Đề kiểm tra 1 tiết học kì I - trang 36 SBT Lịch Sử 7
Câu 1 (trang 36 SBT Lịch Sử 7): Nêu những thành tựu lớn về văn hóa Trung Quốc thời phong kiến.
Trả lời:
Những thành tựu lớn về văn hóa Trung Quốc thời phong kiến:
- Dưới thời phong kiến, Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, cụ thể như: (0,5 điểm)
- Tư tưởng: Nho giáo trở thành hệ tư tưởng và đạo đức của giai cấp phong kiến (0,5 điểm)
- Văn học: thời Đường xuất hiện nhiều nhà thơ nổi tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ.... Đến thời Minh – Thanh, xuất hiện những bộ tiểu thuyết có giá trị: Tam quốc diễn nghĩa, Tây du kí,... (0,5 điểm)
- Sử học: có các bộ Sử kí (của Tư Mã Thiên), Hán thư, Đường thư, Minh sử... (0,5 điểm)
- Nghệ thuật (hội họa, kiến trúc, điêu khắc): với nhiều công trình độc đáo như Cố cung, những bức tượng Phật sinh động... (0,5 điểm)
- Khoa học – kĩ thuật: có những phát minh quan trọng như giấy viết, kĩ thuật in, la bàn, thuốc súng... (0,5 điểm)
Câu 2 (trang 36 SBT Lịch Sử 7): Điểm khác biệt giữa ba vương triều: Gúp-ta, Hồi giáo Đê-li, và Ấn Độ Mô-gôn là gì?
Trả lời:
Điểm khác biệt giữa ba vương triều: Gúp-ta, Hồi giáo Đê-li, và Ấn Độ Mô-gôn đó là:
- Vương triều Gúp-ta là thời kì thống nhất, phục hung và phát triển của chế độ phong kiến ở miền Bắc Ấn Độ (kinh tế, xã hội và văn hóa). (1,0 điểm)
- Vương triều hồi giáo Đê-li do người theo đạo Hồi ở Thổ Nhĩ Kì thống trị; thi hành chính sách cấm đoán nghiệt ngã đạo Hin-đu, mâu thuẫn dân tộc gay gắt. (1,0 điểm)
- Vương triều Ấn Độ Mô-gôn do người Mông Cổ thống trị; thi hành chính sách xóa bỏ kì thị tôn giáo, thủ tiêu đặc quyền Hồi giáo…Dưới thời vua A-cơ-ba, chế độ phong kiến Ấn Độ đạt đến đỉnh cao (1,0 điểm)
Câu 3 (trang 36 SBT Lịch Sử 7): Việc chủ động “Tấn công trước để tự vệ” của nhà Lý có ý nghĩa như thế nào? Nêu ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Tống (1075-1077).
Trả lời:
- Ý nghĩa của việc chủ động “Tấn công trước để tự vệ” của nhà Lý:
+ Mục tiêu tấn công của ta chỉ là các căn cứ quân sự, kho lương thảo – những nơi quân Tống chuẩn bị cho cuộc tiến công xâm lược nước ta. Nên cuộc tiến công của ta mặc dù sang đất Tống nhưng là chính đáng. Trên đường tiến công quân ta treo bảng nói rõ mục đích của mình, khi thực hiện xong mục đích, ta chủ động rút khỏi đất Tống. (1,0 điểm)
+ “Tiến công trước để tự vệ” là một chủ trương độc đáo, sang tạo. Tiến công để tự vệ chứ không phải để xâm lược. Thắng lợi này là đòn phủ đầu, làm cho quân Tống hoang mang, bị động. (1,0 điểm)
- Ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược của nhà Lý:
+ Thắng lợi của cuộc kháng chiến đã củng cố chính quyền phong kiến vững mạnh, tạo điều kiện cho đất nước phát triển về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…Lòng tin của nhân dân đối với triều đình được nâng cao. (1,0 điểm)
+ Thắng lợi của các cuộc kháng chiến và khởi nghĩa đã chứng tỏ lòng yêu nước của nhân dân ta, tô thắm thêm truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên trung của dân tộc. (0,5 điểm)
+ Để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. (0,5 điểm)
Bài trước: Bài 11: Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống (1075 - 1077) -- trang 32 SBT Lịch Sử 7 Bài tiếp: Bài 12: Đời sống kinh tế, văn hóa - trang 37 SBT Lịch Sử 7