến đổi theo chiều hướng tốt đẹp lên. Sự thay đổi đó xuất phát từ tình yêu thương. Qua sự biến đổi này, nhà văn ngợi ca vẻ đẹp của những con người bất kể trong hoàn cảnh đói khổ rra sao thì họ vẫn luôn khao khát được yêu thương, được chở che.

3. Nhân vật bà cụ Tứ

a) Ngoại hình

- Dáng người lọng khọng

- Vừa đi vừa húng hắng ho, vừa lẩm bẩm tính toán

→ Nghèo khó, vất vả, cơ cực, lam lũ và đầy lo toan

b) Diễn biến tâm trạng

- Ngạc nhiên, tỏ ý không hiểu: bà không tin vào sự thật rằng Tràng đã có vợ

- Bà hiểu và hiểu ra bao nhiêu cơ sự - bà tin là Tràng đã có vợ và người phụ nữ kia chính là con dâu của bà:

+ Ai oán, xót thương

+ Bà khóc vì thương con, vì lo cho con, vì bà không làm tròn bổn phận của một người mẹ

+ Bà vui vẻ đón nhận nàng dâu mới với tất cả tình yêu thương, sự đùm bọc và chở che

- Sáng hôm sau:

+ Tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủm beo u ám của bà tươi tắn hẳn lên

→ Sự vui mừng, phấn khởi và hạnh phúc rạng rỡ trên khuôn mặt và qua cả những hành động

+ Trong bữa cơm sớm, bà nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau

→ Chính bà đã là người thắp sáng nên sự lạc quan, yêu đời và niềm tin vào một tương lai tươi sáng.

⇒ Bà cụ Tứ không chỉ là người mẹ nhân hậu, yêu thương con mà còn là một người giàu lòng yêu thương, sự giúp đỡ người khác dẫu trong hoàn cảnh khó khăn.

4. Nhân vật “người vợ nhặt”

a) Ngoại hình

- Khuôn mặt lưỡi cày xám xịt

- Áo quần rách như tổ đỉa

- Cái ngực gầy lép nhô lên

→ Một ngoại hình không mấy dễ nhìn. Thị là hiện thân của sự nghèo đói, khốn khổ

b) Hành động và diễn biến tâm trạng

- Khi gặp Tràng:

+ Hành động: ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng, liếc mặt, cười tít, sà xuống ăn một chặp bốn bát bánh đúc, ăn xong cầm đôi đũa quệt ngang miệng

+ Lời nói: đanh đá, chua ngoa

→ Những hành động và lười nói này của thị bắt nguồn từ cái đói, đói đến mức khiến người ta mất đi cả lòng tự trọng, sĩ diện và sự e thẹn, dịu dàng vốn có của người phụ nữ

- Trên đường theo Tràng về nhà: thị rón rén, e thẹn, ngượng nghịu, chân nọ bước díu vào chân kia. Tâm trạng lo âu, băn khoăn và vô cùng hồi hộp khi bước chân về "làm dâu ngà người".

- Khi về đến nhà:

+ Thị đảo mắt nhìn xung quanh, nén một tiếng thở dài, nhếch mép, cười nhạt nhẽo

+ Ngồi mớm ở mép giường, tay vẫn ôm khư khư cái thúng con

→ Thị mang tâm trạng chông chênh, lo âu khi mới bước chân về làm dâu

- Sáng hôm sau: một người đàn bà hiền hậu đúng mực, không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn

→ Sự thay đổi tính cách bất ngờ của thị đều xuất phát từ tình thương

⇒ Ngoại hình, hành động, lời nói của thị là nạn nhân của cái đói, cái khổ. Song cái đói, cái khổ đó không làm mất đi ở thị vẻ đẹp tâm hồn của một người phụ nữ hiền hậu đúng mực, luôn khát kháo yêu thương, khao khát có được hạnh phúc gia đình và tràn đầy niềm tin vào tương lai

III. Kết bài

Tổng kết lại giá trị nội dung cũng như nghệ thuật của toàn bài